1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thương đứt ruột cảnh bé 7 tuổi xa mẹ tưởng "tình yêu của tôi đã về"

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ trên tầng 2 nhìn xuống, thấy người phụ nữ trùm đồ chống nắng, gõ cửa, gọi tên mình... Cu Bon nhảy cẫng, réo ầm lên: "Ba ơi, mẹ về! Anh chị ơi, mẹ về! Làng nước ơi, tình yêu của tôi đã về".

Kể đến đó, chị Nguyễn Thu Minh nghẹn ngào, không kiềm được nước mắt vì thương con.

"Làng nước ơi, tình yêu của tôi đã về!"

Chị Minh đi làm, tham gia " 3 tại chỗ ", xa nhà tính đến nay đã gần nửa năm. Mới đây, chị nhờ cô hàng xóm đưa sách vở qua nhà cho các con. Khi ghé nhà, cô mặc đồ chống nắng, cậu con út 7 tuổi của chị nhầm tưởng là mẹ.

Bao nhiêu nhớ mong, chờ đợi tuôn trào, cháu gọi mẹ rồi lao xuống... 

Thương đứt ruột cảnh bé 7 tuổi xa mẹ tưởng tình yêu của tôi đã về - 1

Nhiều ông bố bà mẹ chông chênh, lo lắng khi xa con cái, gia đình thực hiện "3 tại chỗ" (Ảnh: H.N).

"Cháu chạy xuống mở cửa, vươn tay ra định lao vào ôm rồi khựng lại khi nhận ra người trước mặt không phải là mẹ. Vừa tẽn tò vừa hụt hẫng, cháu chạy vào nhà khóc ngất cả tiếng đồng hồ. Nghe hàng xóm kể lại, thương con đứt ruột!", giọng chị nghẹn lại.

Chị Minh ở TPHCM, làm việc tại công ty ở Đồng Nai, thật ra chỉ cách nhau phà Cát Lái, vậy mà đường về nhà giờ đây dằng dặc... 

Bắt đầu từ tháng 5, công ty thực hiện "3 tại chỗ", chị giao 3 con lại cho chồng.  Lúc đầu, cuối tuần chị được về một ngày, rồi chuyển sang "định mức" mỗi tháng về một ngày. Đến nay thì đã gần 4 tháng vợ chồng, con cái không gặp nhau.

Các con khá tự lập nên chị yên tâm phần nào. Hàng ngày, chị đều video call nói chuyện cùng các con. Vậy nhưng, với tình mẫu tử, đó vẫn một khoảng cách vời vợi. 

Hàng ngày mẹ con tiếp xúc với nhau bằng những cái ôm, ánh mắt, những lời yêu thương lẫn la rầy và còn bằng cả mùi cơ thể, mùi của mẹ, mùi của con.

Tất cả, không chỉ con mà chính bố mẹ cũng không được chuẩn bị tâm lý cho tình huống sống "cách ly" thế này. Xáo trộn, chới với, hụt hẫng, trống trải...  

"Mong con đừng quên ba"

Nhắc đến cô con gái 3 tuổi rưỡi, anh Phan Đình Tuấn, làm việc tại Công ty CP Nội thất Hòa Phát chi nhánh Bình Dương cũng chảy nước mắt. Nhà anh ở thành phố Thủ Đức, TPHCM, từ đó qua chỗ làm chỉ hơn chục cây số nhưng mấy tháng nay không thể về với gia đình. 

Thương đứt ruột cảnh bé 7 tuổi xa mẹ tưởng tình yêu của tôi đã về - 2

Ngày đi, anh Phan Đình Tuấn còn chào con gái: "Bố đi vài hôm bố về" nhưng đến nay đã 3 tháng (Ảnh: Đ.T).

"Lúc nhận thông báo thực hiện "3 tại chỗ", tôi vội vàng soạn sửa lên đường, nào đã kịp chia sẻ, thủ thỉ gì với con. Tôi còn chào con: "Bố đi vài hôm bố về", không ngờ đó là một lời nói dối. Tôi chỉ cầm theo ít đồ đạc vì cũng nghĩ đi một tuần thôi, vậy mà đến nay đã... 3 tháng", anh Tuấn trải lòng. 

Lâu nay, ngoài giờ làm ở công ty, về nhà anh Tuấn tập trung hết cho gia đình, dành hết thời gian chơi với con. Việc xa nhau đột ngột này không chỉ là cú sốc với con mà với cả chính anh. 

Bố đi xa, chỉ có 2 mẹ con ở khu trọ , ngoài nhớ mong còn là sự lo lắng, nhấp nhổm.

Hôm rồi, vợ anh đi tiêm vắc xin, không thể đưa con theo, cũng chẳng thể gửi cháu cho ai khi thành phố đang giãn cách, phong tỏa khắp nơi. Sau khi bàn bạc, vợ chồng đành "đánh liều" để bé một mình ở phòng trọ. Vợ bật máy tính cho con, còn anh mở video lên quan sát.

Ông bố nhắc lại, vẫn không khỏi hồi hộp: "Hôm đó, tôi ngồi ôm máy tính, mở video suốt buổi, không rời một giây, không dám cả đi vệ sinh luôn. Lo nhất là khi con đứng dậy đi ra cửa". 

Những ngày này, TPHCM và Bình Dương cùng nới giãn cách, mở cửa nhiều hoạt động, anh chờ đợi gần như không ngủ được. Nhưng hiện tại, vẫn chưa đi lại được giữa các tỉnh, công ty anh thông báo tiếp tục "3 tại chỗ". 

"Lúc này tôi chờ đợi từng giờ, từng ngày có thể được đi lại, để được về nhà ôm thật chặt lấy con gái, chơi đồ hàng, nấu ăn cùng con, kể chuyện cho con, ru con ngủ. Mong con đừng quên mình!", anh Tuấn bày tỏ nỗi lòng. 

Thương đứt ruột cảnh bé 7 tuổi xa mẹ tưởng tình yêu của tôi đã về - 3

Anh Tuấn mong được về sớm để ôm thật chặt con, chơi với con (Ảnh: ĐT).

Xa nhau đột ngột là cú sốc với cả con và bố mẹ

Gia đình, người thân luôn là điểm tựa của mỗi người. Trong khó khăn và mất mát từ dịch bệnh, nhu cầu được gắn kết , được ở cạnh người thân, để tìm thấy sự yên tâm của mọi người lại càng lớn, vượt lên tất cả các nhu cầu khác. 

Theo chị Thu Minh, ngoài vấn đề lưu thông hàng hóa, lúc này cần quan tâm đến việc... lưu thông con người. Điều này tác động rất lớn đến sức khỏe, tâm lý người lao động và cả con cái, gia đình. 

Sau nhiều tháng mẹ con xa nhau, chị Minh lường trước, chắc chắn các con sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và cả trong tương tác với mẹ. Chị chờ mong ngày trở về để thu xếp lại, "hàn gắn" tình cảm mẹ con, tìm lại "mùi" của nhau. 

Biết rằng mình còn may mắn so với bao nhiêu số phận, con người trong đại dịch, nhưng chị Minh hiểu mình và các con đều có những tổn thương có thể chưa nhìn thấy, chưa đo lường được. 

Hiện tại, TPHCM và các tỉnh lân cận bắt đầu từng bước nới lỏng, mở cửa nhiều hoạt động nhưng giữa tỉnh và tỉnh vẫn "ngồi yên một chỗ". 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 chia sẻ tâm tư, ông ở Long An chạy xem về TPHCM chỉ 10 - 15 phút, con đường Bình Dương nối qua TPHCM chỉ 8m, nhưng mọi người chưa thể đi lại, không thể về thăm gia đình.

Ông Hồng cho rằng, TPHCM và tỉnh các "sát nách" Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần phải phối hợp với nhau để tháo gỡ sớm vướng mắc cho người lao động. Vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống của họ.