Nhớ về người thầy một thời “tuyến lửa”
(Dân trí) - Tết đến Xuân sang hay vào mùa tựu trường, tôi thường kể cho con cháu nghe về những người thầy. Thuở vỡ lòng là thầy Trần Văn Duệ, hồi cấp hai là thầy Hà Văn Lạc, lên cấp ba là thầy Nguyễn Văn Minh và trong giảng đường đại học là giáo sư Hoàng Như Mai.
Riêng thầy dạy Toán Hà Văn Lạc làm tôi nhớ mãi, nhớ da diết về một miền đất.
Những năm 60 của thế kỷ trước, hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Chấp thuộc đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) mới dựng được một trường phổ thông cấp 2 (nay là Phổ thông Cơ sở). Mảnh đất “đá mang” màu vàng ải, gặp mưa nhão nhoẹt, phải trời nắng gắt đanh như đá nằm giữa hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Chấp được chọn làm địa điểm dựng trường mái tranh, tường đất đơn sơ. Dân xã đặt tên là Trường phổ thông cấp 2 Long - Chấp.
Đất cằn, dân nghèo, phòng học mỏng manh, tuềnh toàng, nhưng thầy trò ngày nào cũng vui. Tôi và mấy đứa bạn thuộc loại nghèo nhất trong tốp nghèo. Miêu tả ngắn gọn cho dễ hình dung là mỗi ngày chỉ được một lưng cơm độn, còn lại là khoai sắn, quanh năm quần cộc, áo vá, chân không biết giày dép là gì, nhưng được nết học hành chăm chỉ. Từ lớp 5 cho đến hết học kỳ 1 lớp 7, điểm tổng kết các môn học của tôi đều đạt điểm 5/5. Năm nào tôi cũng là học sinh tiên tiến xuất sắc, được các thầy Nguyễn Dưỡng (dạy Văn), thầy Hà Văn Lạc (dạy Toán), thầy Minh Hiển (dạy Lý), thầy Quang Long (dạy Sử) bế tung lên cao và thân thương gọi là “hạt mít vàng”. Vậy mà vào đầu học kỳ 2 lớp cuối cấp tôi bất thình lình bị con 2 môn hình học. Cầm bài kiểm tra bị điểm kém trên tay, tôi chẳng nói chẳng rằng chạy một mạch về nhà khóc tức tưởi. Nhưng nào được khóc cho hết cơn buồn tủi, tôi phải lao vào gánh nước, bế em giúp mẹ thổi cơm.
Tối hôm ấy, mưa rả rích, tôi vùi đầu vào môn hình học.
Bất thần, thầy giáo đến.
Mẹ tôi hốt hoảng tưởng con làm điều gì xấu nên thầy giáo phải đến tận nhà giữa đêm hôm mưa gió thế này. Tôi ngẩng đầu, cuốn hình rơi xuống đất, mắt cay xè, nhưng hai tay vẫn đưa đều hai chiếc nôi cho hai em ngủ yên. Thầy đứng lặng nhìn tôi. Mẹ nghẹn ngào: “Cực lắm thầy ơi. Thím cháu sinh con, chẳng may mất sớm, tôi phải nuôi cả hai cháu… nên cả nhà phải khổ.” Thầy nhỏ nhẹ: “Tôi là Hà Văn Lạc, giáo viên dạy Toán của em đây. Em học giỏi, nhưng bị điểm hai chị ạ. Tôi ngạc nhiên và buồn lắm… Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu ra rồi.”
Hôm sau, cả lớp ra chơi, thầy ngồi lại với tôi trong phòng. Thầy kể, cũng giống như tôi, mồ côi cha từ năm 1949. Tuổi thiếu niên đã vào trường Thiếu sinh quân. Mất cha, xa mẹ, xa quê đối với tuổi học trò là khổ lắm, nhưng thầy vẫn học và trở thành giáo viên cho đến lúc được biệt phái vào vùng giới tuyến này. Thầy bảo không ghi điểm hai đau đớn này vào sổ. Tôi mừng quá chỉ biết ngồi im lặng mà không biết nói lời cảm ơn thầy.
Mùa hạ năm 1963, kết thúc ba năm học cấp 2 trên mái trường Long Chấp, cuốn sổ lưu niệm của tôi chất chồng bao lời thắm thiết của bạn, của thầy. Riêng thầy Hà Văn Lạc viết thẳng thắn, chằn chặn như lời giải bài toán khó: “…Trong trách nhiệm đối với tất cả các em, mà nhất là đối với em, thầy cảm thấy có nhiều phần thiếu sót. Song về em chắc cũng không thỏa mãn. Mong em cố gắng hơn vì mọi đòi hỏi dồn dập đang đến với em đó... Chúng ta, những đứa cháu Bác Hồ.”
Mùa thu năm ấy tôi vào trường phổ thông cấp 3 Vĩnh Linh, thầy Hà Văn Lạc chuyển về dạy ở trường cấp 2 xã Vĩnh Quang, bên bờ bắc Cửa Tùng. Chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt trên đất Vĩnh Linh. Từ đó tôi không được gặp thầy nữa.
Cũng một ngày đầu thu năm 1966, tôi cùng 5 bạn học khác đi bộ từ Vĩnh Linh ra Hà Nội, lên Đại Từ, Thái Nguyên vào giảng đường Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ Văn. Giảng đường Đại học nơi sơ tán cũng bằng tranh tre, nứa lá, cũng tuềnh toàng như trường cấp hai Long Chấp quê tôi. Thầy khác, bạn khác, việc học cũng khác, nhưng nỗi nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường có khác mấy đâu, vẫn da diết, khôn nguôi.
Một ngày cuối tháng 6 năm 1967, tôi lên thư viện Khoa Ngữ Văn sơ tán ở thôn Tràng Dương đọc được phóng sự: “Cửa Tùng căm thù - Cửa Tùng quyết thắng” của nhà báo Hữu Thọ đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 28 tháng 6 năm 1967, có đoạn: “…Trường học thì mấy ngày chiến đấu cũng bận chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhưng khi địch bắn phá ít hơn, thầy hiệu trưởng Hà Văn Lạc đã xin với cấp trên cho các em học sinh cuối cấp tiếp tục học ở một nơi an toàn cho hết chương trình để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Súng vẫn nổ, bom vẫn nổ, tiếng hát vẫn cất cao trong chiến hào…”.
Sau này có dịp về Vĩnh Quang, làm việc với cán bộ xã, gặp gỡ nhiều người từng sống làm việc với thầy Hà Văn Lạc thời chiến tranh phá hoại ác liệt bên bờ Cửa Tùng, tôi như gặp lại những dấu chân của thầy. Chắp nối những mảnh ghép hoài niệm tôi hình dung ra những ngày ác liệt nơi đây. Từ 21 đến 25 tháng 6 năm 1967 bầu trời, mặt đất Vĩnh Quang - Cửa Tùng mịt mùng khói lửa. Địch huy động hàng trăm lượt máy bay dội bom từ trên trời xuống, tàu chiến nả pháo từ hạm đội vào. Pháo hạng nặng bắn thẳng từ bờ Nam sông Bến Hải ra. Chỉ riêng thôn Hòa Lý nhỏ bé mà hồi năm 1961, lũ trẻ thơ chúng tôi thường cắm trại hè phải chịu gần 400 quả bom, hàng trăm quả pháo, đạn rocket. Thầy hiệu trưởng Hà Văn Lạc cùng giáo viên dẫn dắt các em học sinh ẩn nấp dưới hệ thống giao thông hào, hầm chữ A, địa đạo. Thầy trò chỉ có nước lã đựng trong thúng lót nilong, lương khô và sách vở, bút mực. Ngớt bom đạn, thầy lại giảng, học sinh lại học, kiểu học thời chiến hiếm có trên trái đất này. Có nhiều đêm thức trắng, thầy Lạc cùng nhiều giáo viên khác luồn lách dười giao thông hào, mặc cho B.52 rải thảm vẫn khiêng liệt sỹ chôn cất ở cuối xóm Lộc Đức.
Bom đạn Mỹ cày xéo đất Vĩnh Linh hòng biến nơi đây trở về thời đại đồ đá. Dân tuyến lửa không sống nổi trên mặt đất thì đào hầm, chui vào lòng đất mẹ để bảo tồn sự sống và chiến đấu. Chỉ trong hai năm ác liệt nhất 15 xã, thị trấn Vĩnh Linh đã có 114 làng hầm với độ dài hơn 40 km. Một hệ thống giao thông hào liên thôn, liên xã dài hơn 2.000 km. Gần 3 tỷ 8 mét khối đất đá được đào lên bởi thuần sức người với cuốc, xẻng trong những bàn tay chai sạn và ý chí quyết sống, quyết thắng.
Với phương châm còn người là còn tất cả, Vĩnh Linh đã thực hiện một chiến dịch di dân thời chiến có một không hai trong lịch sử. Chiến dịch mang mật danh K.8 đưa 3 vạn học sinh vượt 300 km ngập tràn bom đạn sơ tán ra Bắc. Thầy hiệu trưởng Hà Văn Lạc cùng đồng nghiệp đã dẫn dắt hơn 700 học sinh Vĩnh Quang - Cửa Tùng cùng hành quân trong đội hình măng non bất tử ấy.
37 năm sau (2004) gặp lại thầy trò thời K.8, thầy giáo Hà Văn Lạc rưng rưng xúc động thành thơ:
“Ra đi K.8 năm nào/Giờ đây hội ngộ biết bao ân tình/Mừng nay cảnh trí thanh bình/Thay da đổi thịt dáng hình đẹp tươi/Nỗi buồn tang tóc chưa nguôi/Bao người đã khuất, bao người đớn đau/Quên sao trống vắng nhịp cầu/In sâu ký ức hai đầu Hiền Lương/Xuống lên địa đạo, lán trường/Bên đàn em nhỏ vấn vương tơ lòng.”
Tôi đọc được những vần thơ mộc mạc mà gan ruột này đúng nửa thế kỷ thầy trò xa nhau. Ấy là một ngày giữa mùa tựu trường năm 2013, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Các từ Vĩnh Linh, bạn cùng thời trường cấp 2 Long - Chấp báo tin đã tìm được địa chỉ, số điện thoại của thầy Hà Văn Lạc. Mừng quá đỗi, tôi liền gọi điện cho thầy. Thầy trò gặp nhau qua điện thoại, vui mừng khôn xiết. Tuần sau tôi nhận được thư và tập thơ “Gửi gắm” của thầy. Nét chữ thầy vẫn đẹp, ngay ngắn và khoáng đạt như 50 năm trước thầy đã ghi lưu niệm cho tôi.
Nay thầy đã ở tuổi 80 (hơn tôi tròn một giáp) đang sống và làm thơ ở thành phố Vinh, Nghệ An.
Cả trăm bài thơ, câu đối thầy “gửi gắm” cho đời với bao suy ngẫm ngổn ngang mà không sao quên được một thời: “Vĩnh Linh bụi phấn còn vương tóc/Hạc lão nghĩa đời chửa nghỉ chân”.
Vĩnh Trà