Nhóm trẻ gia đình: Lắm nguy cơ nhưng quản không xuể?
(Dân trí) - Nghi vấn cô giáo đánh sưng mắt trẻ tại nhóm trẻ không phép Đô Rê Mon tại Bình Chánh, TPHCM mới đây cho thấy sự thiếu an toàn của các nhóm trẻ. Thế nhưng, “nguy cơ” tại các nhóm trẻ gia đình là thường trực và ai cũng có thể thấy.
Đề cập về việc khó khăn trong việc quản lý bậc học mầm non, đội ngũ phụ trách bậc học này tại các Phòng GD-ĐT ở TPHCM sẽ thở dài nói ngay đến nhóm trẻ gia đình. Bởi việc quản lý và theo dõi chuyên môn không hề đơn giản.
Thu tiền thấp “hút” người học
Hiện nay toàn TPHCM có khoảng 1.200 nhóm trẻ gia đình hoạt động có giấy phép, nhưng thực tế có rất nhiều nhóm trẻ tự phát, hoạt động trông trẻ không đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện. Việc trông trẻ tại nhiều nhóm trẻ có nguy cơ thiếu an toàn rõ ràng xuất phát từ việc thu tiền ăn quá thấp, cơ sở vật chất kém, đội ngũ trông trẻ thiếu chuyên môn lại thay đổi thường xuyên.
Vấn đề được xem như là “căn bệnh kinh niên” của nhóm trẻ gia đình là thu tiền ăn quá thấp. Rất nhiều nhóm trẻ thu tiền ăn chỉ 20.000 đồng/3 bữa - khoản tiền mà các nhà quản lý lắc đầu, chắc chắn không thể đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.
Thậm chí, bà Bùi Thị Kim Chùng, Phó phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho hay dù UBND huyện cho phép thu tiền ăn 22.000 đồng nhưng thực tế nhiều nhóm trẻ vẫn chủ thu 17.000 đồng, chất lượng bữa ăn của trẻ rất đáng lo ngại.
Bà Lê Thị Phước, Phó Phòng Giáo dục Q. Tân Bình bày tỏ, đã dùng đến rất nhiều cách như động viên đến cả la lên thì nhiều nhóm trẻ vẫn thu tiền ăn mức thấp vì điều kiện phụ huynh gửi con chỉ trong mức đó, tăng cao là người ta không gửi trẻ nên các nhóm trẻ chiều theo để “giữ” người học.
Quản không xuể
Quận Tân Bình có khoảng 130 lớp, nhóm lớp mầm non ngoài công lập trong khi chuyên viên bậc học này chỉ có 3 người còn phải lo rất nhiều vấn đề chuyên môn nên việc kiểm tra, theo sát các nhóm trẻ là không xuể.
“Chúng tôi nhắc nhở cải tạo cơ sở vật chất thì chủ nhóm lớp đưa ra lý do nhà thuê, chủ nhà nhà không cho sửa đổi nên an toàn cho trẻ cũng rất đáng lo ngại”, bà Phước nói.
Đại diện quận Gò Vấp chia sẻ, địa bàn có 80 nhóm lớp việc kiểm tra cũng rất khó khăn, có khi một nội dung chuyên viên phải đi lại rất nhiều lần cũng chưa xong việc. Thế nên việc sâu sát các vấn đề ở nhóm trẻ gia đình rất nan giải.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó Trưởng Phòng GD-ĐT Q.5 cho rằng tuy trên địa bàn chỉ có 7 nhóm trẻ nhưng việc quản không hề đơn giản. Đáng ngại nhất là việc giáo viên ở nhóm trẻ thay đổi thường xuyên, không làm việc lâu dài và sự thiếu an toàn cho trẻ dễ gặp phải ở những giáo viên mới nhận lớp.
Tại Hội nghi giao ban bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ việc nhóm trẻ thu tiền ăn, cơ sở vật chất thấp để có phụ huynh gửi trẻ nên tồn tại rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Công tác quản lý rất nan giải vì đội ngũ giáo viên thay đổi liên tục, nơi nào tốt hơn thì họ lại chuyển chỗ. Nhiều trường hợp trong bảo hiểm xã hội là người khác nhưng đi làm việc thì lại là người khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh việc cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình thuộc về chính quyền địa phương, còn ngành giáo dục chỉ hỗ trợ về chuyên môn để cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Trong quá trình đó sẽ động viên nhóm trẻ nào đảm bảo điều kiện thì xúc tiến thành lập trường.
Bà Thanh cũng chia sẻ, với điều kiện nhiều nhóm trẻ hiện nay, trẻ rất thiệt thòi và phải đối mặt với nhiều vấn đề không đảm an toàn, chất lượng. Hơn nữa địa phương cũng quản lý chưa chặt xuống tận các tổ dân phố nên việc vẫn tồn tại nhiều nhóm trẻ gia đình không phép.
Với nhiều bất cập như vậy nhưng với việc thiếu trường lớp như hiện nay, nhất là việc ưu tiên cho trẻ 5 tuổi phổ cập thì cùng với các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình giữ một vai trò cần thiết để đủ chỗ cho trẻ học.
Tháng 3/2013, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Trong đó, chỉ đạo các Sở phối hợp với phường xã kiên quyết đình chỉ các cơ sở giáo dục mầm non chưa đủ điều kiện.
Hoài Nam