Nhiều Hội khuyến học tỉnh, thành vượt chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập
(Dân trí) - Sáng 28/12, tại Đà Nẵng, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết một năm triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập và chỉ đạo điểm xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 281 của Chính phủ, hôm nay, các đại biểu có mặt đông đủ ở đây để cùng nhìn lại quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập.
“Chúng ta sẽ được nghe các báo cáo tổng kết, tham luận của đại biểu, đặc biệt là được nghe ý kiến của một số gia đình và dòng họ tiêu biểu. Từ những bài học thực tế, sinh động, quý báu, chúng ta sẽ đúc kết thành những bài học kinh nghiệm, các nguyên nhân thành công, chưa thành công để chúng ta làm tốt hơn. Hy vọng với sự giúp đỡ tích cực của các đại biểu, hội nghị sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của hội nghị là kết quả một năm lao động quên mình của cán bộ khuyến học, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận và tích cực tham gia của toàn xã hội. Là sự mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân với tinh thần đó”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ.
Báo cáo tại hội nghị, GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, kiêm tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, năm 2015 là năm triển khai thí điểm các mô hình học tập theo quyết định 281/QĐ-TTG. Ban chỉ đạo đề án 281 chủ trương thí điểm với số lượng mỗi tỉnh, thành phố chọn 2 cấp huyện với tổng số 126 quận/huyện/thị xã; mỗi cấp huyện chọn 2 cấp xã với 252 xã/phường/thị trấn; mỗi cấp xã chọn 5 gia đình, 2 dòng họ và 2 cộng đồng với tổng số 2.520 gia đình, 504 dòng họ, 504 cộng đồng. Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành đã đề nghị với Ban chỉ đạo đề án 281 cho tăng số lượng cộng đồng cấp huyện và cấp xã theo gia thí điểm. Do đó, số lượng gia đình, dòng dọ, cộng đồng và đơn vị trong diện thí điểm cũng tăng lên.
Tính đến giữa tháng 12/2016 (chỉ tổng hợp số liệu của 41 tỉnh, thành), số lượng gia đình đăng ký danh hiệu gia đình học tập là 7.036.583, chiếm tỷ lệ 30,59% tổng số hộ trong cả nước. Trong số hộ đã đăng ký, có 4.659.064 gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 20,25% số hộ trong toàn quốc.
Cuối năm 2016, đã có 57.222 dòng họ đăng ký thi đua đạt danh hiệu học tập. Số dòng họ được công nhân đạt các tiêu chí “Dòng họ học tập” là 35.710, chiếm 63,30% dòng họ đã được đăng ký thi đua. Có 64.196 thôn bản, xóm ấp, tổ dân phố đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đã có 37.308 cộng đồng được công nhân danh hiệu này, chiếm 58,11% cộng đồng đã đăng ký thi đua.
Về “Đơn vị học tập”, qua báo cáo mà Ban điều hành đề án 281 đã nhận được, trong cả nước đã có 31.506 đơn vị đăng ký sẽ đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” trong năm 2016. Trên thực tế, đã có 24.619 đơn vị được công nhận đạt danh hiệu, chiếm tỷ lệ 78,14% số đơn vị đã đăng ký.
Cả nước hiện có khoảng 109.000 cơ quan, công sở, đơn vị hành chính. Nếu so với số cơ quan, công sở… trong toàn quốc thì số đơn vị được công nhận chiếm tỷ lệ 22,5% vượt kế hoạch năm 2016 (10%).
Ông Phạm Tất Dong cũng khẳng định, phong trào thi đua thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg trong cả nước là khá sôi động. Tại mọi tỉnh, thành nhân dân đều tích cực hưởng ứng chủ trương này. Hơn nữa, các địa phương đã biết tận dụng khí thế và áp dụng kinh nghiệm xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học để thúc đẩy thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Vì thế, số lượng các mô hình học tập được công nhận trong năm 2016 là rất lớn, phản ánh xu thế tích cực, chuyển thi đua xây dựng mô hình hiếu học và khuyến học sang mô hình học tập. Nhiều tỉnh, thành đã vượt chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập năm 2016 như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Về kết quả chỉ đạo điểm xây dựng mô hình công động cấp xã, GS.TS. Phạm Tất Dong cho hay, theo báo cáo của 41 tỉnh, thành Hội Khuyến học địa phương, đã có 2.891 đơn vị hành chính cấp xã đăng ký cộng đồng học tập cấp xã, chiếm 19,94%.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa rất phấn khởi thấy rằng Hội khuyến học các tỉnh, thành đã chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh, thành chăm lo đến sự nghiệp phát triển giáo dục, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 44 tại địa phương, tổ chức hội nghị tập huấn để quán triệt thông tư và hướng dẫn việc tổ chức giám sát, đánh giá, xếp loại, thu thập minh chứng và cho điểm theo 15 tiêu chí đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị
“Có thể khẳng định, đây là những tiền đề, những thuận lợi cơ bản, hết sức quan trọng trong việc triển khai đại trà mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã trên toàn quốc”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và Hội khuyến học Việt Nam, việc triển khai thực hiện các mô hình học tập theo quyết định 281-QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư 44 sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt với tổng số tiền hơn 27 triệu đồng.
Khánh Hồng