Nhiều sai phạm về tài chính ở ĐH Quốc gia Hà Nội
Nhiều năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội được coi là một trung tâm đào tạo hàng đầu trong nước. Thế nhưng, tại kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính do Bộ Tài chính tiến hành đã đưa ra những con số giật mình.
Tất cả những mảng hoạt động liên quan đến kinh phí đều thể hiện khuyết điểm của lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) buông lỏng quản lý dẫn đến thất thoát, lãng phí nhiều tỷ đồng của nhà nước.
ĐHQGHN thành lập năm 1995, nhưng đến cuối năm 2003 các đơn vị trực thuộc mới hoàn thành việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Năm 2004, 25 đơn vị trực thuộc mới thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, riêng văn phòng ĐHQGHN chưa xây dựng xong quy chế. Trường đã xây dựng đề án tự chủ về tài chính và dự toán kinh phí thực hiện dựa trên căn cứ không chính xác, không sát với nhu cầu thực tế làm tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục.
Năm 2003 là 124,1 tỷ đồng, tăng 14,87% so với năm 2002. Năm 2004 là 154,7 tỷ đồng, tăng 24,64% so với năm 2003 và bằng 188% so với năm 2001 dẫn tới thừa kinh phí không giải ngân được. Số kinh phí cho giáo dục đào tạo được trường chuyển sang đầu tư xây dựng mới là 21,77 tỷ đồng.
Trường còn cấp kinh phí cho một số dự án vượt quá nhu cầu 5,5 tỷ đồng. Năm 2004, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo chưa quyết toán là 23 tỷ đồng. Tại bảy đơn vị của trường, đoàn thanh tra phát hiện sử dụng kinh phí sai chế độ và cấp phát vượt nhu cầu thực tế phải thu hồi, nộp trả ngân sách Nhà nước 5,6 tỷ đồng.
Một số đơn vị của trường đề ra mức thu học phí, lệ phí cao hơn mức quy định của nhà nước gần 950 triệu đồng. Việc quản lý thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của trường còn nhiều sai sót, lãng phí hàng chục tỷ đồng.
Năm 2004, ĐHQGHN thực hiện 671 đề tài, dự án và nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí 60,8 tỷ đồng. Các đề tài khoa học được chia ra gồm 18 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 526 đề tài cấp đại học quốc gia. Trong đó có 32 đề tài trọng điểm 108 đề tài đặc biệt, 96 đề tài nghiên cứu cơ bản, 290 đề tài cấp ĐHQGHN và 127 đề tài cấp cơ sở.
ĐHQGHN có 27 đơn vị trực thuộc gồm trường, khoa, viện, trung tâm trực thuộc làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động dịch vụ.
Tổng số cán bộ công chức là 2.503 người, trong đó 1.548 giảng viên và 955 người làm công tác quản lý, phục vụ. |
Có 369 đề tài với tổng kinh phí hơn 38,7 tỷ đồng đến hạn và quá hạn phải hoàn thành nhưng đến tháng 5/2005 mới nghiệm thu được 170 đề tài với số kinh phí tương đương 12,7 tỷ đồng. 199 đề tài chưa nghiệm thu được với 26 tỷ đồng. Nhiều đề tài kéo dài thời gian thực hiện quá lâu dẫn tới lạc hậu về đối tượng và mục tiêu nghiên cứu.
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra cũng phát hiện 72 đề tài quá hạn từ trước ngày 31/12/2002 với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Những đề tài trên chậm tiến độ thực hiện từ ít nhất 2,5 - 7 năm. 24 đề tài được giải ngân nhưng các chủ đề tài đi công tác nước ngoài, chuyển công tác khác hoặc có chủ đề tài đã chết dẫn đến sự tồn đọng.
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có 22 đề tài và văn phòng ĐHQGHN có hai đề tài tồn đọng. Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng - phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, cho biết, việc các đề tài khoa học bị chậm tiến độ phải hoàn lại kinh phí là có thật.
Những con số do cơ quan chức năng tổng kết là đúng nhưng đó là con số lạnh lùng. Bởi nhiều cán bộ đang làm công tác chuyên môn, đã nhận đề tài phải điều chuyển công tác nên không thể tiếp tục thực hiện vì quá bận. Phần đông cán bộ nghiên cứu khoa học muốn sản phẩm của mình phải có chất lượng nên không thể làm qua loa. Vì vậy những đề tài nghiệm thu đều có chất lượng.
Tiến sĩ Hùng cho biết trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nghiên cứu lý thuyết là chính. Các đề tài tuỳ theo cấp độ đều có tính chất tư vấn. Tỷ lệ ứng dụng của đề tài khoa học xã hội bao nhiêu phần trăm là khó. ứng dụng số một là phục vụ giáo trình, chương trình đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh.
Cũng có một số đề tài chưa sát với thực tế. Trường dần loại bỏ để dành kinh phí cho những đề tài có ứng dụng trực tiếp vào bài giảng, góp phần bảo tồn nền văn hoá cổ đưa khoa học xã hội trở thành mũi nhọn. “Việc để tồn đọng đề tài là khuyết điểm của trường, chúng tôi có kế hoạch khắc phục” - tiến sĩ Hùng nói.
Theo Đời Sống & Pháp Luật