Nhiều ngành mới lạ, đón đầu 4.0

Năm 2019, các trường ĐH mở nhiều ngành mới bắt kịp xu hướng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động và đón đầu 4.0.

Năm 2019, ĐHQG TP HCM dự kiến nâng số lượng mã ngành/nhóm ngành/chương trình tuyển sinh trình độ ĐH lên 197. Theo đó, một số trường của ĐH này mở thêm các ngành mới.

"Ngành xuyên ngành"

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn mở mới các ngành: Quản trị thông tin và ngành Việt Nam học (dành cho người Việt Nam), chương trình chất lượng cao ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Khoa Y có ngành mới là răng hàm mặt và điều dưỡng bên cạnh ngành y khoa và dược học đã tuyển sinh vài năm qua. Phân hiệu ĐHQG TP HCM tại Bến Tre dự kiến sẽ mở mới 3 ngành: Quan trắc và bảo dưỡng kết cấu, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lượng tái tạo. Trường ĐH Kinh tế - Luật có thêm 2 ngành mới là luật tài chính - ngân hàng chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Trường ĐH Mở TP HCM dự kiến tuyển sinh thêm 3 ngành mới là marketing (chương trình đại trà), kinh tế và khoa học máy tính (chương trình chất lượng cao).

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tuyển thêm 2 ngành mới là quản lý đất đai và bảo hộ lao động.

Nhiều ngành mới lạ, đón đầu 4.0 - 1

Ngành Golf đào tạo bậc ĐH dự báo sẽ thu hút thí sinh. (Ảnh: Bảo Lâm)

Lần đầu tiên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đưa ra khái niệm "ngành xuyên ngành" trong mùa tuyển sinh này. Theo kế hoạch, trường sẽ mở ngành robot và trí tuệ nhân tạo với 20 chỉ tiêu. Đối tượng tuyển sinh là những học sinh giỏi, thi THPT quốc gia đạt từ 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và ưu tiên học sinh trường chuyên. Sinh viên sẽ được miễn học phí, được đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là ngành học xuyên ngành vì có sự phối hợp của 3 khoa là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Đó là ngành chủ lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện tại và trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn.

Ngành của đời sống hiện đại

Cùng với ngành robot và trí tuệ nhân tạo, năm 2019 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng mở thêm ngành quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng. Theo ông Dũng, đây là lĩnh vực chuyên môn đa và liên ngành, là mối liên hệ chặt chẽ giữa môi trường xây dựng, cơ - điện, kiến trúc và kết cấu công trình trong tất cả giai đoạn quá trình thiết kế, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành và bảo dưỡng các hệ thống này. Mục đích của các hệ thống kỹ thuật trong công trình xây dựng là nhằm tạo ra một môi trường sống tiện nghi, an toàn và đặc biệt là phải tiết kiệm năng lượng. Chịu trách nhiệm cho vấn đề đó chính là kỹ sư hệ thống kỹ thuật công trình (kỹ sư MEP). Đây là chuyên ngành mà thị trường lao động đang rất cần nhân lực trong khi có rất ít nơi đào tạo lĩnh vực này tại Việt Nam. Ngoài ra, năm 2019 trường còn mở 2 ngành mới là vật liệu dệt may, kinh doanh quốc tế.

Năm 2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ đào tạo ngành golf trình độ ĐH. Đại diện nhà trường cho biết ngành golf là một ngành học mới, đào tạo dựa trên một nhu cầu có thật của một xã hội đang phát triển và hội nhập quốc tế. Sinh viên theo học ngành này có năng lực chuyên môn rộng và sâu trong ngành công nghiệp golf. Đặc biệt là tỉ lệ sinh viên ra trường sẽ có việc làm đúng chuyên ngành và đam mê rất cao. Theo học ngành này, ngoài những kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được phát triển nhiều kỹ năng đa dạng như làm việc nhóm, đàm phán thương lượng, giao tiếp và ứng xử trong kinh doanh, kỹ năng để thành công bền vững…

Nhiều ngành đào tạo bằng tiếng Anh

Năm 2019, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội mở chương trình "Cử nhân kinh doanh số" đào tạo bằng tiếng Anh hệ chính quy. Đây là chương trình đào tạo mới và đầu tiên ở Việt Nam, do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cấp bằng chính quy, với mục tiêu đào tạo ra những cử nhân quản trị kinh doanh, có khả năng ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin và công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công việc trong thời đại 4.0.

Sinh viên tham gia chương trình sẽ học các môn ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh, được xây dựng dựa trên các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm, có cơ hội được tham quan, giao lưu, học tập ở nước ngoài.

PGS-TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho hay trong thời đại 4.0, các hoạt động mang tính cơ học, chuyên môn hóa sẽ được thực hiện chủ yếu bằng máy móc hoặc robot, vì vậy, người lao động sẽ chủ yếu phát triển các kỹ năng như sáng tạo, thử nghiệm, đánh giá tình huống, thiết kế và tổ chức thực hiện. Nhà quản lý cũng cần thay đổi cấu trúc tổ chức, tạo ra các hệ thống quản lý nhân tài và sử dụng các chiến lược nguồn nhân lực.

Trường ĐH Hà Nội sẽ mở thêm 2 ngành mới là truyền thông đa phương tiện và marketing đào tạo bằng tiếng Anh trong năm 2019. Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, ngành truyền thông đa phương tiện được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa 2 lĩnh vực hot hiện nay là truyền thông với công nghệ thông tin. Trong khi đó, marketing là ngành mà trường đã có ý tưởng mở từ lâu, đã có những khảo sát cụ thể về nhu cầu học ngành này của sinh viên. Theo phương án tuyển sinh 2019 của Trường ĐH Hà Nội, các ngành đào tạo ĐH chính quy đều có môn ngoại ngữ nhân hệ số 2.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cũng đã xây dựng các ngành mới liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên các lĩnh vực chính như công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. 

Các nhóm ngành nghề sẽ phát triển mạnh

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, 6 nhóm ngành nghề sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 bao gồm: công nghệ thông tin và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính cùng nhiều lĩnh vực khác; công nghệ tự động hóa; các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh; nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng; nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo.

 

Theo Lê Thoa - Yến Anh - Huy Lân

Người Lao Động