Bạn đọc viết:
Niềm vui giản dị của người thầy
(Dân trí) - Những tiếng “A” đầy ngạc nhiên giữa đám đông không ít lần vang lên khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên rồi chuyển sang mừng rỡ vô cùng. Bởi trò cũ bỗng nhận ra cô giáo cũ và bao kỷ niệm chợt ùa về…
Đọc bài viết “Học trò trưởng thành, cô hạnh phúc” trên báo Dân trí, bản thân tôi và có lẽ là phần đông giáo viên đã bắt gặp những cảm xúc lâng lâng hạnh phúc khi chọn nghề “gõ đầu trẻ”.
Người ta than nghề giáo cực thân, đúng là nhiều áp lực. Người ta bảo nghề giáo lương thấp, đúng là chẳng thể giàu nổi với đồng lương “ba cọc ba đồng”. Nhưng nghề giáo có niềm hạnh phúc mà chẳng ngành nghề nào có được. Đó là tình cảm của học trò, đặc biệt là học trò cũ. Và dòng thời gian ngăn cách càng dài thì tình cảm ấy càng thấm đượm đến ngọt ngào.
Những tiếng “A” đầy ngạc nhiên giữa đám đông không ít lần vang lên khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên rồi chuyển sang mừng rỡ vô cùng. Bởi trò cũ bỗng nhận ra cô giáo cũ và bao kỷ niệm chợt ùa về.
Đôi lần tôi đang lạc bước giữa đám đông rồi tiếng “A” vang lên bên tai làm tôi dừng bước. Bỗng nhận ra một khuôn mặt quen lắm nhưng chẳng thể nhớ nổi là ai. Câu chào hỏi vang lên ngờ ngợ: “Cô có phải là cô T. không ạ?”. Thì ra là trò cũ. Dòng ký ức được khơi lên bởi những vui buồn của một thời rợp nắng dưới hàng phượng vĩ đỏ thắm. Mắt trò lấp lánh niềm vui. Cô lặng yên ngắm trò khôn lớn, trưởng thành, chín chắn.
Có lần tôi mải miết “theo đuôi” con gái nhỏ săm soi, lựa chọn mấy chiếc đồng hồ đồ chơi đủ hình dáng ngộ nghĩnh. Bỗng giọng nói nhỏ nhẹ “A, cô…” từ cô bé bán hàng lại vang lên. Chưa kịp định hình trò cũ lớp nào, khóa nào đã được mách nhỏ “Đồ chơi nhanh hỏng lắm, cô đừng mua cho bé”. Trò sợ cô giáo cũ chịu thiệt, thật thà khuyên cô ngay. Cô trò cùng lè lưỡi, rụt vai và cười xòa.
Rồi dạo nọ đang chen chân giữa những chiếc bàn kê san sát trong quán cà phê sách. Lại tiếng “A” reo vui vang lên. Em sinh viên nam lễ phép đứng dậy chào cô. Tôi chỉ biết mỉm cười và chúc em vui vẻ cùng bạn. Vừa quay lưng bước tiếp đã nghe em giới thiệu đó là cô giáo cũ năm lớp 8 với bạn. Chỉ vậy thôi đã đủ làm lòng người thầy vui vui suốt buổi.
Những cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa dòng đời nối gần hơn khoảng cách thầy trò. Có quý cô giáo cũ, trò mới mừng vui như thế. Những dòng tin nhắn chúc sức khỏe, hạnh phúc mỗi dịp lễ Tết từ vô số học trò khiếp lòng mình ấm lại. Những cuộc điện thoại từ phương xa báo tin trò lập gia đình chẳng thể mời cô giáo cũng khiến mình rưng rưng…
Mỗi năm một chuyến đò đưa, bao học sinh rời bến. Có chuyến đò cập bến thuận buồm xuôi gió. Có chuyến đò lại gập ghềnh, trắc trở. Chỉ cần lòng người thầy đầy nhiệt tâm chèo chống, hà cớ gì trò chẳng biết tri ân?
Lời tri ân lớn nhất chính là sự thành công của trò. Đó không hẳn là sự thành danh trên con đường sự nghiệp với địa vị, danh vọng, tiền tài. Đôi khi niềm hạnh phúc của người thầy là trò trưởng thành với một nghề nghiệp ổn định, là một công dân tốt và một người tử tế. “Quả ngọt” mà mỗi người thầy đều muốn gặt chỉ đơn giản là thế.
Tôi biết ở ngoài kia vẫn có những người thầy đang làm trái đạo đức nhà giáo bằng các “chiêu trò” ép buộc học sinh học thêm. Có thể thầy cô sẽ đạt mục đích tăng thu nhập bởi thầy cô đang đứng lớp, trực tiếp nắm “quyền sinh sát” trong tay. Nhưng có bao giờ thầy cô nghĩ đến hình ảnh của mình đang méo mó một cách khủng khiếp trong lòng phụ huynh và học sinh không?
Cái hình ảnh méo mó đó thật sự đáng sợ. Nó giết chết tình nghĩa thầy trò, bóp nghẹt lòng biết ơn trong học sinh và gieo vào đầu các em bao ý nghĩ xấu xí về người thầy đang đứng lớp.
Đừng vì những cái lợi trước mắt mà đánh mất đi ý nghĩa cao quý của nghề dạy học! Đừng để trò quay lại oán hận, trách móc vì những lần mình phân biệt đối xử, o ép trò không học thêm!
Và hơn tất cả, ai mà chẳng mong sẽ bắt gặp những tiếng “A” reo vui, hạnh phúc của trò cũ khi tình cờ gặp lại cô giữa đám đông...?
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!