Nhu cầu lao động 4 ngành công nghiệp trọng điểm vẫn cao, bất chấp Covid-19
(Dân trí) - Ảnh hưởng dịch Covid-19, lao động nhiều ngành nghề thất nghiệp nhưng các kỹ sư ngành kỹ thuật điện - điện tử vẫn được các doanh nghiệp sản xuất "săn đón".
Nhu cầu lao động 4 ngành công nghiệp trọng điểm vẫn tăng cao
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, quý 1 năm 2021, tình hình kinh tế TP phát triển khá ổn định. Nhưng sau 6 tháng đầu năm, kinh tế bắt đầu chững lại và sụt giảm nghiêm trọng vào cuối năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, kinh tế TPHCM tăng trưởng âm 6,78%.
Tuy nhiên, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM vẫn duy trì năng lực sản xuất, nhu cầu nhân sự trong các lĩnh vực này không bị sụt giảm.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu nhân sự của 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong quý III/2021 là hơn 8.000 chỗ làm việc, chiếm 20,3% tổng nhu cầu nhân sự. Trong đó, nhu cầu lao động của riêng ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm đến 7,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu của các doanh nghiệp tập trung vào các công việc như kỹ sư kỹ thuật điện; kỹ sư bảo trì hệ thống điện; kỹ sư điện công trình; kỹ sư cơ điện; kỹ sư điện tự động hóa; kỹ sư điện tử viễn thông; giám sát kỹ thuật điện và điện lạnh; kỹ sư thiết kế vi mạch; nhân viên kỹ thuật điện tự động; nhân viên kỹ thuật điện tử, nhân viên lắp ráp thiết bị điện tử...
Theo thạc sĩ Trần Công Nam, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), đây là những công việc mà sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử có thể làm khi ra trường.
Thạc sĩ Trần Công Nam cho rằng, ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử vẫn luôn là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng trong thời đại công nghiệp 4.0 vì đây là lĩnh vực trọng điểm, luôn được chú trọng đầu tư phát triển trong cơ cấu kinh tế quốc gia và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt - sản xuất.
Nhân lực trình độ nghề chiếm ưu thế
Hiện ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử đang được đào tạo ở nhiều trình độ, từ sơ cấp nghề cho đến kỹ sư đại học. Tuy nhiên, nhu cầu nhân sự ở cấp trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) vẫn chiếm ưu thế.
Theo báo cáo của Falmi, trong quý III/2021, các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự ngành này chỉ có gần 16% lao động trình độ đại học, cao đẳng gần 21%, trung cấp là hơn 22%, sơ cấp chiếm hơn 26%...
Thạc sĩ Trần Công Nam cho biết, sinh viên học ngành này trình độ cao đẳng có lợi thế hơn đại học là nhờ thời lượng thực hành rất cao (chiếm đến 70% thời gian đào tạo), chú trọng đào tạo kỹ năng và năng lực lao động nên sinh viên quen việc, dễ làm khi ra trường.
Theo Phó hiệu trưởng Cao Đẳng Bách Khoa Sài Gòn, tại các trường cao đẳng thì sinh viên học ngành này được học kỹ năng và xử lý các thiết bị điện tử tại xưởng thực hành; làm thực tế tại các xưởng sản xuất thiết bị điện - điện tử, trung tâm bảo dưỡng đồ gia dụng…
So với trình độ trung cấp, sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử trình độ cao đẳng được học nhiều kiến thức cơ bản về điện - điện tử; những kiến thức chuyên sâu về xây dựng, vận hành, sử dụng và bảo trì các thiết bị điện - điện tử, hệ thống truyền động điện, hệ thống phân phối, cung cấp điện, hệ thống điện gió...
Thạc sĩ Trần Công Nam cho biết, sinh viên học ngành này được học nhiều kiến thức và kỹ năng có tính ứng dụng rất cao, làm được nhiều đầu việc hiện có trên thị trường lao động.
Cụ thể như: chuyên viên kỹ thuật vận hành, bảo trì mạng lưới điện tại các công ty điện lực, nhà máy điện, trạm biến áp; chuyên viên tư vấn thiết kế tại xí nghiệp, các khu dân cư, các tòa nhà; chuyên viên nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao; tư vấn, cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật điện vào sản xuất và đời sống...