Những thói quen xấu khi ngồi học

Hầu hết học trò khi ngồi học đều có những thói quen không tốt tẹo nào. Nếu bạn không muốn kết quả học tập của mình bị “tụt dốc” thì tìm cách loại chúng đi nhé!

Bẻ các khớp tay

 

Sau một hồi hí hoáy ghi chép, tay bạn bắt đầu mỏi nhừ. Và thế là “rắc rắc”, bạn bẻ khớp tay. Đó là một thói quen cực kì có hại cho tay, vì ở giữa các đầu khớp ngón tay luôn có một lớp chất nhầy mỏng để bảo vệ các khớp khi cử động. Nhưng khi bị bẻ gập bất ngờ như vậy, khớp tay của bạn rất dễ bị trượt và những ngón tay bạn bị đau do trật khớp rất dễ xảy ra. Thêm nữa, nếu bạn cứ tiếp tục bẻ ngón tay trong một thời gian dài thì những ngón tay xinh của bạn sẽ trở nên thô kệch và xấu xí lắm đấy.

 

Khi mỏi tay, thay vì bẻ khớp tay bạn hãy lăn tay trên 1 quả bóng tenis. Đấy là một bài mát-xa đơn giản và hiệu quả. Không những thế, động tác này còn giúp cơ thể bạn thư giãn vì lòng bàn tay tập trung rất nhiều dây thần kinh.

 

Cắn móng tay - Gặm bút

 

Mỗi khi căng thẳng hoặc “bó tay” trước một bài tập khó nhằn, bạn sẽ vô thức có những hành động trên. Nhưng răng bạn sinh ra không phải để gặm cái đầu bút cứng nhắc ấy, nó sẽ khiến bạn bị ê răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống. Nếu kéo dài thì chân răng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cắn móng tay cũng bị ảnh hưởng tương tự như thế, không chỉ mất vệ sinh mà đôi khi bất cẩn bạn sẽ dễ bị hóc móng tay nữa.

 

Khi bạn căng thẳng hoặc gặp rắc rối với bài toán, hãy nhắm mắt lại và hít thở thật sâu. Việc hít thở sâu sẽ tăng cường máu và oxy lên não, bạn sẽ “xử lý” bài toán hiệu quả hơn là cắn móng tay đấy.

 

Ngồi học liền mạch trong nhiều giờ

 

Bạn nghĩ rằng việc ngồi lì ở bàn học như thế sẽ giúp tập trung 100% vào bài học. Nhưng trái ngược hoàn toàn với những gì bạn nghĩ, việc ngồi lâu sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi. Đó là vì khi bạn ngồi cơ thể sẽ bị gấp khúc ở đầu gối và thắt lưng. Máu ở hai “địa điểm” này bị nghẽn lại khiến cho việc luân chuyển máu trong cơ thể cũng bị châm lại. Mà lúc này, não của bạn lại cần nhiều máu hơn bình thường để giải quyết đống bài tập khó nhằn. Vậy là thay vì tập trung hơn, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng uể oải cùng với sự “ghé thăm” của một vài “vị khách” không mời, như váng đầu, tê chân…

 

Không nên “ngồi thiền” trước bàn học, thỉnh thoảng hãy đứng dậy đi lại trong phòng. Nhớ thực hiện thêm một vài động tác duỗi chân, vai để F5 cơ thể nhé.

 

Cúi đầu quá thấp

 

Bạn ngồi vào bàn với tư thế ngẩng cao đầu, nhưng dần dần đầu bạn lại cúi thấp hơn. Gần 10 phút trôi qua, bạn bắt đầu ngáp, câu chữ bắt đầu loạn xạ... Đấy là do bạn đang hành hạ đôi mắt của mình và làm cho cơ cổ bị quá tải. Chứng “thoái hoá đốt sống cổ” sẽ sớm “hỏi thăm” nếu bạn cứ làm cho cái cổ của mình bị quá tải trong thời gian dài. Thêm nữa, các mạch máu từ cổ lên não bị nghẽn cũng là nguyên nhân khiến bạn tiếp thu bài học kém đi.

 

Hãy chọn một bộ bàn ghế phù hợp với chiều cao của bạn. Những bộ bàn ghế quá thấp hay quá cao đều khiến cơ thể “biểu tình” đấy.

 

Theo Lệ Thu
Kênh 14

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm