ĐBSCL:
Nhiều tỉnh miền Tây đã chủ động rà soát kỳ thi THPT quốc gia 2018
(Dân trí) - Sau sự cố nhiều thí sinh được nâng điểm thi xảy ra ở tỉnh Hà Giang, nhiều tỉnh miền Tây đã chủ động rà soát lại công tác coi thi, chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo các tỉnh này, cơ bản việc coi thi, chấm thi diễn ra đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại An Giang, kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 16.414 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Trong đó giáo dục THPT có 14.811 TS, giáo dục thường xuyên có 857 TS. Số TS đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT là 1.851. An Giang bố trí 40 điểm thi, với 699 phòng thi đặt tại các trường, liên trường trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Kỳ thi năm nay, số TS tham dự tăng gần 2.400 em so năm 2017.
Sau khi hoàn thành việc chấm thi, Sở GD-ĐT An Giang cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2018 trên địa bàn tỉnh An Giang năm nay có 9 bài thi môn GDCD đạt điểm 10. Các môn còn lại đạt điểm cao nhất là 9,75 và có 23 bài thi ở các môn thi bị điểm liệt; môn tiếng Anh có tỷ lệ dưới điểm trung bình cao nhất. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp trên toàn tỉnh đạt 98,33%.
Xung quanh công văn chỉ đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo các tỉnh rà soát lại công tác coi thi, chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại An Giang cho biết: “Sau khi có sự cố nâng điểm thi của thí sinh ở Hà Giang xảy ra, tỉnh An Giang đã chủ động rà soát lại các quy trình trong kỳ thi này, trong đó tập trung vào công tác coi thi, chấm thi. Qua kết quả rà soát, đến thời điểm hiện tại Sở GD-ĐT An Giang báo cáo, công tác coi thi, chấm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng các quy định của Bộ GD-ĐT; Tỉnh chưa ghi nhận điều gì bất thường trong công tác coi thi và chấm thi”.
Ông Bình, cho biết thêm, trong suốt quá trình coi thi, vận chuyển đề thi, bài thi đến khâu niêm phong, quét ảnh bài thi và chấm thi… đều có mặt lực lượng công an (P83) và cán bộ giám sát của Sở GD-ĐT, cán bộ các trường ĐH đến làm nhiệm vụ. Trên kết quả An Giang đã rà soát vừa qua, tỉnh sẽ hoàn thành báo cáo gửi Bộ GD-ĐT trong thời gian sớm nhất.
Tại Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết: “Theo quan điểm cá nhân tôi, việc chỉ đạo của Bộ GD-ĐT rà soát lại các công tác trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là cần thiết. Vì sau khi có sự cố nâng điểm xảy ra ở Hà Giang, niềm tin của học sinh, phụ huynh vào những giáo viên, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi có phần sụt giảm. Do đó, cần làm sớm việc rà soát để lấy lại niềm tin, đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch đúng quy định pháp luật”.
Ngoài ra, bà Giang cho biết thêm, sau khi một số tỉnh xảy ra sai phạm trong công tác coi thi, chấm thi, tỉnh Kiên Giang đã chủ động rà soát lại công tác tổ chức kỳ thi vừa qua, trong đó chú tâm vào công tác coi thi, chấm thi. Và theo kết quả sơ bộ, Sở GD-ĐT Kiên Giang chưa ghi nhận điều gì bất thường về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu, ngày 23/7, Sở sẽ tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để tiếp tục rà soát lại một lần nữa về công tác coi thi, chấm thi… để hoàn thành báo cáo gửi Bộ GD-ĐT.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại công tác coi thi, chấm thi tại địa phương diễn ra an toàn, đúng quy chế; các tỉnh này chưa ghi nhận điều gì bất thường về kết quả thi THPT quốc gia 2018.
Được biết, kỳ thi THPT quốc gia 2018, Kiên Giang có 77.518 lượt thí sinh dự thi các môn, trong đó có 36.552 bài thi trên trung bình đạt điểm 5 trở lên, đạt tỷ lệ 47,15%; có 3.136 bài thi đạt điểm giỏi từ 8 điểm trở lên, đạt tỷ lệ 4,05%.
Điểm cao nhất các môn Văn là 9,25 điểm; Toán 8,6 điểm; Lý 9,25 điểm; Hóa 8,75 điểm; Sinh 8,75 điểm; Anh 9,4 điểm; Sử 9,5 điểm; Địa lý 9,5 điểm; Giáo dục công dân 10 điểm (có 5 thí sinh).
Có 55 bài thi 1 điểm trở xuống, trong đó có 2 bài môn Ngữ văn điểm 0 (1 vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi; 1 không làm được bài). Các môn thi có học sinh làm bài đạt tỷ lệ trên trung bình cao là môn Giáo dục công dân, Văn và Địa lý. Các môn đạt tỷ lệ trên trung bình thấp là Lịch sử và tiếng Anh.
Kết quả tốt nghiệp THPT đối với Giáo dục phổ thông có 11.929 thí sinh dự thi; trong đó có 11.760/11.929 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,58%. Đối với Giáo dục thường xuyên có 871 thí sinh dự thi; trong đó, có 748/871 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 85,88%.
Còn tại Đồng Tháp, theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh là 13.815/13.977 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,84%. Có 20/43 trường đạt tỷ lệ 100%.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018, tại Đồng Tháp, cho biết: “Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT báo cáo, công tác coi thi, chấm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy định. Tuy nhiên, khi nhận được công văn của Bộ GD- ĐT về việc yêu cầu rà soát lại công tác coi thi, chấm thi, ngày 23/7, chúng tôi sẽ có cuộc họp với các đơn vị, cán bộ liên quan để rà soát lại một lần nữa; đúc kết công tác nào làm tốt, chưa tốt, tiến hành báo cáo và rút kinh nghiệm cho những kỳ thi sau”.
Nguyễn Hành