Những bất cập trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm

(Dân trí) - Viết sáng kiến kinh nghiệm là một tiêu chí bắt buộc cho những giáo viên nào muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên nên thường có rất nhiều giáo viên tham gia thực hiện. Người có khả năng viết tham gia đã đành, nhiều giáo viên mới ra trường hoặc không có khả năng viết cũng đăng kí tham gia.

Chính vì vậy, từ lâu việc viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đã trở thành một chuyện đáng bàn trong ngành giáo dục.

Mỗi năm ngành giáo dục có hàng ngàn SKKN được xếp loại, công bố giải và phát thưởng. Số tiền mà ngành giáo dục chi cho người chấm, người được công nhận giải mỗi năm không hề ít.

Bởi ngoài việc chi trực tiếp cho người chấm và người thực hiện thì ngành còn phải chi gián tiếp cho những người đạt giải SKKN khi họ được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh, cấp bộ...

Nếu, những sáng kiến có tính thực tiễn và được áp dụng trong ngành một cách rộng rãi có hiệu quả thì đó là việc nên làm.

Nhưng những sáng kiến được áp dụng trong ngành chỉ được đếm trên đầu ngón tay mà SKKN đạt giải thì nhiều không đếm xuể! Sau khi công bố giải và nhận thưởng thì những SKKN để lăn lóc ở một góc tủ nào đó một thời gian sau đó thì đem đi bán…phế liệu hoặc đi đâu về đâu không ai biết.

Nếu, những giáo viên trong ngành hiểu rõ cụm từ SKKN và thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, khả năng của mình thì không có gì đáng phê phán.

Tuy nhiên, hiện nay có những giáo viên luôn đặt nặng vào những danh hiệu cuối năm nên nhiều người dù chưa hiểu được như thế nào là “sáng kiến kinh nghiệm”, chưa hình dung được sẽ bắt đầu từ đâu và viết như thế nào nhưng vì muốn có danh hiệu thi đua cũng bắt tay vào đăng kí đề tài… và viết.

Thế là lên mạng tìm xem những SKKN nào cùng tên với đề tài mình, gần giống với đề tài của mình rồi cắt dán chỗ này vài đoạn, chỗ kia vài ý chắp vá nhau thành khoảng trên dưới 10 trang rồi mang đi nộp dự thi.

Nhiều giáo viên có người quen thân ở địa phương khác thì điện thoại xin đề tài hoặc hoán đổi cho nhau qua email. Thậm chí có người còn đặt vấn đề mượn người khác viết rồi trả tiền…

Sau thời gian phát động và thực hiện thì các đơn vị thành lập ban giám khảo (BGK). Nhưng, cách bố trí người chấm các đề tài này cũng cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn. Nhiều người là BGK nhưng chưa một lần thực hiện đề tài SKKN.

Nhưng, bởi vì họ là thành viên ban giám hiệu, là chuyên viên này nọ. Và, trong số họ, có người được đào tạo bài bản nhưng cũng có những người do yếu tố lịch sử để lại nên trình độ của các vị giám khảo này cũng không giống nhau. Nhiều vị được tốt nghiệp hệ 9+3, 12+2... rồi hàm thụ dần dần lên cho đủ chuẩn.

Ấy vậy mà họ cũng được ngồi chấm những SKKN của các giáo viên có trình độ đại học, cao học chính qui... Ngoài ra còn được chấm nhiều sáng kiến không phải chuyên ngành của mình nữa. Giữa những "ma trận" thật giả của sáng kiến như vậy cần đòi hỏi người chấm phải có kiến thức và bản lĩnh để loại bỏ những đề tài cóp nhặt từ trên mạng Internet nhưng chỉ tiếc người chấm SKKN không phải bao giờ cũng là người thông thạo Internet và siêng đọc nên hàng năm ngành giáo dục phải đối mặt với nạn “đạo văn” của một bộ phận giáo viên coi trọng thành tích, dối lừa đồng nghiệp.

Ngoài những bất cập như nêu ở trên còn có một kiểu chấm gọi là “ngoại giao” nữa. Nhiều người vì quen biết nhau, hay chơi với nhau nên họ chấm cho đạt giải để không mất lòng nhau!

Rõ ràng, việc phát động, cách thực hiện và bố trí người chấm SKKN hiện nay ở một số địa phương có rất nhiều bất cập. Những điều này đáng lẽ ra cán bộ quản lí cần có những kế hoạch chấn chỉnh kịp thời nhưng hình như nhiều người vẫn... cố tình không hiểu.

Bởi lẽ đương nhiên khi họ tham gia chấm cũng đồng nghĩa với việc nhận thù lao trên các đề tài của giáo viên. Nhiều những lời bàn tán xì xèo nhưng họ vẫn mặc nhiên như không biết. Ngoài ra, những cán bộ quản lí muốn đạt được các danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì trong đơn vị quản lí của anh phải có người đạt sáng kiến.

Chính vì vậy mà họ phát động, thậm chí giao chỉ tiêu cho các đơn vị, các giáo viên thực hiện. Cũng vì qui chế “ăn theo” như vậy mà nhiều cán bộ quản lí chẳng bao giờ thực hiện đề tài SKKN nhưng vẫn đạt các danh hiệu thi đua cao ngất ngưởng… khiến giáo viên chỉ mơ ước mà thôi.

Bao giờ những SKKN được thực hiện với đúng mục đích thật của nó, bao giờ những giáo viên chân chính thực hiện đề tài có được BGK đúng nghĩa có thể phản biện và góp ý một cách khoa học, bao giờ bỏ cái qui chế “ăn theo” như ngành giáo dục đang áp dụng? Nếu ngành giáo dục trả lời được những câu hỏi như vậy thì khi đó mới có những SKKN thật sự là… SKKN.

Nguyễn Cao

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm