Những người Việt trẻ tạo dấu ấn tài trí trên thế giới năm 2018
(Dân trí) - Ở lĩnh vực giáo dục, công nghệ việc làm hay nghiên cứu y sinh, trí tuệ nhân tạo những người Việt Nam tại nước ngoài đều chứng tỏ nhiệt huyết, bản lĩnh, trí tuệ và sức lao động miệt mài. Chính tinh thần đó đã giúp họ ghi dấu ấn đáng tự hào ở chuyên môn mình theo đuổi và góp phần khẳng định sự hội nhập sâu rộng, đầy tự tin của con người Việt Nam với thế giới.
Nhà khoa học trẻ Việt phát hiện 8 loài vi khuẩn mới gây ấn tượng giới khoa học
Trong năm 2018, Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1990, Hà Nội), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales đã phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới. Công trình nghiên cứu của 9X Việt gây ấn tượng mạnh với hội đồng khoa học, được tài trợ toàn bộ chi phí sang Đức để trình bày cùng với công trình của các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới đến từ ĐH Harvard, Stanford, MIT.
Nhà khoa học 28 tuổi chính là người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại Hộị nghị khoa học vi sinh ISME17 - Hội nghị khoa học lớn nhất trong ngành Vi sinh học trên thế giới diễn ra ở Đức. Anh vinh dự được chọn vào danh sách 300 diễn giả có bài nghiên cứu được chọn trình bày trước hơn 2000 đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị chuyên đề Sinh thái và Vi sinh vật.
Hội thảo năm nay có 2.250 đại diện cho hơn 60 nước trên thế giới được mời tham dự. Với các hội nghị có quy mô như ISME17, việc các nghiên cứu sinh được chấp nhận làm diễn giả là vô cùng hiếm hoi. Nếu có thì chỉ được trình bày nghiên cứu thông qua một bài trình bày poster. Việc Hùng được phát biểu trước một hội nghị khoa học lớn tầm cỡ thế giới là niềm vinh dự, tự hào lớn cho đại diện Việt Nam.
Nghiên cứu của Hùng đã phát hiện 8 loài vi khuẩn mới có ý nghĩa đặc biệt khi ứng dụng vào thực tế.
Trao đổi với PV Dân trí, Việt Hùng cho hay: “Ứng dụng của công trình là khi cần có thể cấy vi khuẩn để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi. Như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, các loài thủy sản nhóm giáp xác bị chết hàng loạt.
Nguyên nhân ban đầu là do sự thay đổi môi trường, phù sa nên vi khuẩn hữu ích trong môi trường đó mất đi kéo theo sự suy thoái chức năng sinh thái. Những chất như hydrogen sulfate hay ammonia có thể tăng lên mạnh, giết hết thủy sản đang nuôi.
Khi đó có thể ứng dụng nghiên cứu để cấy ghép vi khuẩn có lợi, sống được trong môi trường này để tái tạo chức năng sinh thái cần thiết cho khu nuôi trồng”.
Phương pháp Hùng đã nghiên cứu cho phép tìm ra một môi trường riêng có tất cả ADN của các loài vi khuẩn. Có những con vi khuẩn lạ không thể tìm ra nhưng bằng công nghệ này cũng có thể phát hiện được.
Đặc biệt, 8 loài vi khuẩn này thuộc 7 bộ hoàn toàn mới của lớp vi khuẩn Gammaproteobacteria – một phát hiện bất ngờ, khi mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong vòng 200 năm vừa qua. Với công trình ấn tượng này, tháng 10/ 2018 nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt lại được mời sang Thượng Hải, Trung Quốc để tiếp tục trình bày về luận án nghiên cứu của mình.
Không chỉ vậy, Nguyễn Việt Hùng còn nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Brisbane và Sydney với thành tích đạt 3 điểm 9.0 IELTS cho 3 kĩ năng Nghe, Đọc và Viết. Khả năng tiếng Anh như người bản xứ cùng những thành tích ấn tượng và hoạt động năng nổ trong cộng đồng du học sinh của Hùng đã gây ấn tượng với đài truyền hình SBS của Úc. Chân dung chàng trai Việt được nhà đài phỏng vấn như một tấm gương sinh viên quốc tế thành công ở nước sở tại.
Hoa khôi du học sinh Việt tốt nghiệp xuất sắc, Viện ung thư hàng đầu thế giới giữ lại làm việc
Vũ Nam Phương (Hoa khôi du học Việt khắp năm châu năm 2015) tốt nghiệp cử nhân về chẩn đoán hình ảnh y tế liên quan đến y học phóng xạ loại xuất sắc tại Viện nghiên cứu và trị liệu ung thư hàng đầu thế giới - UT MD Anderson Cancer Center (Houston, Texas, Mỹ) vào tháng 8/2018. Cô là số hiếm tân cử nhân "sáng giá" của khóa được Viện mời ở lại làm việc.
Vũ Nam Phương tốt nghiệp loại xuất sắc (bằng danh dự hạng cao nhất) dành cho những người đạt điểm GPA từ 3.94-4.0. Không những vậy, cô gái Việt còn vinh dự nhận giải “Outstanding Academic Award” cho sinh viên xuất sắc toàn diện về học tập, nghiên cứu và Cúp “Honor Roll” dành cho sinh viên toàn diện và xuất sắc nhất từ trường đại học.
Năm qua, Nam Phương cũng tiếp tục được nhận thêm vào hội học thuật danh dự “Alpha Eta Honor Society” dành cho những người tham gia hoạt động trong ngành y tế.
Phương “bật mí”, thực ra cô đã được nhận làm việc tại Viện ung thư MD Anderson ngay trước khi tốt nghiệp. Song do vẫn phải đi thực tập 5 lớp/ mùa nên cô chỉ làm bán thời gian.
Ngày tốt nghiệp của Phương có sự có mặt của bố, bà và em gái cô; đánh dấu bước ngoặt cô đã thực hiện được một phần “giấc mơ Mỹ” của mình. Phương mặc áo dài Việt Nam, nụ cười thường trực trên môi như khẳng định kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng ở xứ người.
Chàng trai Việt "chinh phục" Microsoft, Google và nhiều "gã khổng lồ" công nghệ thế giới
Làm việc tại Microsoft với vai trò nhân viên chính thức (kỹ sư lập trình máy tính), công việc của Phạm Quang Vũ khá suôn sẻ với mức lương khởi điểm là 180 triệu đồng/ tháng, mỗi năm tăng lương 20% đến 30%, chưa kể thưởng, nhưng nửa cuối năm 2018 chàng trai Việt đã gửi đơn xin thôi việc tại đây.
Vượt qua vòng phỏng vấn của hàng loạt “gã khổng lồ công nghệ” thế giới, Google và Oracle đã đưa ra cho Vũ mức lương hấp dẫn - gấp rưỡi con số tối đa mà Facebook hay Amazon đã thương lượng và gấp đôi lương hiện tại để chiêu mộ nhân tài người Việt về làm việc.
Chia sẻ về cơ duyên dẫn đến bước ngoặt rời tập đoàn công nghệ Microsoft (Mỹ), Phạm Quang Vũ nói: “Sau 3 năm rưỡi làm việc ở Microsoft, mình cảm thấy mình đã học và đạt được rất nhiều thứ, nếu ở lại mình nghĩ mình sẽ vẫn có một công việc thuận lợi và một con đường rộng mở.
Tuy nhiên, do tuổi đời còn rất trẻ, nên mình vẫn mong muốn được tham gia để được thử thách, được mở rộng tầm nhìn ở những môi trường khác, và cũng muốn biết “giá trị thị trường" hiện tại của mình là bao nhiêu.
Đó là lí do khiến mình đưa ra quyết định rời Microsoft để tìm một thử thách mới để hoàn thiện bản thân hơn và chấp nhận lời mời phỏng vấn của các công ty lớn khác”.
Google, Oracle đã cho Vũ một con số rất lớn - gấp rưỡi con số tối đa mà Facebook mà Amazon đã thương lượng và gấp đôi lương hiện tại. Cùng với việc xem xét kỹ về những khía cạnh khác như sự ổn định, khoảng cách địa lý, hoàn cảnh gia đình, 9X Việt đã quyết định chọn Google là chặng đường kế tiếp của mình.
Chia sẻ bí quyết vươn tới những "gã khổng lồ" công nghệ như Microsoft hay Google cho các bạn trẻ Việt, Vũ nói: “Cá nhân mình nhận thấy, các bạn sinh viên Việt Nam cũng như các bạn lập trình viên Việt Nam đều rất giỏi và sáng tạo, khoảng cách về mặt kiến thức gần như là không có nhiều.
Nếu như các bạn có thể đầu tư thời gian và sức lực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội, rèn luyện khả năng Tiếng Anh, tìm hiểu về cách làm việc chuyên nghiệp trong một môi trường đẳng cấp thế giới, thì Microsoft, Google, Facebook, Amazon là hoàn toàn trong khả năng”.
Trước đó, vào tháng 8/2013, Phạm Quang Vũ (sinh năm 1991) tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore và trở thành nhân viên trẻ tuổi nhất được nhận khi Microsoft về NTU tuyển dụng.
Vũ từng giành giải Nhất lập trình sinh viên quốc tế vòng khu vực tại Việt Nam và Malaysia 2010, HCV Lý Quang Diệu cho học sinh tốt nghiệp Thủ khoa., HCV Koh Boon Hwee dành cho sinh viên có khả năng lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng, HCV Infocom dành cho sinh viên điểm cao nhất khoa Khoa học máy tính khi còn là sinh viên đại học.
Hai tiến sĩ Việt được Vương Quốc Anh ghi nhận vì đóng góp khoa học
Tháng 9/2018, hai tiến sĩ người Việt Dương Quang Trung (công tác tại Trường ĐH Queens Belfast - Anh), và Võ Nguyên Sơn (công tác tại Trường ĐH Duy Tân) đã được xướng tên vì những đóng góp tích cực về hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh quốc (1973 - 2018).
Từ năm 2015 đến năm 2017, Tiến sĩ Trung và Tiến sĩ Sơn cùng nhóm các nhà nghiên cứu này cũng đã triển khai dự án "Xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội cho các thành phố tương lai" do quỹ Newton tài trợ và được quản lý bởi Hội đồng Anh. Dự án nhằm mục đích tận dụng công nghệ không dây và cơ sở hạ tầng hiện đại để đáp ứng yêu cầu kết nối thông tin liên lạc trong bối cảnh thiên tai ở Việt Nam.
"Sau khi hoàn tất tốt dự án vào tháng 4 năm 2017, chúng tôi được mời gửi kết quả và kế hoạch tương lai của dự án cho giải thưởng Newton Prize 2017", GS Dương Quang Trung, chủ nhiệm dự án nghiên cứu chia sẻ.
Trong số khoảng 200 dự án của Quỹ Newton tham gia, dự án của họ đã được chọn trong số 5 dự án được nhận giải thưởng.
“Chúng tôi tự hào đã nhận được giải thưởng Newton 2017 và tiếp tục phát triển dự án của chúng tôi cho các bước tiếp theo bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV) để truyền thông tin trong quản lý thiên tai.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc trong thảm họa thiên tai, công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt lớn, giúp cứu sống và hỗ trợ cho những người sống trong những khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai. UAV có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc này, bởi chúng có thể tiếp cận các nhóm người bị ảnh hưởng và cung cấp các nguồn tài nguyên cần thiết", vị tiến sĩ Việt cho biết thêm.
Trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Gareth khẳng định, hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là phần quan trọng trong mối quan hệ tổng thể của hai nước. Tại sự kiện ngày 18/9, Đại sứ Gareth thay mặt Vương Quốc Anh xướng tên ghi nhận sự đóng góp của hai tiến sĩ Việt trong hợp tác nghiên cứu khoa học công trình khoa học ý nghĩa, có hiệu quả thực tiễn gắn với Quỹ Newton.
Đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh: “Quỹ Newton đã mở ra những cơ hội mới cho nghiên cứu chung giữa Anh và Việt Nam. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận Tiến sỹ Trung Dương, ĐH Queens Belfast và Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, ĐH Duy Tân với công trình nghiên cứu “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: Kết nối xã hội cho các thành phố tương lai”, đã đạt giải thưởng uy tín Newton vào cuối năm ngoái”.
Nghiên cứu sinh Việt vô địch giải trí tuệ nhân tạo các trường ĐH toàn Nhật Bản
Lý Tuấn Nam và Nguyễn Công Kha (du học sinh tại ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, ở Koganei) xuất sắc vượt qua 23 đội thi trên khắp xứ sở hoa anh đào, giành ngôi quán quân giải thưởng về trí tuệ nhân tạo các trường ĐH, CĐ toàn nước Nhật Bản năm 2018.
Sản phẩm của hai chàng trai Việt là một mạng lưới thần kinh ba lớp mô phỏng chức năng não của con người và đã học để nhận diện được tổng cộng hơn 300.000 ký tự cổ hiragana qua những hình ảnh từ 14 bản thảo chữ cổ viết tay, trong đó có tác phẩm "Một cuộc đời đầy đam mê" nổi tiếng của tác giả Ihara Saikaku viết từ thời Edo. Như vậy, trí tuệ nhân tạo này đọc được tới 96% số ký tự đơn, và 88% số bộ ghép gồm 3 ký tự.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Lý Tuấn Nam cho hay: "Sản phẩm của đội được ra đời sau 4 tháng miệt mài tìm tòi, thử nghiệm phát triển. Do đó, cả hai rất vui mừng vì sau một thời gian dài đầu tư, sản phẩm đã chiến thắng cuộc thi trí tuệ nhân tạo các trường ĐH, CĐ toàn nước Nhật".
Cuộc thi bắt đầu từ tháng 2/ 2017 do Viện Điện tử, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản (IEICE) hỗ trợ với đề bài các đội phải tạo ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo tốt nhất để đọc bộ chữ Hiragana cổ, một trong hai bộ ký tự của tiếng Nhật. Sản phẩm trí tuệ nhân tạo của 2 chàng trai Việt đọc được tới 96% số ký tự đơn, và 88% số bộ ghép gồm 3 ký tự của bộ chữ Hiragana cổ.
Giáo sư Masaki Nakagawa - người hướng dẫn của Nam và Kha tại ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo đánh giá cho biết nghiên cứu của hai sinh viên Việt Nam chắc chắn sẽ "rất hữu ích trong việc nghiên cứu lịch sử Nhật Bản".
Lệ Thu