Những nữ sinh tuổi teen nhà nghèo học giỏi
(Dân trí)- Mồ côi cha, mẹ từ khi mớt lọt lòng hay cha mẹ ly hôn mỗi người mỗi ngả…để rồi các em lớn lên luôn không được trọn vẹn tình thương của hai đấng sinh thành. Vậy mà, các em vẫn cố gắng vượt qua những nỗi bất hạnh để có kết quả học tập tốt nhất.
Mới đây, chúng tôi có dịp được dự một buổi trao học bổng “Khăn đỏ đến trường” dành cho các em học sinh tiểu học, THCS tại Cần Thơ. Khi những hoàn cảnh của các em học sinh được nêu lên đã khiến cả hội trường xúc động. Nhiều em gặp hoàn cảnh không may mắn nhưng với nghị lực phi thường, các em đã vượt lên khó khăn, trở thành những học sinh giỏi nhất trường, nhất lớp.
Khi nhắc đến cha mẹ, em Phan Thị Thu Sương (14 tuổi, ngụ ở ấp Trường Long 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền) không khỏi nhớ thương vì từ lâu rồi em không có được vòng tay ôm của mẹ, sự nâng niu chăm sóc của cha. Sương vừa học xong lớp 7 Trường THCS Trường Long với kết quả giỏi.
Em Sương cho biết, năm em học lớp 3 thì cha mẹ ly hôn, mỗi người đi mỗi ngả. Sương và em gái về sống với ông bà nội trong một ngôi nhà lá đơn sơ, kinh tế nghèo khó. Ông bà nội chỉ có vài cây ổi sau vườn bán kiếm tiền sống qua ngày và nuôi các cháu. “Hai chị em giờ chỉ có ông bà nội là người thân yêu, cha mẹ lâu lắm cũng có về thăm nhưng chỉ ghé qua nhà rồi lại đi” - Sương tâm sự.
Dù thiếu tình thương của bố mẹ, hai chị em Sương luôn cố gắng học thật tốt. Với Sương, đã 7 năm qua, em luôn là học sinh giỏi của trường của lớp. Còn em Phan Thị Phương Uyên (em gái Sương, học lớp 2) cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập với kết quả giỏi 2 năm liền. Sương cho biết: “Em chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ học. Ông bà nội nói, dù khó khăn cỡ nào cũng quyết tâm cho 2 chị em em đến trường để sau này còn lo cái thân vì ông bà nội không thể sống với tụi em hoài được. Vì thế, đây là động lực cho tụi em sống tốt và học tốt”.
Do trường xa, ông bà nội dành dụm mua cho em chiếc xe đạp để đạp đến trường. Đây được xem là tài sản quý giá nhất mà em có. Do là chị gái lớn nên ngoài việc học, Sương ở nhà phụ giúp ông bà lo công việc nhà và chăm sóc vườn cây như một người “phụ nữ thực thụ”.
Gần giiống với hoàn cảnh của Sương, em Huỳnh Ngọc Trà My (13 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) chịu cảnh cha mẹ ly dị từ khi em còn nằm trong nôi. My cho biết, mẹ làm nghề may, mỗi ngày mẹ em chỉ kiếm được khoảng 35 ngàn đồng để lo tất cả “cơm áo gạo tiền” cho hai mẹ con.
Sớm thiếu vắng người cha, Trà My cũng ý thức được rằng phải làm một người con hiếu thảo với mẹ bằng cách cố gắng học thật giỏi để đền đáp mẹ. Chính vì lẽ đó mà 7 năm qua, năm nào My cũng có kết quả học lực giỏi, hạnh kiểm luôn tốt.
“Ngoài việc học, em cũng học được ở mẹ nghề may vá nên cũng giúp đỡ cho mẹ được phần nào đó. Em vui lắm vì cũng có thể kiếm được ra tiền dù không nhiều” - My kể.
Không biết cuộc sống phía trước sẽ ra sao vì hoàn cảnh gia đình còn lắm khó khăn nên Trà My không dám ước mơ gì cho riêng mình. Khi chúng tôi hỏi em thích làm nghề gì? My suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Em thích làm nghề may nhưng em lại muốn làm cô giáo hơn vì làm cô giáo, sau này em sẽ dạy học cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như em”.
Không khí của buổi trao học bổng “Khăn đỏ đến trường” ngày hôm đó bỗng dưng yên tĩnh lạ thường, lúc ấy chỉ có tiếng của em Lý Tiểu Phụng (vừa học xong lớp 8, Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều) vang lên trong sự cảm phục của những người có mặt.
Phụng kể về hoàn cảnh của mình: “Mẹ mất lúc em mới 5 tuổi, cha bỏ đi khi em còn rất nhỏ. Không còn gia đình riêng, em phải về sống với dì dượng ruột trong một căn nhà trọ nhỏ nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo trên Quốc lộ 91B. Dì dượng của em nghèo lắm, chỉ bán bánh mì kiếm sống qua ngày và nuôi đến 5 người con đang tuổi ăn tuổi học”.
Nhìn Tiểu Phụng khá xinh xắn nhưng ít ai biết rằng em đang mắc 2 căn bệnh ung thư máu và bệnh bướu cổ. Hàng tháng, Phụng phải lên TPHCM để thay máu, tốn rất nhiều tiền. Ông bà ngoại của Phụng dù già yếu nhưng cũng cố gắng đi làm để có tiền lo thang thuốc cho em.
Dù trong mình mang bệnh, thiếu tình thương cha mẹ nhưng Tiểu Phụng xem việc đến trường và làm thế nào để học cho tốt là những gì mà em có thể làm được để không phụ lòng những người thân. Trong 8 năm qua, Phụng luôn đạt học lực khá giỏi. Em cho biết: “Có những học kỳ em chỉ đạt loại khá, em buồn lắm nhưng khi thấy thua kém bạn bè là em biết mình phải cố gắng hơn nữa”.
Căn bệnh thì mỗi ngày hành hạ Tiểu Phụng, để bản thân được sống thì mỗi tháng ông bà ngoại phải bỏ ra số tiền từ 3- 4 triệu đồng để chữa trị cho em.
“Đây là số tiền khá lớn, em thấy ông bà ngoại phải gòng lưng gánh vác, em xót lắm nhưng em không biết phải làm gì hơn, chỉ có thể học cho thật tốt mà thôi”- Phụng buồn bã nói.
Huỳnh Hải