Những ngộ nhận khiến học sinh Việt “tuột” cơ hội giành học bổng Mỹ!
(Dân trí) - Du học Mỹ rất “đắt đỏ” đối với phần lớn gia đình Việt Nam và giành học bổng là giải pháp tốt để giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, không ít phụ huynh, học sinh còn mơ hồ và ngộ nhận về học bổng Mỹ.
Tại buổi giao lưu với sinh viên hơn 50 trường Đại học hàng đầu Mỹ và Canada diễn ra chiều 2/7 ở Hà Nội, thắc mắc của đông đảo phụ huynh, học sinh về hỗ trợ tài chính khi du học Mỹ được các diễn giả giàu kinh nghiệm giải đáp.
Diễn giả Trần Phương Hoa (Tốt nghiệp cử nhân loại ưu ĐH Middlebury – Top 4 đại học khai phóng Mỹ và có điểm số TOEFL &GMAT nằm trong top 3% thế giới) khẳng định, du học Mỹ nghe có vẻ đắt đỏ nhưng thực tế Mỹ là một trong số rất ít quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều cho học sinh quốc tế và thường “hào phóng” hơn các trường ở Anh, Úc, Canada…
Giành “học bổng” hay “hỗ trợ tài chính” là giải pháp phổ biến cho bài toán học chi phí ăn học ở Mỹ (thường từ 30.000 - 60.000 đô la/năm với trường công lập và 60.000 - 80.000 đô la/năm với trường tư thục, rất cao so với thu nhập phần lớn gia đình Việt).
Ngộ nhận của phụ huynh Việt về học bổng Mỹ
Rất nhiều phụ huynh chưa nắm vững các dạng học bổng/hỗ trợ tài chính của Mỹ, cách xin hỗ trợ của nhà trường. Mùa nộp hồ sơ kết thúc, có phụ huynh thắc mắc so đo: “Tại sao con mình hồ sơ xuất sắc hơn con người khác ở mọi mặt nhưng con họ lại đỗ trường Mỹ với mức đóng góp tài chính từ phía gia đình thấp hơn con mình?”
Theo cô Phương Hoa, nhiều phụ huynh ngộ nhận cứ có thành tích học tập xuất sắc là được cấp học bổng cao. Tuy nhiên, rất nhiều đại học Mỹ, đặc biệt là đại học công lập, không có chính sách hỗ trợ tài chính/học bổng cho học sinh quốc tế.
Thực tế, các trường có các qui định, tiêu chí, chỉ tiêu và lượng học bổng/ hỗ trợ tài chính rất khác nhau. “Học bổng” Mỹ có hai dạng chính: Học bổng cấp dựa trên năng lực của học sinh (Merit-based scholarship) và Học bổng dựa theo nhu cầu tài chính (Need-based scholarship/aid)
Ở dạng thứ nhất, tiêu chí cấp học bổng 100% dựa trên năng lực ứng viên. Do vậy, kể cả bố mẹ là tỷ phú nhưng nếu có học lực xuất sắc thì con họ vẫn sẽ được cấp học bổng “merit-based”.
Đây là học bổng do nhà trường/ hiệu trưởng/ trưởng khoa trao tặng, hay do các nhà khoa học, doanh nhân, các nhà hảo tâm đứng ra tài trợ…, chỉ dành cho một số % rất nhỏ học sinh của trường.
Tiêu chí để lựa chọn rất đa dạng: điểm trung bình môn cao, điểm SAT/ACT cao, thành tích nổi bật về một lĩnh vực học thuật, năng lực đặc biệt về nghệ thuật/ thể thao/ khoa học/ lãnh đạo/ hoạt động cộng đồng... Số lượng học bổng này chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và ứng viên phải thực sự rất xuất sắc.
Tuy nhiên, con của các tỷ phú, gia đình có thu nhập rất cao, chắc chắn sẽ mất cơ hội nhận “học bổng” ở dạng thứ hai - học bổng theo nhu cầu tài chính (need-based scholarship) hay chính xác nhất là hỗ trợ tài chính (Financial Aid). Trường có thể hỗ trợ 100% hoặc chỉ một phần tổng chi phí học tập và ăn ở.
Để xin được hỗ trợ tài chính tốt, học sinh cần phải chứng minh đủ điều kiện được nhận vào trường và gia đình không có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, cần nhà trường hỗ trợ bằng các hình thức như hỗ trợ không hoàn lại (grant), work study (công việc làm thêm tại trường), thậm chí khoản vay giá trị nhỏ (loan) đi kèm.
“Các ĐH Mỹ cần chắc chắn là học sinh đủ điều kiện để nhận hỗ trợ tài chính. Nếu phụ huynh có nhiều nhà cửa đất đai, nhiều tỷ đồng trong tài khoản thì hội đồng nhận định là học sinh này không cần được hỗ trợ tài chính.
Ví dụ, bố mẹ làm giám đốc công ty đa quốc gia và có mức thu nhập lên tới hàng trăm ngàn đô hay sở hữu doanh nghiệp lớn thì ứng viên vẫn có thể được xét học bổng merit-based nhưng khó có thể xin hỗ trợ tài chính”, nữ diễn giả lưu ý.
Triển lãm du học với sự tham gia sinh viên hơn 50 trường ĐH hàng đầu Mỹ và Canada.
Theo diễn giả Lê Diệu Linh, học sinh Việt Nam đầu tiên được học bổng toàn phần ĐH Williams – top 1 ĐH khai phóng Mỹ: “Trường nào muốn thu hút nhiều học sinh quốc tế và có ngân quỹ dồi dào thì sẽ cho nhiều học bổng hơn.
Khi học bổng dựa trên học lực và học sinh Mỹ và quốc tế đều cùng được xét thì độ cạnh tranh là rất cao. Khi học bổng dành riêng cho học sinh châu Á hay học sinh quốc tế thì cuộc đấu sẽ bớt căng hơn…”.
Diễn giả này cũng lưu ý, một số trường tư thục ở các thành phố lớn của nước Mỹ không quá khuyến khích sự tham gia của học sinh quốc tế có hoàn cảnh khó khăn vì với vị trí thuận lợi, họ không cần hỗ trợ tài chính thì con nhà giàu các quốc gia cũng nộp hồ sơ đến đông đảo…
Các trường công lập cần ưu tiên cho học sinh của bang, bố mẹ đã đóng thuế cho bang thì rất ít khi cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế. Nhiều gia đình và học sinh Việt không nắm rõ, thấy trường xếp hạng cao và hồ sơ mình tương đối phù hợp liền nộp vào nhưng được nhận mà không đủ tiền đi học, hoặc bị từ chối do không đáp ứng được mức đóng góp tài chính tối thiểu trường mong đợi.
Xuất sắc như nhau, học sinh có điều kiện tài chính hơn thường sẽ được ưu tiên đỗ!
Để tăng cơ hội giành học bổng và hỗ trợ tài chính, học sinh cần tham khảo kỹ website trường. Các trường thường giải thích điều kiện giành học bổng, trị giá học bổng, số lượng học bổng nếu là các học bổng “merit based”.
Tuy nhiên, đa phần các trường sẽ không cung cấp số liệu hay tiêu chí chi tiết cho dạng “financial aid”. Khi các trường đã nói rõ có rất ít học bổng cho sinh viên quốc tế thì học sinh nên thận trọng khi nộp hồ sơ và nên tham khảo kinh nghiệm thực tế từ du học sinh Việt Nam đã thành công.
Đông đảo phụ huynh, học sinh tham dự buổi giao lưu.
Cô Trần Phương Hoa lưu ý học sinh muốn xin học bổng chú ý thời gian nộp hồ sơ để cán đích thành công (thường hồ sơ cho một số học bổng merit-based giá trị cao sẽ có thời gian nộp sớm hơn). Thường nộp hồ sơ các vòng sớm như ED1, EA (vào tháng 11, 12 hàng năm) thì trường còn nhiều ngân quỹ và cơ hội cao hơn.
Đặc biệt, nếu phụ huynh có điều kiện tài chính thì việc gạch đi mục tiêu xin “financial aid” sẽ giúp cơ hội đỗ vào trường yêu thích của các con tăng vọt. Bởi lẽ, trừ một số trường đếm trên đầu ngón tay còn giữ chính sách “need blind” (xét duyệt nhận học sinh mà không dựa trên khả năng đóng góp của gia đình). Hầu hết các trường ĐH Mỹ xem xét cả hồ sơ xin học và hồ sơ tài chính cùng lúc.
Với kinh phí cấp cho học sinh quốc tế của các trường có hạn, hội đồng cũng rất “đau đầu” khi phải đưa ra quyết định chọn học sinh. Và thông thường, khi học sinh ngang bằng năng lực nhau thì các học sinh cần ít hỗ trợ tài chính hơn hoặc không hề cần xin hỗ trợ tài chính (“full pay”) có thể sẽ được ưu tiên xét tuyển.
“Ngoài chất lượng ứng viên, trường phải cân đối được tỉ lệ sinh viên quốc tế, phân bổ học sinh đến từ các quốc gia khác nhau, học bổng/ hỗ trợ tài chính thế nào cho phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh và ngân quỹ được cấp phép mỗi năm.
Khi ủy ban xét duyệt tài chính không tìm được nguồn tài chính cần thiết để cấp cho một học sinh xuất sắc thì có thể hội đồng tuyển sinh vẫn phải đưa ra quyết định từ chối/ đưa vào danh sách đợi (wait list)”, cô Phương Hoa chia sẻ.
Lệ Thu (ghi)