Những cơ hội công việc khó tin ở Viettel

(Dân trí) - Tại Viettel, việc một sinh viên mới ra trường có thể được tham gia vào một dự án chưa ai làm ở Việt Nam là điều bình thường. Cũng nhờ đó, họ cũng có những cơ hội thăng tiến nhanh khó tin.

9X đi xây “Trái tim của nhà mạng”

Khi vào Viettel, Lại Ngọc Huyền (sinh năm 1992) là cô sinh viên mới tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội. Tân binh này lập tức được tham gia ngay dự án xây dựng Hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS) phiên bản 3.0 của Viettel.

Xây dựng OCS là một công việc cực kỳ khó khăn, trên thế giới chỉ có vài tập đoàn viễn thông lớn nhất làm được và hệ thống này được coi là “trái tim của nhà mạng” (tương tự như Core Banking của hệ thống ngân hàng nhưng lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều).

Thế nhưng, Huyền và nhiều bạn trẻ 9X khác (chiếm 80% team OCS) vẫn được chọn tham gia vào dự án đặc biệt này vì lãnh đạo Viettel tin là họ sẽ làm được. Và họ thực sự làm được hệ thống OCS lớn nhất thế giới khi kết hợp với các thành viên kỳ cựu đi trước. Huyền chia sẻ: “Tại Viettel, một mình bạn thì sẽ khó thành công nhưng nếu cùng nhau, bạn sẽ làm được nhiều điều khó tin và OCS là một ví dụ”.


Trần Văn Thuyết - Trưởng nhóm sản phẩm “Trái tim của nhà mạng” là một 9X đời đầu.

Trần Văn Thuyết - Trưởng nhóm sản phẩm “Trái tim của nhà mạng” là một 9X "đời đầu".

Trước Huyền, một 9X khác là Trần Văn Thuyết cũng vào Viettel khi mới ra trường và tham gia dự án OCS. Hiện giờ, Thuyết là Trưởng nhóm sản phẩm OCS của Viettel.

Không giống với suy nghĩ của một số người về môi trường làm việc tại Viettel là cứng nhắc và gò bó, câu chuyện của Huyền và Thuyết là những ví dụ điển hình. Họ thích Viettel vì được quyền hành động và sáng tạo trong một môi trường kích thích năng lực của những người trẻ. Tất nhiên, họ hăng say làm việc cũng bởi thu nhập ở đây nằm ở mức cao nhất trong số các công viễn thông.

Trưởng thành nhờ “đi phượt ở Peru”

Không giống với của các đồng nghiệp Viettel chỉ làm trong nước, Nguyễn Bích Ngọc đã có thâm niên hơn 4 năm làm việc tại Peru. Đối với một cô gái sinh năm 1988, đó thực sự là một trải nghiệm không phải ai cũng có được.

Ngọc chia sẻ: “Khi còn ở nước bạn, chuyến công tác nào với mình cũng như đi phượt vậy”. Có lần đi tới các vùng sâu vùng xa, xe nổ lốp giữa đường, Ngọc cùng anh em trong đoàn tự dựng lều, luộc trứng và nấu mì tôm cùng nước lọc để chờ sửa xong xe.

Còn một lần khác, đi công tác tới một thôn nhỏ, không về kịp thị trấn, cả nhóm vào nhà người dân nhờ giúp đỡ. Người Peru cho nhóm tự bắt gà ở trên cây để thịt… Trở lại Việt Nam làm việc ở Bộ phận Thương hiệu & Truyền thông sản phẩm, Viettel Telecom, Ngọc chia sẻ: “Mình trưởng thành rất nhiều sau khi ở Peru, giờ thành phượt thủ rồi (cười)”.


Tại Viettel, nhiều nhân viên sẽ được trải nghiệm công việc ở nước ngoài trong số 10 thị trường quốc tế và Peru là một trong số đó.

Tại Viettel, nhiều nhân viên sẽ được trải nghiệm công việc ở nước ngoài trong số 10 thị trường quốc tế và Peru là một trong số đó.

Tại Viettel, ngoài việc làm các công việc chuyên môn kỹ thuật, kinh doanh ở trong nước, tất cả mọi thành viên đều có cơ hội trải nghiệm công việc ở một quốc gia khác nếu họ mong muốn (Viettel đang kinh doanh ở 10 thị trường nước ngoài). Ngoài việc được thử sức ở môi trường quốc tế, đó cũng là cơ hội để giúp họ rèn luyện năng lực và thăng tiến trong công việc.

Tham gia dự án triệu đô khi còn là sinh viên

Với người trẻ, đây là một môi trường lý tưởng bởi những cơ hội hiếm nơi nào có. Hoàng Anh Phi (sinh năm 1995) vừa nhận bằng tốt nghiệp của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhưng đã làm ở Viettel 3 năm.

Khi vẫn là sinh viên chưa tốt nghiệp, Phi đã được tham gia vào những dự án lớn và khó của Viettel mà một trong số đó là Data Monitoring - Hệ thống giám sát chất lượng. Nếu mua của nước ngoài sẽ mất khoảng gần 26 triệu USD và Viettel đã sản xuất thành công với tính năng tốt hơn, tùy biến theo nhu cầu… mà chi phí chỉ khoảng 3 triệu USD.

Trong dự án này, Phi chỉ là một thành viên nhưng cậu sinh viên vừa tốt nghiệp có một cơ hội mà ít bạn trẻ khác có khi được thử sức với những điều tưởng như không thể và cùng với các đồng đội của mình tìm cách giải quyết.

Những trường hợp được tuyển dụng, làm việc ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường như Hoàng Anh Phi không phải là chuyện hiếm tại Viettel. Ở công ty này, chỉ có các tiêu chuẩn chứ không phân biệt sinh viên hay người đã tốt nghiệp, vì thế một số bộ phận vẫn tuyển sinh viên làm nhân viên chính thức.

Thậm chí, nhiều sinh viên làm việc nửa ngày nhưng sau khi đã trải qua 6 tháng thực hành, vẫn bị giao những việc rất khó, với yêu cầu cũng cao. Đây là lý do cũng có người thích nghi được, có người không. Nhưng với những người thích việc khó như Hoàng Anh Phi thì: “Nhờ làm những việc rất khó mà tôi phát triển, thể hiện được năng lực của mình. Viettel có rất nhiều việc khó cần giải quyết, đây chính là cơ hội để học hỏi và trưởng thành nhanh”.

“Sức trẻ sẽ tạo ra sự khác biệt và không đi theo lối mòn” chính là câu trả lời cho thắc mắc vì sao Tập đoàn lại có thể giao những nhiệm vụ khó và cơ hội thăng tiến cho những người rất trẻ. Người Viettel cũng tin rằng, 90% năng lực trong mỗi người còn đang ngủ, cần đánh thức nó dậy bởi những việc thật khó. Khi giao cho những người trẻ những việc thật khó, tiềm năng trong con người họ sẽ trỗi dậy và có những sáng tạo không ngờ tới.

Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) - đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, đang tuyển dụng 100 nhân sự trong lĩnh vực Kinh doanh (Quản lý bán hàng, Giám đốc bán hàng, Giám đốc điều hành, Chuyên viên kinh doanh); 100 nhân sự lĩnh vực Công nghệ thông tin (Trưởng nhóm CNTT, kỹ sư CNTT); 3 Chuyên viên pháp chế. Nếu bạn muốn ứng tuyển và gia nhập Viettel, hãy nộp đơn tại đây.

Nguyễn Hiền