TPHCM:

Nhiều học sinh giỏi “rớt hạng” khi vào cấp 3

Suốt 9 năm học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng khi chuyển cấp vào lớp 10, nhiều học sinh TP HCM “rớt” xuống hạng khá, thậm chí trung bình.

Số liệu thống kê kết quả loại học lực học kỳ 1, năm học 2009 - 2010 của Sở GD-ĐT TPHCM mới đây cho thấy, số học sinh lớp 9 đạt khá giỏi 57,67% (ở năm học 2008 - 2009) nhưng khi vào lớp 10 năm học này chỉ còn khoảng 38%, (giảm gần 20%). Đặc biệt, số học sinh lớp 9 yếu kém ở năm học trước là 9,3%, khi vào lớp 10 đã tăng lên gần 25%. 

Nhiều học sinh giỏi “rớt hạng” khi vào cấp 3 - 1
Nhiều học sinh giỏi bậc phổ thông "rớt hạng" khi lên lớp 10 vì chưa quen với môi trường dạy và học mới.
 
“Tụt hạng” không phải do lười học
 
Nguyễn M.N., học sinh lớp 11A17, THPT Phú Nhuận, cho biết: “Suốt 9 năm học phổ thông đều là học sinh giỏi, nhưng từ năm lớp 10 đến giờ, chỉ đạt loại khá, có học kỳ còn suýt nữa xuống trung bình”. Cùng chung cảnh ngộ này, Thụy Vy, cựu học sinh giỏi của THCS Cầu Kiệu, hiện là học lớp 11 THPT Phú Nhuận giải thích: “Nhiều học sinh lên cấp III phải mất cả một học kỳ năm lớp 10 mới có thể làm quen được cách giảng bài của thầy cô. Vì vậy, việc tụt hạng không phải là do học sinh lười học”. 

Lý giải nguyên nhân sa sút của nhiều học sinh sau chuyển cấp, ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng THPT Phú Nhuận, phân tích: “Ở cấp II, thầy cô thường có xu hướng cố gắng “dìu” học sinh thi đậu vào lớp 10. Nhưng thực tế, có nhiều em sau đó đã không đủ sức theo chương trình cấp II”. 

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Náo, THPT Nguyễn Khuyến, cho rằng học sinh mới chuyển cấp vẫn quen với lối dạy và học “đọc - chép” và “học vẹt” nên chưa thể bắt nhịp được với cách dạy và học ở bậc THPT. Ngoài ra, thang điểm đánh giá học sinh THPT cũng khác rất nhiều so với bậc THCS.

Băn khoăn về sự “tụt hạng” của nhiều học sinh giỏi, thầy Bùi Hùng Chiến, Hiệu trưởng THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thẳng thắn nhận xét: “Thành tích học tập ở cấp 2 của nhiều HS không khéo là ảo. Đơn cử tại trường tôi, đầu năm tiến hành kiểm tra các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, chỉ có 20 % học sinh đạt điểm 8 trở lên, còn lại toàn điểm yếu kém”.

Xem lại cách đánh giá học lực ở bậc THCS
 
Trước tình trạng học sinh THCS không theo kịp cách dạy và học ở bậc THPT, nhiều trường đã tiến hành “phân loại” học sinh ngay từ đầu vào lớp 10. Theo ông Hoàng Minh Thịnh, Hiệu phó chuyên môn THPT Lê Qúy Đôn, giáo viên cần phân loại học sinh và có kế hoạch phụ đạo, giúp đỡ cho học sinh yếu kém, cũng như phát hiện những bất thường đối với học sinh khá, giỏi. Ông Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thái Bình, cũng cho rằng, giai đoạn chuyển tiếp lên cấp III, học sinh vẫn chưa quen môi trường học tập mới cũng như phương pháp dạy của thầy cô. Do đó, giáo viên cần dạy ở tốc độ vừa phải để giúp học sinh làm quen dần. 

Hiệu trưởng các THPT đều khẳng định, phải xem lại cách đánh giá học lực của học sinh bậc THCS cũng như phân luồng học sinh ngay từ cuối cấp, nếu không, các trường THPT lại phải hứng lấy trách nhiệm khá nặng nề vì học sinh “ngồi sai lớp”. 
 
Số liệu thống kê kết quả học kỳ 1, năm học 2009-2010 của Phòng Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho thấy, không chỉ tỷ lệ học sinh giỏi lớp 10 giảm mạnh, tỷ lệ học sinh yếu kém gia tăng đáng lo ngại mà tình hình học sinh (khối 10, 11, 12) thôi học trong học kỳ 1 cũng đáng quan tâm. Trong 1.557 học sinh thôi học trong HK1 này, có 674 học sinh nghỉ học do học lực yếu kém (chiếm 43,28%). Điều này chứng tỏ sự đánh giá kết quả học tập cuối cấp của bậc THCS chưa thật sự khách quan.

Theo Nguyễn Thủy
Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm