Nhân lực ngành sư phạm: “Trả học phí không quan trọng bằng đầu ra”

“Nói chung việc có hay không trả học phí không quan trọng, quan trọng là đầu ra của họ như thế nào.” Đó là chia sẻ của giáo sư Nor Aishanh Buang (Đại học Kebangsaan, Malaysia) về vấn đề bỏ hay duy trì việc miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm đang gây tranh cãi tại Việt Nam.

Khó khăn về việc làm đã khiến ngành sư phạm khó thu hút người học. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khó khăn về việc làm đã khiến ngành sư phạm khó thu hút người học. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giống như Việt Nam, tại Malaysia, học phí của sinh viên sư phạm cũng do Nhà nước chi trả. Trong khi tại Việt Nam, các trường sư phạm rất khó khăn để tuyển sinh với điểm chuẩn ngày càng giảm, thậm chí có ngành còn không tuyển được sinh viên vào học, thì ở Malaysia, tỷ lệ "chọi" vào ngành sư phạm rất cao, ở mức 1/10, và sinh viên muốn học sư phạm phải qua thi tuyển khắt khe.

Theo Giáo sư Nor Aishanh Buang, bí quyết để có thể thu hút được người học là nhà nước đã có chế độ đãi ngộ rất tốt. Tại Malaysia, sinh viên sư phạm không chỉ được miễn học phí mà còn được đảm bảo về đầu ra, được phân công công tác về các trường.

Để làm được điều này, số lượng sinh viên sư phạm được hàng năm được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn nhất định để tương ứng với nhu cầu sử dụng. Với số lượng sinh viên được kiểm soát chặt chẽ và đúng chỉ tiêu yêu cầu cũng giúp cho nguồn ngân sách cấp miễn học phí cho sinh viên không bị lãng phí. Việc đào tạo vì thế cũng được đảm bảo hơn về chất lượng.

“Ở Việt Nam thì khác, ai cũng có thể học sư phạm miễn là họ vượt qua kỳ thi và đầu ra không được đảm bảo nên việc theo học sư phạm không hấp dẫn và học sinh có nhiều lựa chọn,” bà Nor Aishanh Buang nhận định.

Cũng theo giáo sư Nor Aishanh Buang, một điểm khác nữa ở Malaysia là giáo viên được chia làm nhiều cấp bậc khác nhau để giáo viên có thể thăng cấp và lương tăng lên. Hiệu trưởng của trường tốt, thành công thì có thể ngang giáo sư, phó giáo sư tại các trường đại học.

“Chế độ đãi ngộ tốt là cách để Malaysia có thể thu hút được nhân tài cho ngành giáo dục,” giáo sư Nor Aishanh Buang nói.

Giờ học của thầy và trò trường Đại học Sư phạm. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)
Giờ học của thầy và trò trường Đại học Sư phạm. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Tại Singapore, sư phạm cũng là một ngành học có sự cạnh tranh lớn và luôn thu hút được những học sinh, sinh viên ưu tú nhất. Chính phủ Singapore cũng miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thậm chí sinh viên còn được nhận trợ cấp bằng 60% mức lương khởi điểm của giáo viên. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là giống như Malaysia, sinh viên sư phạm tại quốc đảo sư tử này cũng được đảm bảo về đầu ra.

Theo phó giáo sư Chew Hung Chang, Viện Giáo dục quốc gia Singapore, hàng năm các trường phổ thông sẽ cung cấp số liệu giáo viên thừa, thiếu ở các môn học của trường mình. Những số liệu thực tế này là cơ sở để Viện Giáo dục Quốc gia và Bộ Giáo dục Singapore đưa ra chỉ tiêu tuyển mới cho từng năm.

Viện Giáo dục Quốc gia cũng là đơn vị duy nhất ở Singapore được đào tạo giáo viên. Vì thế, việc kiểm soát số lượng là rất chặt chẽ và ở Singapore không có tình trạng thừa- thiếu giáo viên như ở Việt Nam.

Một khảo sát tại Singapore năm 2012 cho thấy giáo viên là nghề được trẻ em lựa chọn đầu tiên, sau đó là bác sỹ, phi công công hay tiếp viên hàng không. Có đến 88% giáo viên ở đảo quốc sư tử hài lòng với sự nghiệp của họ.

Tại Đức, theo tiến sỹ Nguyễn Văn Cường (Đại học Potsdam), chính phủ không kiểm soát chặt chẽ và hạn chế chỉ tiêu ngành sư phạm khắt khe như tại Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, hàng năm, Tổng cục thống kê của Đức luôn công bố nhu cầu nhân lực của các ngành, trong đó có nghề giáo viên, để người học có thể tham khảo khi quyết định chọn ngành học. Vì thế, không có chuyện thừa, thiếu giáo viên như ở Việt Nam.

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 27/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đã đến lúc ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều đó, phải rà soát đội ngũ của từng địa phương, đưa ra con số chính xác về nhu cầu giáo viên và cam kết sử dụng sau khi đào tạo.

Về việc này, Bộ sẽ có trách nhiệm cùng làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra.

“Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu. Các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp,” ông Nhạ nói.

Theo Phạm Mai

TTXVN