Những thế hệ học trò làm rạng danh Trường Bưởi - Chu Văn An

(Dân trí) - Tất cả những học sinh trưởng thành từ ngôi trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đều mang theo niềm tự hào của ông cha bước vào đời, hàng nghìn, hàng vạn người làm nên sự nghiệp, vinh quang, huy hoàng vì đất nước...

Là người Hà Nội hẳn ai cũng biết tới ngôi trường nổi tiếng có lịch sử 102 năm, tên ban đầu là Trường Bưởi, sau này được đổi tên là Trường THPT Chu Văn An, tên gọi lịch sử đầy đủ là Trường Bưởi - Chu Văn An.

 

Ngôi trường mang tên một nhà giáo mẫu mực của mọi thời đại, yêu nước, tài đức vẹn toàn, khí phách lớn lao nổi tiếng qua “Thất trảm sớ”. Thế hệ học sinh đầu tiên vào trường này giờ đây hiếm ai còn sống ở cái tuổi 115 trở lên, nhưng tên tuổi còn lưu danh muôn đời, những bậc tiền bối cách mạng những chiến sĩ cộng sản đầu tiên: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự đến cố thủ tướng Phạm Văn Đồng kính yêu luôn được nhắc tới với tinh thần yêu nước, cách mạng.

 

Những thế hệ học trò làm rạng danh Trường Bưởi - Chu Văn An - 1
Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới.

 

Tất cả những học sinh trưởng thành từ mái trường thân yêu này đều mang theo niềm tự hào của ông cha bước vào đời, hàng nghìn, hàng vạn người làm nên sự nghiệp, vinh quang, huy hoàng vì đất nước.

 

Không ai có thể thống kê đầy đủ các cựu thầy và trò của trường đã ra chiến trận của những cuộc chiến tranh giữ nước thần kỳ, ai còn ai mất, nhưng tiêu biểu thì có thể nhớ tới anh hùng phi công thời chống Mỹ: Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Phi Hùng, cựu nữ học sinh khóa 57-60 Đặng Thùy Trâm - vị bác sĩ quân y hy sinh trên chiến trường Quảng Nam được cả thế giới biết đến, được khắc họa chân dung trong những tác phẩm lớn của văn học, sân khấu và điện ảnh.

 

Phát huy truyền thống tám chữ vàng “Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi”, Trường THPT Chu Văn An vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng với Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM và Trường ĐH Thương mại. Đây là một vinh dự càng lớn lao, một sự khích lệ kịp thời nhưng cũng là trách nhiệm không nhỏ đối với Trường THPT Chu Văn An nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Những nhân tài từ bệ phóng “ngôi trường ven Hồ Tây” này đã làm rạng danh ngôi trường có thể kể đến cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển, gần gũi nhất với chúng ta mới ra đi chưa đầy 10 năm là nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đáng kính, bước tiếp truyền thống là những người con của thầy là các ông Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Trung, Nguyễn Lân Việt đều trở thành các nhà khoa học và giáo dục có uy tín.

 

Những tài hoa nghệ thuật như họa sĩ tài danh Phan Kế An, nhà thơ Dương Hương Ly, Vũ Quần Phương, ca sĩ - NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương… đều lớn lên từ “vườn ươm bên hồ” này.

 

Còn rất nhiều cựu học sinh Trường Bưởi - Chu Văn An đã và đang thành đạt sinh sống ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới luôn hướng về ngôi trường này, đơn cử như ông Phạm Văn Khải - Việt kiều Mỹ đã già yếu, hàng năm vẫn gửi về cho quỹ khuyến học của trường mấy trăm USD góp vào 15 suất học bổng 1.500.000 - 2.000.000 đồng/năm mà cựu học sinh trong nước tổ chức thực hiện hàng chục năm nay.

 

Thế hệ ngày trước học trong thiếu thốn, gian khổ bởi lạc hậu, bởi chiến tranh, thì giờ đây, trong điều kiện khoa học hiện đại, đất nước hội nhập, đời sống vật chất nâng cao, có lẽ nào thầy trò hôm nay thua kém những người đi trước. Đổi mới và cơ chế kinh tế thị trường luôn là thách thức để chúng ta vượt qua chính mình với những cạm bẫy cám dỗ tầm thường.

 

Giữ gìn truyền thống trăm năm, nỗ lực, sáng tạo thực hiện tám chữ vàng “Yêu nước, Cách mạng, Dạy tốt, Học giỏi” là vinh dự, trách nhiệm và niềm tin của thế hệ đi trước, của nhân dân thủ đô gửi gắm tới thầy và trò Trường THPT Chu Văn An hôm nay. 

 

Lê Trung

Chi hội cựu học sinh 10C khóa 56-59