Nhiều sai phạm về tuyển sinh, thu chi tài chính tại ĐH Sư phạm TPHCM
(Dân trí) - Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, theo đó trong những năm 2012 -2014 trường có nhiều sai phạm trong tuyển sinh, thu chi tài chính và xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt, tuyển hàng ngàn sinh viên dù chưa xin phép Bộ GD-ĐT.
Tuyển sinh tuyển vượt chỉ tiêu và chưa được cấp phép
Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2012-2014, trường liên kết với 21 đơn vị, tuyển và đào tạo gần 7.822 sinh viên hệ vừa làm vừa học (VLVH) khi chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép, vi phạm điều 9, Quyết định 42. Trong đào tạo, trường sử dụng chương trình đào tạo chính quy để đào tạo hệ VLVH, hợp đồng liên kết đạo tạo chưa thể hiện rõ ràng, trong đó thời gian đào tạo hệ VLVH bằng với thời gian đào tạo hệ chính quy… là không đúng với quy định tại khoản 1, điều 4, Quy chế đào tạo ĐH-CĐ hình thức VLVH.
Ngoài ra, năm 2012, trường đã tuyển vượt hơn 92% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ĐH hệ VLVH. Năm 2013, trường tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu 16,7% đối với hệ VLVH và trường tuyển sinh trình độ tiến sỹ vượt 16%. Đặc biệt, trong năm 2013 trường không xác định chỉ tiêu và không có thông báo chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT đối với hệ liên thông (VHVL), văn bằng 2 (VLVH) nhưng đã tuyển 1.190 sinh viên hệ liên thông. Tương tự, năm 2014 trường cũng không xác định chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển tới 629 sinh viên văn bằng 2.
Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu rằng trường liên kết với các trường Bồi dưỡng giáo dục ở các địa phương là không đúng so với quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. Còn về việc xây dựng - chỉnh sửa - bổ sung giáo trình, trường đã làm không đúng quy định khi giao công tác chủ biên biên soạn giáo trình đào tạo ĐH cho một... cử nhân.
Thu và chi không đúng quy định
Về tài chính, thanh tra cũng nêu ra một số sai phạm của trường trong thời gian qua. Nhà nước không quy định thu “kinh phí hỗ trợ đào tạo sau ĐH” nhưng từ năm 2012 đến 2014, trường tổ chức thu kinh phí hỗ trợ đào tạo sau ĐH (ngoài quy định) với tổng số tiền 6,248 tỷ đồng.
Ngoài ra, trường làm sai quy định khi cho chi 5% với hơn 420 triệu đồng kinh phí từ tổng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học để chi cho công tác quản lý đề tài nghiên cứu khoa học. Trường chưa có đối chiếu xác nhận công nợ của một số cá nhân vào thời điểm cuối năm là vi phạm quy định về nguyên tắc hạch toán tài khoản loại 3 tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC.
Về cơ sở vật chất, trường có 5 cơ sở với tổng diện tích là 48.179m² với tổng diện tích sàn xây dựng là 64.108m². Trong khi đó, tổng diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo chỉ có 13.545m², đạt 1,25m² sàn xây dựng/sinh viên (chưa đạt chuẩn so với quy định). Hiện tại trong khuôn viên của trường hiện nay vẫn còn 98 hộ gia đình đang sinh sống vẫn chưa di dời được làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo của trường.
Trường đã mua sắm một số công cụ, dụng cụ nhưng không khảo sát giá theo quy định của Bộ Tài chính. Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hai gói thầu vào năm 2014 cũng không thực hiện cung cấp thông tin đấu thầu theo quy định. Việc lập Hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình để trình người quyết định đầu tư phê duyệt đối với Dự án Nhà học A chậm trên 6 tháng là vi phạm quy định của Chính phủ.
Trong kết luận, thanh tra nêu đến nay công trình Nhà học A đã đưa vào khai thác sử dụng được 2 năm nhưng trường chưa lập kế hoạch để bảo trì, bảo dưỡng là vi phạm quy định tại Nghị định số 114/2010/NĐ/CP. Dự án Nhà học A và 2 công trình sữa chữa Nhà thi đấu Thể dục Thể thao, Nhà học D cơ sở II do trường làm chủ đầu tư đã đưa vào khai thác sử dụng được 2 năm nhưng chưa thực hiện việc quyết toán dự án hoàn thành vi phạm quy định tại Nghị định số 19/2011/TT-BTC.
Yêu cầu chấn chỉnh, sửa sai
Với những sai phạm và thiếu sót trên, Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Sư phạm TPHCM: chấm dứt những sai phạm trong tuyển sinh liên kết đào tạo; điều chỉnh thời gian đào tạo đối với hệ VLVH; chấm dứt khoản thu ngoài quy định đối với đào tạo sau ĐH và rà soát việc chi để thu hồi nộp ngân sách những khoản chi không phục vụ mục đích thu; chấn chỉnh công tác đấu thầu mua sắm hàng hóa.
Ngoài ra, trường cần lập phương án và kế hoạch di dời 98 hộ gia đình ra khỏi khuôn viên của trường; chấm dứt việc trích 5% kinh phí từ tổng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để chi cho công tác quản lý.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng nêu trách nhiệm của hiệu trưởng tiền nhiệm nhiệm kỳ 2009-2014 và hiệu trưởng đương nhiệm nhiệm kỳ 2014-2018 với vai trò là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chung về những hạn chế, thiếu sót và để xảy ra sai phạm trong thời gian qua.