Những lưu ý bổ ích đối với học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia 2019
(Dân trí) - Nhiều câu hỏi, thắc mắc của các em học sinh THPT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã được các thầy cô và chuyên gia giải đáp tại chương trình Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2019.
Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Sáng ngày 20/1/2019, tại Trường Đại học (ĐH) Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp cùng Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức Chương trình Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2019 với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Hoạt động này nhằm giúp các em học sinh (HS) tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, trang bị những kiến thức cần thiết giúp HS THPT chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký vào ĐH, cao đẳng (CĐ) hoặc lựa chọn học nghề, chọn công việc tương lai phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện gia đình.
Ban tư vấn gồm 16 chuyên gia là đại diện Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện khối trường Công an - Quân đội và sự góp mặt của chuyên gia từ nhiều trường ĐH lớn, như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Hà Nội, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa…
Chương trình gồm ba phần: Tư vấn chung, các em HS đã được đại diện Bộ GD&ĐT cung cấp những thông tin chính thức và mới nhất về kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2019.
Tiếp đó là phần tư vấn chuyên sâu theo 3 nhóm ngành, gồm: Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị doanh nghiệp; Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Y dược, Nông lâm, trường nghề; Khoa học xã hội - nhân văn, Sư phạm, Báo chí, Ngoại ngữ, Công an, Quân đội.
Sau phần tư vấn chuyên sâu, HS và các bậc phụ huynh được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô, chuyên gia Ban tư vấn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn bố trí hơn 30 gian tư vấn để các trường ĐH, trường nghề tư vấn trực tiếp cho HS, phụ huynh.
Chương trình đã thu hút hàng ngàn HS cũng như các thầy cô giáo và phụ huynh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và vùng lân cận tham gia.
Tại phần tư vấn chung đã có nhiều ý kiến của HS “chất vấn” các thầy cô, chuyên gia liên quan đến quy định của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và TS 2019.
PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 về cơ bản sẽ được tổ chức như năm 2018. Thí sinh không phải đi xa mà sẽ được thi ngay tại địa phương mình học.
Một số điều chỉnh được thực hiện tập trung nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, trong đó có việc giao các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm và tăng cường sử dụng thiết bị công nghệ cho các khâu trong kỳ thi.
PGS. TS Mai Văn Trinh cũng lưu ý đối với HS không nên có tư tưởng gian lận. Nếu gian lận thi cử, sẽ bị xử lý rất nặng.
Liên quan đến thắc mắc của HS về đề thi, PGS.TS Mai Văn Trinh, giải đáp: Đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12. Đề thi gồm có các số lượng câu hỏi đáp ứng ngưỡng cơ bản để phục vụ mục đích tốt nghiệp THPT và sau nữa có thêm các câu hỏi mức độ khó dần, có tác dụng phân hóa kết quả học tập và trình độ năng lực của các em, phục vụ cho mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
PGS.TS Mai Văn Trinh cam kết, đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT đã công bố có giá trị tham khảo rất tốt cho việc ôn tập của HS. Về phương thức tổ chức bài thi tổ hợp ổn định như các năm trước.
Đồng thời, PGS.TS Mai Văn Trinh đề nghị các trường không được cắt xén chương trình, thí sinh không học tủ, học lệch. Nếu cắt xén chương trình và học tủ, học lệch, kết quả thi chắc chắn sẽ khó cao được.
Ngành nghề nào dễ kiếm việc làm?
Một vấn đề khác cũng được nhiều HS quan tâm tại chương trình này là khi học các trường nghề như thế nào và ngành nghề nào dễ kiếm được việc làm nhất hiện nay.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Câu hỏi của các em chạm vào thực tế của việc sử dụng nhân lực qua đào tạo như thế nào.
Theo giải đáp của ông Giang, đối với trình độ trong giáo dục nghề nghiệp, từ Sơ cấp, Trung cấp đến CĐ, khi các em tham gia học tập thì việc tổ chức dạy và học được quan tâm đến việc học thực hành. Như vậy, các em vừa học kiến thức vừa được trau dồi, rèn luyện kỹ năng.
Ông Giang lưu ý, điều quan trọng là các em được học tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có thể trong và ngoài nước. Như vậy, việc các em tiếp cận các kỹ năng làm việc tại các vị trí việc làm mà các doanh nghiệp đang cần đối với từng lĩnh vực một, đã cho các em một tâm thế, tư thế và sẵn sàng trong việc gia nhập thị trường lao động. Chính vì vậy cơ hội việc làm khi các em tham gia học ở các trường thuộc giáo dục nghề nghiệp là rất nhiều.
“Theo thống kê hàng năm, thường ít nhất 80% các em sau 3 - 6 tháng là đã có việc làm. Dù học ĐH, CĐ hay Trung cấp thì cơ hội việc làm của các em chắc chắn được mở rộng nếu các em khẳng định được năng lực của mình thông qua các kỹ năng làm việc, các kiến thức các em tích lũy trong cuộc sống cũng như trong trường học và năng lực xử lý tình huống thực tế trong khi làm”, ông Giang chia sẻ.
Về các nghề hót hiện nay, theo ông Giang rất nhiều như: Logistics, du lịch, hoặc ngành nghề về khối kỹ thuật cũng đang cần nhiều nhân lực.
“Xã hội chúng ta đang ở bất kể lĩnh vực của ngành nghề nào, tùy theo từng cấp trình độ đều đang cần rất nhiều nhân lực tinh hoa và các nhân lực thực sự làm việc cống hiến cho đất nước, quê hương. Do vậy, các em yên tâm học hành, sẽ có việc làm lương cao nếu các em đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động”, ông Giang chia sẻ thêm.
Duy Tuyên