Những trường học "trắng" lạm thu

(Dân trí) - Cách làm không có gì quá đặc biệt nhưng một số trường tiểu học ở Hà Nội nhiều năm trở lại đây chưa một lần nghe phụ huynh phàn nàn về các khoản thu chi. Bí quyết để thực hiện điều đó gói gọn trong cụm từ “minh bạch”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2053/Giat-minh-khoan-thu-dau-nam.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;“Giật mình” khoản thu đầu năm</b></a>

Mặc dù năm học mới đã được gần 1 tháng nhưng “sức nóng” về các câu chuyện xoay quanh đóng góp đầu năm vẫn chưa hạ nhiệt. Tuy nhiên trong khi đa số phụ huynh bức xúc về các khoản thu chi thì vẫn còn đó những lời ngợi ca dành cho các trường thực hiện tốt.
 
Chị Hằng ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Mình có hai con. Một đang học trường mầm non T. còn một học ở tiểu học N.Đ. Trong khi trường mầm non thì thu tiền một cách thiếu mình bạch thì trái lại ở trường tiểu học N.Đ hoàn toàn khác. Ngoài các khoản đóng theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì Quỹ hội phụ huynh hai năm nay của trường tiểu học này cũng chỉ ấn định là 200.000 đồng”.

Trường tiểu học N.Đ không phải là trường duy nhất ở Hà Nội được các phụ huynh đánh giá là không có “lạm thu”.

“Minh bạch”: Khó gì đâu!

Trao đổi với chúng tôi về công tác thu chi, cô P.T.Y - hiệu trưởng trường tiểu học T.C không ngần ngại chia sẻ như vậy. Theo cô Y., các khoản thu chi đều được quy định rất rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn. Để tránh phụ huynh hiểu nhầm thì khi họp phụ huynh, trường cần phổ biến và nói rõ về các văn bản này. Đối với các khoản khác liên quan đến thỏa thuận hoặc xã hội hóa thì phải thống nhất trong Hội đồng trường, tập thể giáo viên (GV) và Hội phụ huynh. Sau đó, GV chủ nhiệm các lớp tiếp tục phổ biến đến phụ huynh để hiểu rõ chủ trường, nếu phụ huynh thắc mắc thì phải giải thích cặn kẽ. Trong trường hợp không giải thích được thì Ban giám hiệu sẽ làm việc trực tiếp với phụ huynh.

“Vấn đề mấu chốt là cần phải có kế hoạch cụ thể về phương án thu chi để qua đó phụ huynh nhìn thấy rõ có hợp lý hay không. Chỉ được tiến hành khi các phụ huynh đã tán thành 100%. Không nên ép buộc khi chỉ có một ý kiến không đồng tình. Khi triển khai hãy để cho chính các phụ huynh trực tiếp giám sát” - cô Y. tiết lộ.

Cùng chung quan điểm này, cô P.Q.N - hiệu trưởng trường tiểu học N.Đ tâm sự thêm: “Vào đầu năm học thì Câu lạc bộ các Hiệu trưởng thuộc địa bàn Quận sẽ họp bàn về các mức thu và trình lãnh đạo Phòng GD-ĐT xem xét. Mục đích của việc làm này là thống nhất mức thu trên toàn Quận tránh tình trạng trường nọ nhìn trường kia. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo Phòng GD-ĐT thì lúc đó mới bắt đầu triển khai. Bắt đầu từ cuộc thống nhất trong Ban giám hiệu rồi đến liên tịch toàn trường sau đó bàn bạc với Hội phụ huynh trước khi ra cuộc họp phụ huynh”.
Chỉ cần minh bạch và có kế hoạch cụ thể thì phụ huynh 
Chỉ cần minh bạch và có kế hoạch cụ thể thì phụ huynh sẽ không còn bức xúc với các khoản thu đầu năm học (Ảnh minh họa)

Cũng theo cô N. thì ở cuộc họp chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều nên GV chủ nhiệm các lớp phải bàn bạc, phân tích để cho phụ huynh hiểu rõ. Chỉ cần một người phản đối thì không được phép triển khai.

“Trong các cuộc họp toàn quận thống nhất quỹ Hội phụ huynh là 200.000 đồng và cũng quán triệt đây là khoản đóng góp phục vụ trực tiếp cho HS. Khi triển khai ở trường chúng tôi cũng quán triệt GV chủ nhiệm giám sát việc này, nếu Hội phụ huynh thu vượt quá thì GV phải chịu trách nhiệm với Ban giám hiệu” - cô N. nhấn mạnh cách quản lý của trường.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc nhiều phụ huynh lo ngại có ý kiến sẽ bị GV “đì”, cô N. thẳng thắn tâm sự: “Suy nghĩ của họ cũng đúng, thực tế là việc này đã từng xảy ra. Có những nơi khi phụ huynh có ý kiến thì GV thể hiện thái độ ngay nên khiến họ lo ngại. Chính vì thế trong tình huống nào thì GV chủ nhiệm cận phải bình tĩnh với ý kiến trái chiều, không nên tỏ thái độ”.

Xã hội hóa: Hãy đặt mình ở địa vị phụ huynh

Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường ở địa bàn Hà Nội, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, ngân sách dành cho giáo dục ở mức hạn chế nên việc xã hội hóa là cần thiết. Tuy nhiên thực hiện như thế nào để phụ huynh không bức xúc và tự nguyện tham gia là điều không phải dễ dàng.

“Trước khi làm việc này cần phải có chủ trương và lập kế hoạch chi tiết. Việc đóng góp dựa trên nguyên tắc tự nguyện và chủ yếu là nhờ sự trợ giúp của các mạnh thường quân, không nên chia bổ đầu cho phụ huynh. Chỉ cần thực hiện sai quy trình sẽ khiến phụ huynh bức xúc” - cô P.T.Y chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trường tiểu học T.C là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai lớp học tương tác. Để nhận được sự chia sẻ từ phía phụ huynh, nhà trường đã phải thực hiện nhiều công đoạn: từ việc nghiên cứu tài liệu cho đến tổ chức hội thảo mời phụ huynh trực tiếp tham gia mô hình lớp học này để thấy được tác dụng của lớp học tương tác. Sau khi tất cả các đồng tình tham gia thì nhà trường mời trực tiếp đơn vị cung cấp thiết bị xuống gặp gỡ trao đổi và thống nhất với phụ huynh. Điều đặc biệt là ở chỗ, đơn vị cung cấp không thu tiền một lần mà thu theo hình thức trả góp nên hàng năm phụ huynh chi trả chỉ ở mức độ vừa phải.

“Thời gian đầu triển khai nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Không hẳn phụ huynh đồng tình là mình cứ thế cho triển khai mà cần phải nắm được tâm tư của họ. Chỉ khi nắm được thì mình mới có thể giải quyết được những điều mà phụ huynh lo nghĩ” - cô Y. nói.

Còn ở trường N.Đ thì lại triển khai theo một cách hoàn toàn khác lạ. Nếu lớp nào muốn lắp thêm điều hòa thì phải làm đơn xin phép Ban giám hiệu nhà trường. Giải thích về điều này, cô P.T.N cho biết: “Trường mình cũng được cái thuận tiện là được một số doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị. Hầu hết lớp nào cũng đã được lắp một máy điều hòa. Đo đó nếu lớp nào muốn lắp thêm thì phải làm đơn, chỉ khi nhà trường đồng ý mới được triển khai. Trong quá trình triển khai bọn mình cũng đặc biệt lưu ý với Hội phụ huynh là tùy theo sức đóng góp của mỗi người, nếu gia đình nào khó khăn quá thì nên miễn hoàn toàn”.

Qua những câu chuyện trên cho thấy, việc chống lạm thu trong trường học không khó, quan trọng vẫn là cách làm. Chỉ cần sự minh bạch, có kế hoạch và mức thu hợp lý thì chắc chắn chẳng phụ huynh nào có ý kiến khi những lợi ích đó phục vụ cho chính con em họ.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm