Trường cực hot từng "chê" thí sinh dưới 1,5m, sau phải gỡ bỏ quy định

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Trước Trường Quản trị và Kinh doanh, từng có trường đại học tại TPHCM đưa quy định về chiều cao nữ sinh phải từ 1,50m, nam từ 1,55m trong phương án tuyển sinh dự kiến.

Sự việc Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa quy định về chiều cao trong tuyển sinh năm học 2024-2025 nữ phải cao 1,58m trở lên, thí sinh nam trên 1,65m kéo theo nhiều tranh cãi, ý kiến.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định này ảnh hưởng đến cơ hội học tập ở lĩnh vực không mang tính đặc thù bắt buộc về thể chất.

Trường cực hot từng chê thí sinh dưới 1,5m, sau phải gỡ bỏ quy định - 1

Điều kiện yêu cầu về chiều cao trong đề án tuyển sinh của Trường Quản trị và Kinh doanh gây tranh cãi (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Lý giải của trường, trường hướng đến đào tạo thế hệ sinh viên có đủ điều kiện và có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống cho nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.

Ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, theo nhà trường sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hình thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tự tin của các cử nhân của trường, tương lai sẽ là các nhà lãnh đạo, quản trị.

Trước Trường Quản trị và Kinh doanh, vào năm 2019, phương án tuyển sinh dự kiến của Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng đưa ra điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên.

Cụ thể, nữ cao từ 1,50m trở lên, nam phải cao từ 1,55m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m và nặng 45 kg trở lên.

Theo nhà trường, điều kiện này phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp nhằm đón đầu những đòi hỏi của xã hội, những mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, đảm bảo sức khỏe đảm trách công việc dạy học…

Thời điểm đó, đại diện trường cũng cho biết, điều này được xem xét từ các yếu tố như đề án tổng thể về phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020; số liệu về chiều cao trung bình của người Việt Nam; dựa vào quy định về y tế vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe; dựa trên quy định bảng treo ở lớp học…

Quy định "giáo viên chân dài đứng lớp" của trường lập tức nhận về nhiều phản ứng cho rằng việc đưa chiều cao vào tuyển sinh sư phạm là không phù hợp, không cần thiết có thể ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người giỏi vào ngành sư phạm. 

Tiếp thu và lắng nghe những ý kiến đóng góp, ngay lập tức Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã bỏ điều kiện về chiều cao khỏi đề án tuyển sinh dự kiến của trường.

Liên quan đến điều kiện không tuyển người thấp bé của Trường Quản trị và Kinh doanh, mới đây Bộ GD&ĐT đã "tuýt còi" đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội khẩn trương chỉ đạo trường Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024.

Trong đó, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh trường phải tuân thủ và đảm bảo không để thí sinh nào mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh), hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Liên quan đến vấn đề trường học đưa yêu cầu về chiều cao, đại diện từ Bộ GD&ĐT cũng cho biết, theo quy định tại Điều 13 của Luật giáo dục về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, thứ nhất, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Bên cạnh đó, nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Trường cực hot từng chê thí sinh dưới 1,5m, sau phải gỡ bỏ quy định - 2

Tiêu chí chiều cao trong những ngành nghề không mang tính đặc thù có thể ảnh hưởng đến cơ hội học tập của học sinh (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Ngoài ra, nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.

Được biết, Trường Quản trị và Kinh doanh đã điều chỉnh đề án tuyển sinh đại học 2024, bỏ tiêu chuẩn về chiều cao ở các ngành quản trị doanh nghiệp và công nghệ, marketing và truyền thông, quản trị nhân lực và nhân tài. Riêng ngành quản trị và an ninh, trường vẫn giữ yêu cầu chiều cao nữ từ 1,58m, nam từ 1,65m.