Những lời “khẩn cầu” sau vụ nữ sinh bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng
(Dân trí) - Những lời khẩn cầu gửi đến Bộ trưởng, đến ngành Giáo dục, đến phụ huynh và đến các giáo viên sau sự việc nữ sinh lớp 9 ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị bạn lột đồ, đánh hội đồng thương tâm ngay tại trường học.
Khẩn cầu đồng nghiệp vào lớp đừng chỉ chăm chăm giảng bài, kiểm tra
Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM chia sẻ cô run rẩy và nghẹn ngào trước sự việc. Cô lên tiếng với tư cách một công dân sống và làm việc theo pháp luật, một giáo viên đang theo đuổi nghề dạy học và một người mẹ có con đang độ tuổi đến trường.
Cô Nguyễn Minh Ngọc
Cô mong muốn 3 vấn đề: Bộ GD-ĐT, đích thân Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp cho vấn nạn học đường ngay lúc này; hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm cần phải nhận hình thức xử lý đúng với sai phạm khi để một học sinh bị hành hạ bao lâu mà không hay biết.
Và gia đình của 5 em học sinh đánh bạn, cô Minh Ngọc nhắn nhủ đừng vì con mà tìm cách xử lý có lợi cho con. Hãy hỏi ngược lại, nếu người bị đánh là con quý vị, quý vị sẽ làm gì? Việc đứa trẻ 15 tuổi đầu có thể đánh đập bạn mình tàn nhẫn là trách nhiệm chính thuộc về các bậc làm cha làm mẹ.
Cô khẩn cầu đến các đồng nghiệp của mình, bước vào lớp học, đừng chăm chăm mỗi chuyện giảng bài, giáo án, kiểm tra... Xin hãy quan sát những đứa trẻ, hãy trò chuyện với chúng, hãy tạo sự tin tưởng cho chúng mách mọi chuyện ở lớp. Biết đâu chừng, vì vậy, một sự việc đau lòng được ngăn chặn kịp thời.
Với các bạn cha mẹ, cô "xin" phụ huynh đừng hỏi con mỗi chuyện điểm số, bài vở. Xin hãy hỏi con chuyện bạn bè ở lớp, nói cùng con về bạo lực học đường, dạy con trân quý cơ thể mình để con biết tôn trọng cơ thể của người khác. Và xin dạy con lên tiếng trước cái ác, trước bất công thay vì chỉ biết cắm mặt vào trang sách.
"Để xảy ra những câu chuyện này, là lỗi của tất cả người lớn chúng ta" - cô Minh Ngọc nói.
"Cứu con bằng cách trao cho con sức mạnh nội lực"
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, người có gần 15 năm theo nghề giáo nhận định: “Bạo lực học đường” đã không còn là vấn nạn, mà đó là tội ác". Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải rời khỏi bàn giấy đọc báo cáo, đừng trao quá nhiều khẩu hiệu trong trường học và cũng không thể ngồi tìm giải pháp. Phải nhìn thẳng vào thực trạng, phải nhanh chóng tìm ra giải pháp và ưu tiên giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
Đối với cha mẹ, nhà văn Việt Hà nhấn mạnh, cha mẹ đừng sống thay, làm thay cho con bất cứ thứ gì! Kể cả tìm cách tháo chạy, chịu lỗi cho con.
Hãy dạy con cách phòng vệ, chống lại cái ác, cái xấu. Hãy để con tự chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Cha mẹ hãy làm bạn với con và thôi áp đặt con theo lối sống của mình.
Hãy để trẻ được nói lên tiếng nói của trẻ và sống cuộc đời của nó. Học giỏi không hẳn trở thành người thành công và hạnh phúc. Con có thể học dốt nhưng kỹ năng sống phải đầy đủ.
Với thầy cô giáo, bà Việt Hà gửi gắm, đồng lương có thể chưa đủ sống nhưng đó là nghề chính các thầy cô đã chọn. Tri thức không phải là tất cả, thầy cô cần dạy trẻ biết làm người. Hãy đối diện với mọi học sinh bằng mọi lòng bao dung, nghiêm khắc, trách nhiệm.
Hoài Nam (ghi)