Nhọc nhằn gieo con chữ ở Tà Lèng

(Dân trí) - Nhìn lớp học vắng hoe của cô trò trường tiểu học Hoàng Văn Nô, xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mùa đông miền Tây Bắc bắt đầu khắc nghiệt mà các em học sinh chỉ phong phanh vài manh áo mỏng…

Gian nan đường đến Tà Lèng

Chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chưa đầy 5 km nhưng con đường dẫn vào Tà Lèng ngoằn ngoèo với đất đá lởm chởm, bụi mù. Hai bên đường thưa thớt những nóc nhà sàn tiêu điều, vắng vẻ. Chiếc xe 7 chỗ của chúng tôi rung lên bần bật khi đi qua những đoạn đường đầy ổ voi, ổ gà. Tận mắt chứng kiến quang cảnh nơi đây tôi mới hiểu rằng bà con dân tộc Tây Bắc thật sự vẫn còn rất khó khăn.

Trường tiểu học Hoàng Văn Nô nằm cheo leo giữa dốc. Nhìn tấm biển thì có vẻ khang trang nhưng bên trong chỉ vẹn vẹn có 6 phòng, 5 phòng học nhỏ với các  trang thiết bị cũ kỹ, tạm bợ. Phòng hội đồng cũng giản dị không kém, chỉ đủ để các thầy cô giáo làm việc. Với 6 lớp (5 lớp tại trụ sở và một lớp tại bản Làng Nghè cách trung tâm 12 cây số) nhưng trường có chưa đầy 70 học sinh.

Nhọc nhằn gieo con chữ ở Tà Lèng - 1
 Trường tiểu học Hoàng Văn Nô nằm cheo leo giữa dốc. (Ảnh: Huy Tuấn)

Học sinh chủ yếu là con em người dân tộc Mông và Khơ Mú ở cách trường từ 5 đến 10 cây số. Để được học con chữ, sáng nào các em cũng phải dậy từ tờ mờ sáng để đi bộ vào đến trường. Những con đường mòn quanh núi vốn đã khó đi với người lớn thế mà những đứa trẻ, lớn thì 10 tuổi, nhỏ thì 6 tuổi, ngày nào cũng phải băng qua để đến trường. Mùa nắng đã vậy, những hôm trời mưa thì việc đi lại của các em còn khó khăn gấp nhiều lần. Đối với những em nhà cách trường vài cây số thì ngày nào cũng hai lượt đi về còn các em nhà xa hơn thì ở nội trú tại trường. Căn phòng nội trú của các em chưa đầy 10 m2 đơn sơ giản dị đến mức không thể đơn sơ hơn nữa. Hai chiếc phản với chăn chiếu tạm bợ, một, hai chiếc xoong nhỏ xíu, nhọ nhem, vài ba túi gạo,vài bó rau héo, gói muối nhỏ... là tất cả các em có trong căn phòng nội trú của mình.

Nhọc nhằn gieo con chữ ở Tà Lèng - 2
 Căn phòng nội trú đơn sơ của các em. (Ảnh: Huy Tuấn)

Để có thể sinh hoạt và học tại trường, các em phải tự lập hoàn toàn, các anh chị lớp 5 thì nấu cơm, giặt giũ, các em nhỏ thì làm những việc như dọn cơm, rửa bát, quét nhà. Các lớp học của trường Hoàng Văn Nô đều là lớp học theo mô hình dân nuôi, các em đến lớp đều được miễn giảm toàn bộ tiền học phí, sách vở cũng là của nhân dân, các tổ chức từ thiện và thầy cô giáo của trường ủng hộ.

Nhìn lớp học vắng hoe của cô trò, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Lớp học đông nhất chỉ hơn chục em còn lớp ít thì chưa đến chục em. Mùa đông miền Tây Bắc bắt đầu khắc nghiệt mà các em chỉ mặc phong phanh vài manh áo mỏng. Lạnh và đói, ấy vậy mà những đứa trẻ vẫn tự lập để lo cho cho cái bụng của mình. Vì lớp học thường là cả ngày nên những em không ở nội trú vẫn mang theo cơm để ăn trưa tại trường. Bữa cơm của các em chỉ là một bát cơm và một bát canh rau rừng, đôi khi còn là nước trắng.
 
Nhọc nhằn gieo con chữ ở Tà Lèng - 3
 Lớp học đông nhất chỉ hơn chục em. (Ảnh: Huy Tuấn)

Các giáo viên cho biết các các em nội trú cũng như ngoại trú đều rất khó khăn, quanh năm các em chỉ có những bữa cơm đạm bạc thiếu dinh dưỡng. Gạo để các em ăn chủ yếu từ chính quyền địa phương cùng các tổ chức từ thiện quyên góp. Nhiều khi hết gạo, không đành lòng nhìn các em phải chịu đói, tập thể giáo viên nhà trường phải quyên góp để cho các em ăn qua ngày. “Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng các em vẫn vui vẻ và rất ngoan”, cô giáo Tạ Thị Nhàn tâm sự.

Thầy cô cùng san sẻ khó khăn

Trường tiểu học Hoàng Văn Nô có những giáo viên nhiều năm “cắm bản” tại các địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên nên việc dạy học con em người dân tộc thiểu số có nhiều kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất đôi khi không phải là sự thiếu thốn cơ sở vật chất mà là quan niệm của phụ huynh người dân tộc với con chữ. Đa phần đồng bào nơi đây đều sống và canh tác lạc hậu, xã Tà Lèng có 74 hộ, 345 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông và Khơ Mú sinh sống trong số đó có quá nửa thuộc diện đói nghèo. Quanh năm, người dân tộc nơi đây chỉ biết bám lấy nương rẫy để qua ngày nên con chữ có lẽ là điều xa vời đối với họ. Chính vì vậy, việc vận động bà con cho con em mình đi học cái chữ là công việc vô cùng khó khăn.

Nhọc nhằn gieo con chữ ở Tà Lèng - 4
 Bữa cơm đạm bạc của học sinh trường tiểu học Hoàng Văn Nô. (Ảnh: Huy Tuấn)

Câu chuyện của cô giáo Đào Thị Hợp, giáo viên trường tiểu học Hoàng Văn Nô là một ví dụ điển hình. Khi cô Hợp đến nhà em Hoàng Thị Định - con một gia đình người dân tộc Khơ Mú thuộc diện nghèo tại bản Làng Nghè - để vận động gia đình cho em đến trường thì bố mẹ thì nhất định không cho em đi học. Lý do là em phải ở nhà lên nương phụ giúp gia đình. Cô Hợp nhiều lần vào nhà em vận động nhưng vẫn chẳng có kết quả gì thậm chí còn bị gia đình em xua chó đuổi và nói khó nghe... Nhưng với tâm huyết với nghề, quyết tâm cho các em biết cái chữ để thoát khỏi cuộc sống đói nghèo truyền kiếp tại các miền sơn cước này, cô Hợp và đồng nghiệp đã nhờ chính quyền giúp đỡ và cuối cùng gia đình em Định cũng đồng ý cho em theo cô đến trường. Với lòng quyết tâm và tình yêu với nghề, không chỉ em Định, nhiều em khác cũng được cô Hợp cùng nhiều giáo viên khác xin bố mẹ cho đến trường học chữ.

Cho con đi học chữ nhưng vì quá nghèo bố mẹ các em cũng chẳng có đủ điều kiện để lo cho các em học hành. Từ quần áo đến sách vở và gạo, phụ huynh người dân tộc đều không có để cho con. Các em đến trường chỉ với người không, tất cả những trang thiết bị tối thiểu đều được chính quyền, nhà trường lo cho. Tâm sự với chúng tôi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thủy xúc động nói: “Chúng tôi cũng rất trăn trở khi các em phải học hành trong điều kiện thiếu thốn như thế này, nhưng biết làm sao được, cái nghèo đã bám rễ vào cuộc sống nơi đây quá lâu rồi, mong sao các em sẽ cố gắng học giỏi để xây dựng quê hương, mang cuộc sống ấm lo cho gia đình, bản làng …”

Chúng tôi ra về nhưng hình ảnh các em học sinh người dân tộc nơi đây vẫy chào trong cái lạnh se sắt đầu đông vẫn đọng lại. Các em chỉ mong có những bữa cơm no, được mặc ấm, được ngày ngày cắp sách đến trường, những ước mơ giản dị ấy đã làm cả đoàn day dứt. Việc gieo chữ ở miền núi đang cần lắm sự tiếp sức của những tấm lòng nhân ái.

Huy Tuấn