Nguyễn Mạnh Cầm - Người kế nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

(Dân trí) - Tính đến năm 2016, đã tròn một con giáp, mỗi khi Tết đến, xuân về, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng và nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm lại có cuộc trò chuyện với người viết bài này để sau đó, đăng tải trên báo điện tử Dân trí và báo Khuyến học & Dân trí.

Song, cuộc trò chuyện lần này không thể kéo dài do sức khỏe của ông không tốt và có một chi tiết nhỏ hơi khác, đó là về chức danh Chủ tịch Hội của ông sẽ thêm hai từ “danh dự”.

Sự suy tôn đúng đắn của Đại hội V

Tại Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ V vừa qua, những người làm khuyến học Việt Nam đã nhất trí suy tôn ông làm Chủ tịch danh dự, kế nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trí thức lớn, một nhà Cách mạng tiền bối, vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam và thế giới đồng thời cũng là vị Chủ tịch danh dự đầu tiên ngay từ ngày đầu thành lập Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam.

Có thể nói, những người làm khuyến học Việt Nam tại Đại hội V vừa qua đã có lý khi tôn vinh ông Nguyễn Mạnh Cầm vì cả vị thế cá nhân và nhất là những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước nói chung, với thành tựu của phong trào khuyến học nói riêng.

Không chỉ có chúng tôi, những nhà báo từng nhiều năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài mà nhiều người khác đều có chung nhận xét, trong hai nhiệm kỳ qua, dưới sự “chèo lái” của Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm, HKH Việt Nam đã có những bước trưởng thành to lớn, trở thành một tổ chức xã hội có tới hơn 15 triệu hội viên, trên 11.000 trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở, Hội đã phát động các cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” và “Cộng đồng khuyến học”. Đã có 8 triệu gia đình được công nhận là “Gia đình hiếu học”, 65.203 dòng họ được công nhận là “Dòng họ hiếu học” và 70.356 cộng đồng được công nhận là “Cộng đồng khuyến học”.

Tất nhiên, có những thành tựu to lớn trên xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền cơ sở, là sự hết lòng, hết sức của lãnh đạo Trung ương cũng như các cấp Hội và đặc biệt là sự hợp tác của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương Hội, sự tâm huyết, lăn lộn ngày đêm của từng hội viên và sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Song, không thể không kể đến những đóng góp của ông, người đứng đầu HKH.


Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Một chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược

Việc thúc đẩy công tác khuyến học là một chủ trương đúng, thể hiện tầm nhìn chiến lược được Đảng đưa ra hàng chục năm trước. Từ giữa Đại hội VII, Đảng đã đưa ra ý tưởng này, đến Đại hội lần thứ VIII (1996), Đảng thông qua chủ trương thực hiện công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số lãnh đạo tiền bối của Đảng đã sớm nhận thức rằng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần một nguồn nhân lực rất lớn, có chất lượng. Do đó, phải nâng cao hơn nữa trình độ dân trí, nhanh chóng xây dựng một nguồn nhân lực với kiến thức và trình độ tay nghề cao. Điều này, một mình ngành giáo dục đào tạo không thể đáp ứng xuể, cần phải có một tổ chức xã hội phối hợp và hoạt động song song với hệ thống nhà trường, động viên và tổ chức nhân dân tham gia mới giải quyết được yêu cầu.

Tiếp thu nhận thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số cán bộ tâm huyết với việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà đã cùng nhau tập hợp mở cuộc vận động xây dựng một tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu này.

Kết quả là Đại hội lần thứ nhất được tổ chức với trên 100 người tham dự, bầu GS Nguyễn Lân làm Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự.

Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 112/QĐ-TTg thành lập tổ chức xã hội với tên gọi là “Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam” gọi tắt là HKH Việt Nam.

Một hướng đi rất đúng, mang tính kế thừa

+ Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, tân Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Doan cho biết, việc cần làm ngay của Ban Chấp hành nhiệm kỳ này là đẩy mạnh giáo dục người lớn với phương châm học tập suốt đời. Bác nghĩ gì về hướng đi này? - Tôi hỏi khi vào thăm ông tại Quân y Viện 108, nơi ông điều trị vì bị tai nạn, ngã gãy rẻ xương sườn số 7.

- Tôi cho rằng đây là một hướng đi rất đúng, mang tính kế thừa. Trong Diễn văn chúc mừng 20 năm ngày thành lập Hội và báo cáo Đại hội V vừa qua đã đề cập đến việc “Giáo dục người lớn” như một chủ trương quan trọng gắn liền với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. “Giáo dục người lớn” là hình thức giáo dục không chính quy ngoài nhà trường. Trong đó, người dạy, người học cũng như phương thức dạy và học, chương trình học hoàn toàn khác với giáo dục chính quy trong nhà trường.

Hiện nay, chúng ta mới chú trọng nhiều đến giáo dục chính quy mà giáo dục chính quy trong nhà trường nhằm đào tạo nhân lực cho tương lai. Còn đối với nhân lực hiện hành, cần phải nâng cao kiến thức, nâng cao chuyên môn, tay nghề để tiếp thu được khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, nhân lực hiện hành chính là những người thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

+ Được biết khi ông nhậm chức Chủ tịch nhiệm kỳ III, Hội chỉ có hơn 3 triệu hội viên. Đến nay, số hội viên đã chiếm 1/6 dân số (15 triệu) với hàng loạt các hoạt động thiết thực rất hiệu quả. Vị thế của HKH Việt Nam cũng tăng lên rất nhiều. Ông nghĩ gì khi trao gửi một “tài sản” lớn như vậy vào những người kế nhiệm?

- Tôi rất tin tưởng bởi khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào rộng lớn, được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Nhiều năm qua, những người làm khuyến học cả nước đã xây dựng được một bộ máy vận hành hiệu quả. Các tổ chức hội cơ sở đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước. Những người làm khuyến học giờ đây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển đất nước, HKH còn có nhiều việc phải làm mà chưa làm được.

Đại hội lần thứ V của HKH vừa qua đã bầu được một Ban Chấp hành gồm nhiều nhà giáo dục tâm huyết và tiêu biểu. Tân Chủ tịch là một chính khách có nhiều năm làm công tác giáo dục lại có sự trợ giúp của đồng chí Phạm Tất Dong, một Tiến sĩ từng nhiều năm làm Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương. GS Phạm Tất Dong là người có kiến thức sâu về giáo dục, tâm huyết, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều hành, tôi vẫn gọi là “từ điển giáo dục” và nhiều đồng chí khác cũng là nhà giáo tâm huyết, tham gia từ những ngày đầu thành lập Hội. Tất nhiên, người xưa có câu “giữ lễ thì khó” nên nhiệm vụ của Ban Chấp hành hiện nay cũng rất nặng nề, cần nhiều sự đoàn kết đồng lòng của tập thể và nỗ lực của từng thành viên.

“Tôi giữ mãi lòng biết ơn và tình cảm sâu nặng…”

+ Đã 12 năm nay, mỗi mùa xuân, bác đều dành tình cảm tốt đẹp cho báo Dân trí và độc giả Dân trí…

- Như tôi đã nhiều lần khẳng định, Dân trí là tờ báo có lượng độc giả lớn nên có tầm ảnh hưởng cao đến đời sống xã hội. Đặc biệt là những đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài và các hoạt động xã hội khác.

Nhân dịp năm mới, tôi gửi tới cán bộ, phóng viên và độc giả báo Dân trí lời chúc mừng tốt đẹp. Qua báo Dân trí, gửi lời chúc mừng năm mới tới những người làm khuyến học Việt Nam mà tôi giữ mãi lòng biết ơn và tình cảm sâu nặng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp đã hết lòng ủng hộ HKH nhiều năm qua. Mong rằng sự cộng tác này tiếp tục được phát huy để góp phần xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Hồ Chủ tịch từng mong muốn.

+ Một điều riêng tư, mấy năm nay sức khỏe bác hình như không được tốt. Việc miệt mài với công việc như vậy có nên không? Tôi hỏi bởi khi đến thăm, thấy ông nằm trên giường bệnh với một tập tài liệu và cây bút trên tay.

- Khi nghỉ công tác ở HKH, tưởng sẽ bớt công việc nhưng rồi việc nọ lại sinh ra việc kia, nhiều việc nhưng do sức khỏe yếu nên rất khó khăn. Tôi còn muốn dành thời gian để viết lại một số kinh nghiệm trong công tác ngoại giao mà vẫn chưa bắt đầu được, trong khi quỹ thời gian thì cứ cạn dần…

Tôi nhìn ông mà không khỏi ái ngại. Tuổi cao (87 tuổi - ông sinh năm 1929), cái chân phải luôn bị đau lại vừa ngã gãy xương sườn số 7. Thế mà công việc vẫn không buông tha… Nhưng tôi biết, mọi lời khuyên với ông đều vô nghĩa bởi “cái số” của ông là phải làm việc suốt đời nên chỉ biết chúc và mong ông khỏe mạnh.

Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm