Nhiều ngành học của trường nghề đáp ứng nhu cầu cao của thị trường

Lệ Thu

(Dân trí) - Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được triển khai đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Nỗ lực trong công tác tuyển sinh

Ngày 20/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tổng hợp báo cáo kết quả tuyển sinh GDNN của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tuyển được 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7.5% kế hoạch); trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo 350.000 người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 40.000 người.

Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường THCS, THPT để thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia.

Năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chưa được phê duyệt. Đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh/mùa tuyển sinh của GDNN vì thời điểm này chưa kết thúc năm học của GDPT và chưa qua kỳ thi tuyển sinh ĐH. Do đó, tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 11 hàng năm.

"Đến thời điểm này, giáo dục nghề nghiệp tại Thủ đô chỉ mới đạt 16% chỉ tiêu và sẽ rất khó để thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra trong năm 2021. Nhiều trường CĐ, trung cấp trên toàn quốc cũng đạt dưới 20% chỉ tiêu", bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chia sẻ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt thuộc các lĩnh vực như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch.

Nhiều ngành học của trường nghề đáp ứng nhu cầu cao của thị trường - 1
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2021.

Sáng tạo, chủ động thực hiện "3 tại chỗ"

Để đối phó với những tác động bất lợi từ dịch bệnh, nhiều trường đã sáng tạo trong cách thức dạy, học, tuyển sinh.

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội hiện có gần 1.000 sinh viên trong thời kỳ thi tốt nghiệp với 2 cơ sở ở Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường xây dựng kế hoạch dạy và học theo phương châm "3 tại chỗ": ăn tại chỗ, học tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ.

Nhà trường đã triệu tập 400 em tới trường để gặp mặt. Tất cả các em phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, sau khi có kết quả âm tính các em sẽ được tập trung ở tại KTX của trường, thực hiện quản túc.

Theo ông Ngọc, việc tiến hành cho học sinh tập trung để học vì điều này rất quan trọng với đào tạo nghề. Học nghề là học cả lý thuyết và thực hành, nhiều môn học thực hành không thể có công nghệ mô phỏng, vì thế học sinh phải thực hành trực tiếp mới nâng cao được tay nghề. Và mô hình 3 chung giúp thực hiện điều này.

Nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt

Kết luận hội nghị, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao, biểu dương tinh thần chủ động ứng trước kinh phí tiến hành đào tạo nghề của các địa phương cũng như sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện "3 tại chỗ"... của các cơ sở GDNN. Các trường đã có nhiều cách làm hay, mô hình mới sáng tạo để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng, công tác giáo dục nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người học và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, toàn ngành lao động cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức của Tổng cục GDNN đã phát huy tinh thần đoàn kết đoàn kết nỗ lực với tinh thần tự lực, tự cường như Thủ tướng nói. Từ đó, tạo khí thế mới trong thi đua, lập nhiều thành tích chào mừng thành công Đại hội XIII và triển khai quyết liệt Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhiều ngành học của trường nghề đáp ứng nhu cầu cao của thị trường - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng kết luận hội nghị.

"Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó, Thủ tướng đánh giá, giáo dục nghề nghiệp bước đầu có nhiều triển biến tích cực, đặc biệt trong quản lý nhà nước.

Một số ngành nghề đào tạo tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Những kết quả bước đầu đã góp phần trong đổi mới và nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt. Chúng ta đã tập trung cao cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực gắn với đổi mới cơ cấu nguồn lao động, nhất là lao động ở nông thôn. Chúng ta đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chia sẻ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công - viên chức của Tổng cục GDNN và lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh thành phố trong cả nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị có liên quan đã phối hợp và đạt được những kết quả bước đầu trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế nhất định, điển hình là việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng; việc phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có tính bền vững chưa cao.

Thứ trưởng chỉ đạo, thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương. Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ đào tạo, tái đào tạo nghề, kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp.

Nhiều ngành học của trường nghề đáp ứng nhu cầu cao của thị trường - 3
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng.

Cảm ơn và ghi nhận những lời động viên, chia sẻ, chỉ đạo từ đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục GDNN xác định tiếp tục nỗ lực phấn đấu, kiên trì bám sát các mục tiêu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo đã đề ra trong kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm