Những câu chuyện cảm động của tuyển Olympic Toán Quốc tế
Hôm nay, 13/7, đội tuyển HS giỏi Toán Việt Nam chính thức tham dự kỳ thi Olimpic Toán quốc tế tại Mexico. Hầu hết các em đều là HS con nhà nghèo, tâm sự của các em khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi…
Gần 1 tháng trước ngày thi, 6 thành viên đội tuyển Toán tập kết tại khách sạn Mỹ Lan trên đường Bà Triệu. 2 phòng tại tầng 5 khách sạn này trở thành “đại bản doanh” để các thầy trò ôn luyện. Trưởng Đoàn là TS Lê Bá Khánh Trình (ĐHQG TPHCM) và Phó đoàn là TS Nguyễn Thành Văn (ĐHQG HN).
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng 6 tài năng toán học trẻ này ngay trước giờ lên đường.
“Đột nhập đại bản doanh” đội tuyển
Mở cánh cửa phòng khách sạn, chúng tôi thấy tràn ngập sách và sách. Một tháng qua, cả thầy và trò quây quần bên hai chiếc bàn tròn khá lớn, tất cả đều miệt mài bên những con tính, quên cả thời gian.
6 học sinh trong đội tuyển Việt Nam dự Olympic Toán Quốc tế:
Đỗ Quốc Khánh, HS lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng
Trần Trọng Đan, HS lớp 12, trường THPT Năng khiếu, TP Hải Phòng
Nguyễn Nguyên Hùng, HS lớp 12 Khối chuyên Toán- Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Nguyễn Trường Thọ, HS lớp 12, Khối chuyên Toán- Tin, ĐH KHTN, ĐH QGHN
Trần Chiêu Minh, HS lớp 12 trường THPT Năng khiếu, ĐH QG TPHCM
Phạm Kim Hùng, HS lớp 12, Khối chuyên Toán- Tin, ĐH KHTN, ĐHQGHN |
Toàn là con nhà nghèo
Đến với đội tuyển, mỗi HS một hoàn cảnh nhưng hầu hết đều là những HS con nhà nghèo. Phạm Kim Hùng ở Ý Yên, Nam Định, người nhiều kinh nghiệm nhất trong đội với 1 HCV Olympic Toán quốc tế năm ngoái (thi quốc tế từ năm lớp 11 – năm ngoái đoàn VN xếp thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc), đã từng sống đời HS nội trú từ năm lớp 10.
Nguyễn Trường Thọ, HS khối chuyên Toán-Tin ĐH KHTN (ĐHQGHN) quê Lâm Thao, Phú Thọ, trắng trẻo, thông minh song trông nhỏ nhắn như một HS cấp 2 tâm sự: “1 triệu đồng để đặt may comple đối với gia đình em là một khoản tiền lớn, chắc bố mẹ cũng phải cố gắng lắm mới có được”. Cũng dễ hiểu vì bố mẹ Hùng đều là giáo viên nghèo tại huyện trung du Lâm Thao.
Được biết trong đoàn đi thi HS giỏi Toán quốc tế năm nay, em Đỗ Quốc Khánh (Đà Nẵng) thuộc diện nhà nghèo nhất. Các thầy giáo ở trường và UBND TP đã giúp Khánh chi phí tàu xe và một vài khoản thiết yếu khác.
Gia đình Trần Trọng Đan (Hải Phòng) cũng chả dư dật gì: bố là kỹ sư nhà máy xi măng, mẹ đã về hưu… Kinh tế gia đình chỉ gọi là đủ ăn.
Tâm tư thầy và trò…
| |
Từ trái qua phải: Nguyên Hùng, thày Lê Tự Cường, Kim Hùng, Quốc Khánh, Trọng Đan, Chiêu Minh, Trường Thọ.
|
Quả thực, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi được biết hoàn cảnh gia đình của các tài năng Toán học: 1 triệu đồng để may comple cũng là một khoản tiền lớn. Càng ngậm ngùi hơn khi biết số tiền này lại do chính gia đình các em bỏ ra, Bộ GD-ĐT chỉ định một hiệu may sao cho thống nhất về màu sắc và kiểu dáng mà thôi.
Thầy Lê Tự Cường, giáo viên Toán trường chuyên Trần Phú, Hải Phòng, người trực tiếp dạy em Đan được cử đi theo đoàn với tư cách quan sát viên tâm sự: “Chúng tôi rất tủi thân mỗi khi thấy các đoàn thể thao đi trống rong cờ mở, về đón rước đàng hoàng, tiền tài trợ, tiền thưởng khá lớn. Còn chúng tôi đi về một cách lặng lẽ… Buổi chiều mưa trước ngày đoàn lên đường ấy (8/7), chúng tôi không thấy một ai đến với các em”.
Thầy Cường bùi ngùi nhớ lại một kỷ niệm cách đây 9 năm, một thầy một trò đi thi Toán ở Ấn Độ, từ Hải Phòng lên Hà Nội mà phải ngồi nhờ sau thùng xe chở hàng…
Rồi lần đi thi Toán châu Á – TBD tại Thái Bình năm 1999, thầy trò phải đi bằng xe… chở lợn, lợn đái tí tách xuống đầu mà cứ tưởng... trời mưa. Thầy Cường nói: “Bây giờ các em đi thi dù sao cũng đã đầy đủ hơn nhiều so với hồi trước”.
Trước giờ lên đường, cả nhóm giơ ngón tay hình chữ V khẳng định: Quyết tâm chiến thắng! Trần Chiêu Minh vẫn cười hồn nhiên: “Em tự tin mình có thể giành được giải cao để mang về niềm vinh quang cho Tổ quốc”.
Trần Trọng Đan nói: “Chúng em chỉ biết cố gắng hết sức để đạt thành tích cao nhất có thể. Được tham gia kỳ thi lần này là vinh dự lớn của cá nhân em, của tất cả các bạn trong đội và còn vì danh dự của cả đất nước nữa”.
Theo Việt Hùng, Káp Long
Tiền phong