Những kỉ niệm với Chủ tịch Danh dự Nguyễn Mạnh Cầm
(Dân trí) - Với tôi, được gần gũi Nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm là một điều may mắn mà số phận đã ban tặng. Tôi kính trọng, yêu mến ông và ngược lại, ông cũng dành cho tôi những tình cảm không phải ai cũng được nhận.
Những người may mắn trong cuộc đời là khi con nhỏ, được sống trong một môi trường có sự chăm sóc của cha me, sự dạy bảo của thầy cô. Lớn lên, có được công việc tốt, đồng nghiệp tốt, thủ trưởng quan tâm và có những người bạn tốt... Song, có một may mắn mà không phải ai cũng có, đó la được gần gũi với người mà mình thực lòng yêu mến, kính trọng bởi tài năng, nhân cách và được đáp lai tình cảm đó. Với tôi, được gần gũi Nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm là một điều may mắn mà số phận đã ban tặng. Tôi kính trọng, yêu mến ông và ngược lại, ông cũng dành cho tôi những tình cảm không phải ai cũng được nhận.
Cuộc gặp gỡ “tiền định” ngày đầu xuân từ gần 20 năm trước
Lần đầu tiên tôi gặp ông Cầm là dịp Tết năm 1999. Ngày đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có mục “Đối thoại trong tháng”. Nhà văn Lê Lựu được tòa soạn cử đi phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về công tác đối ngoại. Lê Lựu kéo tôi đi với nhiệm vụ ghi âm và chụp ảnh.
Gần 20 năm đã trôi qua, tôi không nhớ rõ nội dung chính cuộc phỏng vấn là gì nhưng đọng lại trong tôi, đó là một cuộc trò chuyện ấm áp. Cứ nghĩ là Bộ trưởng Ngoại giao, ông sẽ dùng những ngôn ngữ xã giao trong giao tiếp. Song trái lại là sự giản dị, ấm áp, thân mật.
Với nhà văn Lê Lựu, hình như không có khoảng cách giữa một vị Phó Thủ tướng Chính phủ với một ông Đại tá, nhà báo, nhà văn. Ông nói với Lê Lựu như người anh tâm sự với một người em ít tuổi, một người bạn văn chương.
Có lẽ phải hơn 2 giờ, họ đã say mê kể với nhau những kỷ niệm về Liên Xô, về Mát-xcơ-va, về mùa thu Nga, về các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ của nước Nga và của ca Liên bang Xô viết.
Ông Cầm còn kể với Lê Lựu rằng, ngày còn trẻ, ông rất thích thơ và đã từng tập làm thơ. Có phải vì thế mà bản dịch “Số phận một con người” của ông, theo nhà thơ Bằng Việt, một dịch giả tiếng Nga nổi tiếng nhận xét có những đoạn còn hay hơn nguyên bản.
Về phía mình, tôi không ngờ đây là bài phỏng vấn chính khách đầu tiên trong đời làm báo du tôi chỉ hỏi ông có một câu. Đó là khi Lê Lựu bảo: “Chú có hỏi gì bác Cầm không?”, tôi mới rụt rè hỏi về bí quyết của đối thoại trong ngoại giao. Ông đã trả lời tôi rằng, với nhà ngoại giao, sự thẳng thắn, chân thành và kiên định, đặc biệt lúc nào cũng phải đặt lợi ích và danh dự của đất nước, của nhân dân lên trên hết và luôn nhớ, đằng sau một nhà ngoại giao là cả một dân tộc!
Người lát phiến đá đầu tiên cho lộ trình WTO
Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, cả nước như bước vào một trang sử mới trong mặt trận ngoại giao bằng sự hội nhập toàn cầu. Còn nhớ lúc ấy, báo chí, truyền hình suốt ngày phỏng vấn những người liên quan và thật đáng tiếc là hầu như không ai biết ông Nguyễn Mạnh Cầm chính là người “lát phiến đá đầu tiên cho lộ trình WTO”. Tháng 1 năm 1995, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Cầm đã thay mặt Chính phủ gửi đơn xin gia nhập tổ chức này.
Với tư cách một nhà báo, tôi thấy cần phải có trách nhiệm viết về chuyện này nên đã đến gặp ông và thật may mắn, ông đã dành cho tôi gần một buổi sáng để kể về các bước đi theo quy định của WTO như phải gửi cho Ban công tác một Bị vong lục về chế độ ngoại thương của Việt Nam. Các thành viên WTO (khi đó là 143 nước) sau khi nghiên cứu Bị vong lục đã đề ra một loạt câu hỏi yêu cầu trả lời nhằm tìm hiểu tình hình và chính sách kinh tế của ta trước khi đàm phán. Ông Cầm nói:
- Từ năm 1996 đến 2000, ta tiến hành 4 vòng đàm phán. Nói là đàm phán nhưng thực chất là tại các cuộc họp đó, ta trả lời trên 2.000 câu hỏi do các thành viên WTO nêu ra. Giai đoạn này gọi là giai đoạn minh bạch hoá chính sách, giai đoạn giải thích là chính, không có bàn bạc, không có mặc cả.
Kết thúc giai đoạn minh bạch hóa chính sách, sau một thời gian chuẩn bị ta và WTO mới bước vào đàm phán thực chất. Vòng đàm phán thứ 5 vào tháng 4/2002 mới là vòng đàm phán thực chất đầu tiên, mở đầu cho một chuỗi các vòng đàm phán đa phương và song phương suốt mấy năm ròng đến phiên cuối cùng, phiên kết thúc vào ngày 26/10/2006. Đàm phán đa phương là đàm phán giữa đoàn Việt Nam với Ban công tác WTO. Đàm phán song phương là đàm phán tay đôi với những nước có yêu cầu đàm phán với ta. Số này có 28 nước nên đàm phán đa phương và đàm phán song phương xen kẽ nhau. Trong các cuộc đàm phán, tôi giao cho Thứ trưởng Lương Văn Tự trực tiếp, còn tôi đến Giơ-ne-vơ gặp lãnh đạo WTO thúc họ làm càng nhanh càng tốt.
+ Trong các cuộc đàm phán đó, cái nào ông thấy khó nhất? Tôi hỏi.
- Đàm phán đa phương tuy phức tạp nhưng lại không khó khăn bằng đàm phán song phương vì đàm phán song phương đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của mỗi quốc gia. Có nước như Mỹ, chúng ta phải đàm phán hơn một chục phiên mới kết thúc. Cái khó ở tất cả các phiên đàm phán này là làm thế nào để vừa chấp nhận các nguyên tắc, các yêu cầu của WTO vừa bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia của ta.
Từ bệnh viện vượt hơn 120 km đến trao Giải thưởng rồi về ngay giường bệnh
Từ khi đầu quân về báo Dân trí, tôi càng có điều kiện để tiếp xúc với ông. Nhớ dịp Tết năm ngoái, khi biết ông nghỉ Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tôi mời ông về thăm quê tôi đồng thời trao một giải thưởng nho nhỏ của gia đình tôi tặng trường Tiểu học xã Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) gần 10 năm nay.
Trước Tết, tôi đến mời ông với tư cách cá nhân và ông nhận lời. Để đến với gia đình tôi, ông phải từ chối nhiều lời mời khác, trong đó có cả cuộc gặp mặt Hội đồng hương xứ Nghệ mà ông là Chủ tịch.
Tôi thông báo tin vui này với nhà trường, chính quyền địa phương cùng anh em bè bạn. Tất cả đều hồ hởi mong được gặp ông, người mà từ lâu họ hằng yêu mến.
Thế nhưng một bất thường đã xảy ra. Đúng vào ngày tổ chức trao giải thưởng, ông phải nhập viện. Khi nhận được tin, tôi phần lo cho sức khỏe của ông, phần cũng ngại vì đã trót thông báo với nhà trường và anh em bè bạn.
Và thật cảm động là hôm trao giải, ông đã khẩn thiết đề nghị các bác sĩ điều trị sớm để từ bệnh viện, ông về thẳng quê tôi trong sự xúc động xen lẫn ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Dù đang ốm nhưng ông vẫn gắng gượng dự hết buổi trao giải, ăn bữa cơm thân mật cùng chúng tôi rồi lên ô tô về thẳng giường bệnh.
“Này, có quà cho cậu đấy, đến nhé!”
Có thể nói ông luôn dành một tình cảm quý mến cho tôi.
Tại Đại hội Hội Khuyến học vừa qua, ông được những người làm khuyến học Việt Nam suy tôn làm Chủ tịch Danh dự, là người kế nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngỡ thôi công tác ở Hội Khuyến học là được nghỉ ngơi, song ông vẫn bận suốt ngày bởi luôn phải theo dõi tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời tham gia ý kiến với Chính phủ, nhất là trong công tác đối ngoại.
Vì thế bây giờ, dăm bữa nửa tháng tôi mới lại gọi điện cho ông và luôn được ông nhấc máy. Không ít lần thấy báo nhỡ, ông chủ động gọi lại.
Biết tính tôi thích rượu, cứ có ai biếu là ông lại alo: “Này, có quà cho cậu đấy, đến nhé!”. Nhớ cách đây mấy năm, khi chuyển nhà từ phố Bà Triệu về Đặng Thai Mai, ông gọi tôi lên đưa cho một chai rượu ông cất giữ từ ngày còn làm Đại sứ ở Liên Xô. Khi tôi mở ra uống, cái nút chai đã mục rơi lở bở.
Có bận lên Hồ Tây, tiện thể tôi vào thăm, ông bần thần bảo: “Cậu đến đột ngột, chả chuẩn bị quà gì cho cậu”. “Phong bì cụ ạ - Tôi nói đùa”. Ông nhìn tôi rồi bảo: “Có đấy, có phong bì đấy. Cậu có lấy không?”. “Có chứ ạ! Tôi đáp”. Nào ngờ ông lên nhà cầm xuống đưa tôi cái phong bì bên trong là 3 triệu đồng. Món quà này hôm ông về thăm quê tôi đã nói ở trên, tôi gửi cô Hiệu trưởng nói quà của cụ Cầm tặng các cháu.
Lại nhớ lần ông đọc báo, thấy bài thơ “Lời thề mùa đông” của tôi được đăng trên trang nhất của Prairie Schooner - một tạp chí văn học uy tín của Mỹ với lịch sử gần 100 năm tuổi, ông rất vui, gọi điện chúc mừng: “Cậu giờ ra thế giới rồi đấy”. Tôi cũng không ngờ, ông còn thuộc khá nhiều những bài thơ khác nữa của tôi.
Trong cuộc đời mình, tôi đã chịu không ít thiệt thòi nhưng cũng nhiều may mắn trong đó việc được gặp gỡ, gần gũi Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm là một trong những điều may mắn mà số phận đã ban tặng cho tôi.
Bùi Hoàng Tám