Nhiều trường đại học đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục "cầm trịch" trong tuyển sinh

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Ngày 12/12, tại hội nghị trực tuyến giáo dục đại học 2020, định hướng năm 2021 - 2025, nhiều trường đại học kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ ổn định thi như năm trước và tiếp tục "cầm trịch" trong tuyển sinh.

Nhiều trường đại học đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục cầm trịch trong tuyển sinh - 1

Hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay ngày 12/12

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trên cơ sở phát huy những ưu điểm của phương án tuyển sinh năm 2020, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Cần tăng cường nhiều điểm thi

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá cao cố gắng của Bộ GDĐT và hệ thống đã tổ chức thành công kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2020. Trong những năm tới trường ĐH Kinh tế quốc dân ủng hộ phương án giữ vững ổn định.

Ông Chương kiến nghị, Bộ GDĐT phải giữ vai trò chủ đạo, giám sát kỳ thi THPT để đảm bảo sự nghiêm túc của kỳ thi và nếu có thể nâng cao tính phân loại.

Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng ủng hộ việc sử dụng hệ thống chung là đăng ký xét tuyển, lọc ảo và sự phối hợp giữa các trường và các sở giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, cần tăng điểm thi có thể nhiều điểm thi, để có nhiều lựa chọn cho thí sinh và trường đại học.

PGS.TS Lê Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương đồng tình với phương án ổn định công tác tuyển sinh năm 2021, sử dụng kết quả kỳ thi THPT vào công tác tuyển sinh của các trường kết hợp với các phương thức xét tuyển khác của Bộ GD-ĐT.

Bà Thủy mong muốn Bộ phát huy vai trò chỉ đạo chung, đặc biệt là đăng ký xét tuyển qua hệ thống quốc gia, tiếp tục tổ chức lọc ảo chung.

Theo bà Thủy, trong tương lai xa, phương án thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá, các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường và cho thí sinh; Việc thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập, trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý để các Trung tâm vận hành, cần có sự chuẩn bị của các trường đại học.

GS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc ĐH Huế đề xuất, công tác giám sát của các trường đại học phải tăng cường, đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.

Nhiều trường đại học đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục cầm trịch trong tuyển sinh - 2

Các trường đại học ủng hộ phương án Bộ GDĐT cầm trịch trong kỳ thi THPT để các trường có cơ sở dữ liệu tốt phục vụ công tác tuyển sinh.

Cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về kỳ thi

GS.TS Nguyễn Ngọc Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, công tác lọc ảo trong tuyển sinh rất cần thiết, cần phải duy trì, làm tốt hơn năm vừa qua. Mặc dù, vai trò của các Sở GDĐT trong đăng ký tuyển sinh vẫn rất cần thiết, tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn giữ vai trò chỉ đạo để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đảm bảo tính phân loại tốt của kỳ thi.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội,  ủng hộ phương án Bộ GDĐT cầm trịch trong kỳ thi THPT để các trường có cơ sở dữ liệu tốt phục vụ công tác tuyển sinh.

GS Đức cho hay, những năm tới, ĐHQGHN cũng chuẩn bị bài thi đánh giá năng lực. Mong Bộ GDĐT ủng hộ và sự tham gia của các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này vào công tác tuyển sinh.

 GS.TS Hồ Đắc Lộc - Trường ĐH Công nghệ TP HCM hoàn toàn thống nhất với phương án tuyển sinh của Bộ đưa ra vì năm vừa qua có nhiều biến động nhưng vẫn tổ chức thành công. Tuy nhiên, cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông bởi vì nếu có thông tin chính xác thì triển khai rất thuận lợi.