Những cách ép học phản khoa học

Mới đầu năm học, nhiều trẻ em đã vùi mình trong đống bài tập ở lớp, vừa phải học thêm học nếm cho bằng bè bạn nhưng bố mẹ vẫn chưa hài lòng.

Nhiều vấn đề về cách giáo dục cho trẻ đã được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm “Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi ở trẻ” vừa được tổ chức ở Hà Nội và TPHCM.
 
Không làm được bài: Đánh!

Không làm được bài: Đánh!

“Mày có học không hay là thích ăn roi?”, vừa quát, chị T. Quyên (Từ Liêm, Hà Nội) vừa vơ vội cây quạt đét vào mông con. Thằng bé trân mặt ra, không những không khóc mà còn vặc lại: “Mẹ giỏi sao không tự giải đi. Con đã nói không làm được mà”. Chị Quyên cho biết năm nay Vũ Anh lên lớp 3. Bình thường cháu không học khá môn Toán cho lắm, tuần vừa rồi cháu “dính” đến 3 điểm kém khiến chị “sốt” lên sình sịch. Chị tất tả đến nhờ cô giáo kèm thêm ở nhà. Sau đó, lại cho con học thêm ở trung tâm gia sư. Thế nhưng càng học, trông con chị càng mỏi mệt và cuối cùng là phản ứng hỗn xược trước cái đét mông của mẹ.

Năm nay, cháu Quỳnh Châu (Cầu Giấy, Hà Nội) lên lớp 5. Vì học lớp cuối cấp nên bố mẹ cháu quyết định nhồi cho con học thật nhiều môn chính là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Cháu học văn hóa vào 2 buổi tối trong tuần. Thứ Bảy và Chủ nhật, Châu học thêm đàn và vẽ. Ngoài  ra, cháu đã tốt nghiệp lớp nấu ăn cơ bản với số tiền 1.700.000đ/khóa. Gia đình đang tiếp tục xếp lịch ngày nào trống trong tuần để cháu học thêm lớp làm bánh cơ bản. Như vậy, ngoài học cả ngày trên lớp, không có buổi tối hoặc ngày nghỉ nào của Châu còn trống. Chị Quỳnh Thi, mẹ cháu Châu cho biết, công việc chị khá bận nên để con ở nhà một mình không yên tâm. Vả lại, theo chị, để con có nhiều thời gian rỗi quá cũng chẳng làm gì, chi bằng cho cháu học thêm để có thêm kiến thức.

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi ở trẻ”, TS Lê Văn Hảo (Viện tâm lý học Việt Nam) cho rằng, những câu chuyện ép học đến căng như dây đàn hoặc đét vào mông nếu con không làm được bài như trên không phải là hiếm. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ dạy con học một lúc là đã nổi xung đánh con ngay. Trong khi đáng ra trước mắt phải hỏi con có muốn nghỉ ngơi một lúc rồi hẵng học hay không? Hoặc ít ra cho chúng ra nghịch đồ chơi một lúc, rửa mặt cho sảng khoái thì đầu óc các cháu mới minh mẫn để có cách giải hay, sáng tạo.

Ảnh hưởng kết quả học tập

TS Lê Văn Hảo cho biết, nếu ép trẻ học nhiều quá sẽ gây tổn hại về thể chất cho các cháu như đau đầu, ít ăn, thậm chí gây ra những sang chấn nhất định về tinh thần như sợ học… Đặc biệt, những trừng phạt về thể chất như đánh đập, quát nạt có thể gây đau đớn cho trẻ. Trẻ sẽ thấy bố mẹ thật ác, thật đáng ghét, thấy bị tổn thương … vì thế trở nên xa lánh, né tránh chính người thân của mình. Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu vì thấy nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết. Mặc dù trừng phạt trẻ không mang lại hiệu quả nhưng tại sao cha mẹ vẫn thường dùng? TS Lê Văn Hảo giải thích, trước hết vì những trừng phạt đó dễ, nhanh và mang lại hiệu quả tức thời nhưng không biết nó để lại nhiều hậu quả xấu cho trẻ.

Theo bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), ép trẻ học quá sức đang trở thành xu hướng chung của các bậc phụ huynh hiện nay. Điều này hoàn toàn phản khoa học, làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kết quả học tập của trẻ. Không nên cho con học trước tuổi, học trước khi vào năm học hoặc ép trẻ học nhiều thứ mà các cháu không muốn. Ngay như ở Bộ GD&ĐT đã thiết kế chương trình thì thấy, kỹ năng tập đọc, tính toán của trẻ được hình thành từ từ, nếu ép trẻ học quá sức dẫn đến nhiều hiệu ứng xấu, những nền tảng đầu tiên của trẻ bị đánh mất, gây ra mệt mỏi, đã mệt mỏi trẻ sẽ không có hứng thú để học và do đó rất không có lợi cho trẻ.

Theo Lương Mỹ
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm