Nhức nhối thị trường SGK lậu đầu năm học mới
(Dân trí) - Sáng 20/6 tại Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Chống xuất bản phẩm lậu đối với xuất bản phẩm”. Theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, in lậu là vấn nạn nhức nhối, diễn ra trong nhiều năm, có xu hướng ngày càng gia tăng nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.
Hàng chục nghìn bản SGK bị in lậu
Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.
Không chỉ sách của các nhà xuất bản Việt Nam mà còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài cũng bị in lậu, phát hành lậu trong nước với số lượng không nhỏ, gây hiệu quả nghiêm trọng.
Vì sao một cuốn sách hai mức giá?
Về việc một cuốn sách hai mức giá, ông Hải cho hay, năm nay NXB Giáo dục được Bộ GD&ĐT cho phép tăng giá SGK. Cho nên những SGK từ năm 2018 trở về trước vẫn còn thì sẽ bán theo giá cũ.
Riêng sách năm 2019 trở đi, sẽ bán theo giá mới. Điều đó lý giải vì sao trên thị trường có những cuốn sách giống nhau nhưng hai mức giá.
NXB GDVN đã in bảng giá để dán ở các nhà sách tại các địa phương để phụ huynh nắm được. Tỉ lệ sách cũ này tuỳ cấp bậc học với tổng số lượng khoảng 3,5%.
Việc phát hành SGK qua kênh trường học, ở mỗi địa phương có một đối tượng phát hành cấp 2 và tuỳ thuộc vào địa phương để có phương án phát hành vào nhà trường nhưng phải được sự thống nhất giữa nhà trường và công ty phát hành sách.
Ngày 22/5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện số lượng lớn sách của NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) bị in lậu được tập kết tại một kho thuộc huyện Hoài Đức.
Số sách này gồm: SGK, sách tham khảo (STK), sách tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác. Có tới 40.000 đĩa tiếng Anh các loại, hơn 30.000 SGK và sách bổ trợ các cấp học là xuất bản phẩm lậu bị Cục này thu giữ.
Khoảng đầu tháng 6, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bình Định đã kiểm tra và phát hiện hơn 72.600 cuốn SGK có tem dán khác với tem của NXBGDVN, chủ nhà sách không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Theo nhận định của đoàn liên ngành, số sách này làm giả sách của NXBGDVN được in tại một số công ty in trong nước, trong đó có công ty in Nhân dân Bình Định.
Tại hội thảo cho thấy, nhiều ấn phẩm xuất bản lậu chủ yếu là các loại sách: vở bài tập toán, vở bài tập tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn chính từ lớp 6 đến lớp 9, sách tiếng Anh mới (Đề án ngoại ngữ 2020), sách hướng dẫn học tin học, sách học mỹ thuật mới theo định hướng phát triển năng lực cấp tiểu học…
Nguy hiểm mang tên “sách lậu”
Ngài Gareth Ward, Đại sứ vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: “Các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu xuất bản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.”
Hiện các cuốn sách in lậu thường in trên giấy xấu, chất lượng in kém, các đối tượng làm sách lậu không có nghiệp vụ làm nội dung và biên tập nên nhiều lỗi về nội dung.
Sách giáo dục bị in lậu, không qua khâu kiểm duyệt, phần thông tin xuất bản thể hiện không chính xác. Chất lượng sách in lậu thường kém hơn sách thật, bị mất nét, mờ chữ.
Chẳng hạn có phép tính là dấu “cộng” nhưng sách in lậu lại là dấu “bằng”, hoặc các ví dụ sai sót khác như in thiếu, sai dữ liệu khiến học sinh khó khăn trong học tập.
Ông Lê Hoàng Hải cũng thừa nhận, việc hàng chục nghìn cuốn sách lậu bị phát hiện chứng tỏ chưa có các giải pháp, chế tài hiệu quả trong việc chống in lậu.
Sách tiếng Anh in lậu.
Về phía NXBGDVN, ông Hải cho hay, đơn vị này đã phối hợp với các tỉnh khuyến khích phụ huynh không mua các loại SGK trôi nổi.
Về mặt kĩ thuật, NXBGDVN đã áp dụng nhiều giải pháp như các loại mã số, tem chống giả để hạn chế tình trạng in lậu sách của đơn vị cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kể kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo dục chưa được quan tâm thường xuyên, lực lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử phạt vi phạm chưa nghiêm cho nên khó khắc phục được tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép sách giáo dục ngày càng tinh vi, phức tạp, lan rộng, có xu hướng gia tăng… gây nên những bất cập trong việc bảo đảm nhu cầu dạy, học.
Tiếp đó là hàng năm NXBGDVN phối hợp với các đối tác phát hành đăng kí kế hoạch doanh số phát hành trên từng đầu sách, tên sách; Tránh trường hợp trên địa bàn phát hành có ít học sinh nhưng đơn vị đối tác lại đăng kí số lượng lớn để bán lại sang thị trường bên cạnh kiếm lời nhằm tránh hỗn loạn thị trường. Để ổn định thị trường, NXBGDVN còn áp dụng giải pháp là đóng bộ SGK đầy đủ các tên sách, nếu thiếu một cuốn trong bộ sách (do thiếu nguồn cung, trong kho không còn) thì không bán được cho người mua; Ngoài ra còn nhiều giải pháp nữa như kiểm tra, giám sát, điều tiết, phát hiện và ngăn chặn.
Để chuẩn bị cho năm học mới, theo ông Hải, hiện NXBGDVN đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ trước ngày khai giảng. Trước hết, gấp rút in sách, tăng ca kíp để đảm bảo tiến độ nhập kho.
Việc phát hành, vận chuyển về địa phương được tiến hành đồng bộ, thiết lập đường dây nóng liên quan đến SGK.
Mỹ Hà