Nhà tuyển dụng mê mệt nhân sự Gen Z ở điểm nào?

Hoài Nam

(Dân trí) - Không phải là những lời phàn nàn quen thuộc, Gen Z là nguồn nhân lực mà nhiều nhà tuyển dụng mê mệt vì những ưu điểm nổi bật khó thấy ở các thế hệ khác.

Lười biếng, thiếu kỷ luật, không kiên trì, dễ bỏ cuộc, bồng bột, xốc nổi hay cả việc bật lại sếp… là những đánh giá phải nói khá quen thuộc về thế hệ Gen Z (lứa tuổi sinh năm 1997 đến 2012) xuất hiện không chỉ trong các phát biểu cá nhân mà còn trong nhiều khảo sát, nghiên cứu.

Tuy nhiên, một góc nhìn khác về nguồn nhân lực Gen Z được các nhà tuyển dụng đề cập tại tọa đàm "Sinh viên, học sinh đối thoại cùng CEO" trong khuôn khổ chương trình ngày hội tuyển dụng của Trường Đại học Tài chính Marketing.

Nhà tuyển dụng mê mệt nhân sự Gen Z ở điểm nào? - 1

Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao những lợi thế của nhân sự Gen Z (Ảnh: Hoài Nam).

Bên cạnh những hạn chế, đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá cao nguồn nhân lực Gen Z, thế hệ này có những ưu điểm nổi bật.

TS Đinh Mộng Kha, CEO Vietguys, cho hay thế hệ GenZ có thứ mà những người ngồi ở đây không có là tuổi trẻ, hoài bão và cả sự sáng tạo. Các bạn có cá tính và khả năng làm chủ cuộc chơi lớn hơn rất nhiều so với các thế hệ trước.

Thế hệ trước ở thời đại chưa có internet hoặc internet chưa phát triển, theo bà Kha điều mọi người phải bận tâm nhiều nhất chính là cái ăn mặc nên có thể dẫn đến động lực sáng tạo không được như các bạn trẻ hiện nay.

Nói về những đặc điểm bồng bột, xốc nổi của các bạn trẻ thường được nói đến, TS Kha bày tỏ, ở thế hệ nào tuổi trẻ cũng có cũng những giây phút như vậy. Có chăng giờ đây là thời đại bùng nổ thông tin, còn trước đây "tôi cũng như vậy nhưng ít ai nhắc đến, nói đến".

"Tôi nói vậy không phải để bênh Gen Z, các bạn cũng có những bài học cần vượt qua. Nhưng xét về mặt tổng quan, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, marketing tôi đang làm, luôn cần và có sự ưu tiên với lực lượng lao động trẻ.  Không chỉ Gen Z mà giờ đã phải nhìn đến thế hệ sau Gen Z là Gen Alpha.

Làm việc với thế hệ trẻ, chúng ta cần chuẩn bị nhiều cho việc làm sao để thích ứng cùng họ hơn là nhìn nhận ở góc độ tiêu cực", TS Đinh Mộng Kha nhấn mạnh.

Nhà tuyển dụng mê mệt nhân sự Gen Z ở điểm nào? - 2

Các chuyên gia chia sẻ về lợi thế của nhân lực Gen Z (Ảnh: Hoài Nam).

Cùng quan điểm, ông Võ Minh Tân, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM, cho hay Gen Z là thế hệ sinh ra đã có internet, sinh ra và lớn lên đi cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Lợi thế này giúp các bạn trở nên rất nhạy bén, rất sáng tạo cũng như có đầy đủ điều kiện và kỹ năng để làm việc, để cống hiến

Với ưu điểm này, ông Tân cho rằng, nếu thế hệ trẻ khuôn khổ, kỷ luật hơn, đặc biệt khi nắm bắt được định hướng đúng đắn, họ sẽ làm được rất nhiều việc cho chính bản thân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Kinh nghiệm đến từ… cơm cha áo mẹ

"Sinh viên ra trường chưa có kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp lại tuyển người… có kinh nghiệm. Sinh viên lấy đâu ra kinh nghiệm?", câu hỏi quen thuộc này vẫn được nhiều bạn trẻ đặt ra. 

Bà Nguyễn Lê Bảo Huyền, đại diện khách sạn Sofitel Saigon cho biết, không doanh nghiệp nào đòi hỏi sinh viên mới ra trường làm được mọi việc như một nhân viên có kinh nghiệm. 

Kinh nghiệm muốn nói ở đây đến từ cơm cha áo mẹ, đến từ ngay trong sinh hoạt và học tập hàng ngày của các bạn. Điều này thể hiện qua trong quá trình học, bạn đi thực tập không? Các bạn thực tập bao lâu? Thực tập với tinh thần như thế nào?...

Nhà tuyển dụng mê mệt nhân sự Gen Z ở điểm nào? - 3

Sinh viên tại TPHCM ở ngày hội việc làm (Ảnh: Hoài Nam).

"Chỗ làm việc có những tiêu chuẩn và nguyên tắc nhất định. Đi làm, ăn uống cần đúng giờ chứ không phải thích là đi, không thích là nghỉ. Điều doanh nghiệp cần ở các bạn đầu tiên là ý thức, tinh thần kỷ luật hơn là việc bạn biết làm việc đó hay không", bà Huyền nói.

Ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc chi nhánh Thủ Đức - tập đoàn Thiên Khôi, nêu quan điểm hai từ "kinh nghiệm" mang hàm nghĩa rất rộng. Ngay từ nhỏ từ việc ăn uống, đi đứng, tham gia giao thông, ứng xử… hay bất cứ hoạt động nào đều cần đòi hỏi có kinh nghiệm.

Với sinh viên, các bạn chủ yếu ở môi trường học tập, chưa có nhiều trải nghiệm là việc bình thường.

Vị giám đốc nhấn mạnh: "Nhà tuyển dụng sẽ không yêu cầu ở các bạn kinh nghiệm nghề nghiệp cao nhưng khi đến bất kỳ doanh nghiệp nào, các bạn nên tìm hiểu kỹ về nơi đó, về các vị trí công việc. Như bản thân tôi, điều tôi quan trọng nhất là thái độ của ứng viên rồi mới đến trình độ".

Trước giải đáp này, một sinh viên hỏi tiếp: "Em đúng giờ, em ăn mặc lịch sự nhưng em không có kinh nghiệm thì các anh chị có tuyển không?".

Ông Trương Anh Tuấn, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng - TPHCM, chia sẻ các cụ đã nói "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già", sự phát triển của con người theo tuần tự "sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông". Các bạn trẻ không cần quá nặng nề việc mình có kinh nghiệm hay không.

Tại Vietcombank, ông Tuấn thông tin rất nhiều đợt tuyển dụng ghi rõ "tuyển dụng nhân viên chưa có kinh nghiệm", con số này chiếm đến 70-80%.

"Ứng viên không có kinh nghiệm cũng là lợi thế khi các bạn như tờ giấy trắng, có thể "vẽ lên các bạn" văn hóa doanh nghiệp. Ở lĩnh vực ngân hàng, điều quan trọng hàng đầu là đạo đức rồi đến thái độ làm việc, còn kinh nghiệm sẽ đến khi các bạn va chạm với thực tế, được hướng dẫn, hỗ trợ", người này nhắn nhủ.