Nhà trường có thể đổi sách giáo khoa nếu thấy không phù hợp
(Dân trí) - Nếu nhiều cơ sở giáo dục phổ thông kiến nghị sách giáo khoa được lựa chọn không phù hợp, UBND tỉnh sẽ lựa chọn lại sách giáo khoa để thay đổi trên toàn tỉnh.
Trên đây là nội dung trong Dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT vừa ban hành nhằm điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách thuộc UBND tỉnh, thay vì cơ sở giáo dục như Thông tư trước.
Mỗi môn học lập một hội đồng
Theo dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh thành phố sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để giúp Ủy ban tổ chức lựa chọn sách.
Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng. Thành viên trong hội đồng này bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Số lượng thành viên tối thiểu là 15, là số lẻ và yêu cầu bắt buộc ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được UBND cấp tỉnh thành lập mới theo từng năm, đảm bảo số thành viên đã tham gia Hội đồng những năm trước chiếm ít nhất 1/3 tổng số.
Có thể chọn một hay nhiều bộ sách
Sách giáo khoa được lựa chọn theo nguyên tắc: chỉ lựa chọn sách thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Mỗi môn học và hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn 1 đầu sách. Việc lựa chọn này phải đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều này có nghĩa mỗi tỉnh có thể chọn sách giáo khoa cho toàn tỉnh hoặc các địa bàn khác nhau trong tỉnh.
Tức là, cùng một môn học, mỗi tỉnh có thể chọn nhiều sách giáo khoa phù hợp với các địa bàn của tỉnh hoặc chọn 1 đầu sách giáo khoa để dùng chung cho các trường phổ thông trên toàn tỉnh.
Ngoài SGK chính thức, giáo viên và học sinh có thể sử dụng các sách giáo khoa khác đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để tham khảo để tránh lệ thuộc.
Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất danh mục SGK
Dự thảo Thông tư cũng đưa quy trình để cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách.
Tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục phổ thông nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa; Báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục theo thứ tự lựa chọn từ cao xuống thấp.
Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.
Việc thảo luận này có tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh và lựa chọn từ cao đến thấp.
Hội đồng sau đó họp thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất và bỏ phiếu kín lựa chọn.
Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt 2/3 số phiếu đồng ý trở lên.
“Trường hợp sách giáo khoa không đạt 2/3 số phiếu đồng ý trở lên, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Sau lần bỏ phiếu thứ hai nếu vẫn không đạt 2/3 số phiếu đồng ý trở lên, Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn nhiều nhất.
Bước thứ 5, Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở GD&ĐT, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Có thể thay đổi SGK
Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa có nội dung quy định, nếu nhiều cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị về việc sách giáo khoa được lựa chọn không phù hợp, UBND cấp tỉnh sẽ quy định việc lựa chọn lại sách giáo khoa để thay đổi trên toàn tỉnh.
Hoặc một số cơ sở giáo dục phổ thông thấy sách giáo khoa không phù hợp với đơn vị mình, có thể kiến nghị thay đổi.
Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét và tổ chức lựa chọn bổ sung để phù hợp với kiến nghị.
Quỳnh Nguyễn