Ngày cuối xét tuyển bổ sung:
Nhiều trường đại học không xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2
(Dân trí) - Trong ngày cuối cùng các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 nhưng rất ít thí sinh đến đăng ký. Một số trường lượng hồ sơ đăng ký chưa đủ chỉ tiêu nhưng cũng nhiều trường đông thí sinh đăng ký vẫn lo lắng số lượng ảo nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường xác định dù thiếu thí sinh nhưng không xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.
Nhóm ngành xã hội ít thí sinh đăng ký xét tuyển thấp hơn chỉ tiêu
PGS. TS Nguyễn Minh Hà – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mở TPHCM cho biết dù chỉ tiêu tuyển của trường là 380 nhưng đến ngày cuối nhận hồ sơ đăng ký có hơn 1200 thí sinh đăng ký xét. Dù bội thu hồ sơ nhưng theo ông Hà thí sinh đăng ký vào các ngành không đều nhau, đặc biệt những ngành trường cần thì thí sinh lại không đăng ký. Chẳng hạn như các thuộc khối xã hội như: Ngôn ngữ Trung Quốc, Xã hội học, Công tác xã hội, Đông Nam á học.
Trong khi đó, đến cuối ngày 31/8 nhưng trường ĐH Văn hoá TPHCM vẫn thiếu nhiều chỉ tiêu. Ths Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết “nhà trường tuyển 235 chỉ tiêu hệ ĐH và 80 chỉ tiêu hệ CĐ nhưng đến hết ngày 31/8 chỉ nhận được 159 hồ sơ ĐH và 9 hồ sơ CĐ.
Tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ngày cuối đợt xét tuyển bổ sung chỉ hơn 10 thí sinh đến nộp trực tiếp. Ths Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo,Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, đa phần thí sinh đăng ký 5 ngày đầu nên những ngày cuối ít thí sinh. Theo ông Sơn, chỉ tiêu tuyển bổ sung là 600 nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường hơn 900 hồ sơ. Trong đó chủ yếu tập trung vào những nhóm ngành kinh tế. Những ngành công nghệ, thực phẩm….ít hồ sơ do điểm nhận hồ sơ cao.
Do đó, thí sinh nộp vào đều có khả năng trúng tuyển, tuy nhiên vấn đề lo lắng hiện tại là làm thế nào để gọi đủ số thí sinh trúng tuyển này: “Đợt đầu, chúng tôi dự đoán gọi tỷ lệ 140% thí sinh nhập học, cuối cùng vẫn không đạt nhu cầu. Với chỉ tiêu còn thiếu ở đợt này, hơn 900 hồ sơ nộp vào tương đương khoảng 150%, nếu may mắn thì có thể gọi thí sinh đủ chỉ tiêu”.
Còn ở trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ngoại trừ lượng hồ sơ nộp vào ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô đã đủ so với chỉ tiêu, còn lại các ngành đều thiếu. TS Nguyễn Đức Minh – Phó hiệu trưởng trường cho biết “dự kiến điểm chuẩn các ngành có thể sẽ thấp hơn so với đợt 1.Lượng thí sinh nộp hồ sơ ít hơn chỉ tiêu nên khả năng em nào nộp vào cũng có thể trúng tuyển”.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nhận được gần 2.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu cần tuyển 1.300. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trường nhà trường, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp vào ngày 1/9 để quyết định điểm chuẩn, công bố thí sinh trúng tuyển.
Còn Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhận được khoảng 1.000 hồ sơ,trong đó có khoảng 550 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường. Nhìn chung số thí sinh điểm cao không nhiều..
Nhiều trường không xét tuyển bổ sung đợt 2
Theo TS Minh Hà, trường ĐH Mở TPHCM cố gắng giữ mức điểm chuẩn trúng tuyển ít nhất sẽ bằng như đợt 1 để các thí sinh xét tuyển trong đợt đầu không cảm thấy thiệt thòi. Dự kiến chiều ngày 1/9, hội đồng tuyển sinh trường họp thống nhất điểm chuẩn cụ thể.
“Dù nhiều ngành chưa đủ chỉ tiêu nhưng dự kiến nhà trường sẽ không tuyển thêm đợt nào nữa. Bởi kéo dài việc tuyển sinh sẽ ảnh hưởng kế hoạch học tập của nhà trường”, ông Hà nói.
TS Nguyễn Quốc Anh – Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết tính đến 17g ngày 31/8 trường nhận được 2650 hồ sơ đăng ký trên tổng số 1600 chỉ tiêu. Phổ điểm trung bình tập trung ở ngưỡng 16-19 điểm là nhiều nhất trong tổng số hồ sơ
Theo mức điểm đó, có khoảng 2550 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển và 100 thí sinh trượt đợt này. Vì các thí sinh hầu như cân nhắc kỹ mức điểm trước khi nộp và đa phần điểm cũng khá tốt nên lần này trượt ít hơn đợt 1. Như vậy, trường dự kiến sẽ không xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Tài chính cũng nhận được 850 hồ sơ nhận vào trên tổng số 550 chỉ tiêu, bên cạnh việc không xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt tiếp theo, điểm chuẩn một số ngành cũng sẽ tăng nhẹ so với đợt đầu từ 1 – 2 điểm. Dự kiến, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn là 19 điểm; nhóm ngành Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng sẽ lấy từ 18 điểm; nhóm ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực có điểm chuẩn là 17 điểm. Còn lại, các ngành vẫn giữ mức điểm chuẩn như đợt 1.
Lê Phương
(lephuong@dantri.com.vn)