Nhà báo Trần Đăng Tuấn nêu ý kiến về trường học - giáo viên - biên chế
(Dân trí) - “Xóa biên chế mà chưa xây dựng được các cơ sở cho sự tự chủ thực chất của các trường học là sự khiên cưỡng và khó có thể có thành công trên diện rộng được.” - ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn.
1- Chúng ta hiện có hai loại trường học: Công lập và Tư thục. Nhưng về lý thuyết (và phần nào trong thực tiễn) có nhiều hình thức sở hữu và vận hành trường học khác nhau:
- Trường hình thành do đầu tư công và được vận hành qua quản lý công (A)
- Trường hình thành do đầu tư tư nhân và do tư nhân quản lý (B)
- Trường hình thành từ nguồn đầu tư của tư nhân nhưng vận hành bới quản lý công (Tư nhân bỏ tiền xây dựng, mua sắm thiết bị, tài trợ kinh phí nhưng giao Nhà nước quản lý, vận hành như trường công). Tạm gọi là C.
Mô hình này ở dạng trọn vẹn như thế nước ta hình như chưa có, nhưng việc các tư nhân và tổ chức kinh tế ủng hộ tài chính cho việc xây dựng trường lại khá phổ biến.
- Trường do nhà nước và tư nhân cùng đầu tư và chi trả, giao cho tổ chức hỗn hợp công-tư quản lý vận hành (D)
- Trường được nhà nước đầu tư và cấp kinh phí nhưng giao cho tư nhân quản lý vận hành (E). Có lẽ chưa có mô hình này ở nước ta.
2- Hình dung tại thành phố X của ta, giả sử số trường hiện có (và phải hình thành cho đủ) là 10 trường học (con số thuần tuý tiện để minh họa). Trong đó hiện đang có 1 trường tư. 9 trường còn lại, thông thường như hiện nay, sẽ là trường công. Nhưng ngân sách công chỉ đủ để đầu tư tốt và trả lương giáo viên tốt cho 6 trường. Bắt buộc phải rải kinh phí cho cả 9 trường và câu chuyện về chất lượng trường sở, đời sống giáo viên vẫn tiếp tục gay gắt.
3- Ta thử suy nghĩ theo hướng sau:
- Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích để tư nhân lập thêm một trường B, thành 2/10 trường. Số trường ngân sách công vẫn cần phải lo là 8.
- Chính quyền vận động các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cả các định chế quốc tế... ủng hộ, đầu tư, đảm bảo kinh phí cho một trường C hoạt động. Số trường còn phải lo là 7.
- Nhà nước vận động tư nhân, tổ chức kinh tế hay nhân dân ở địa bàn tham gia hợp tác với 1 trường D, theo mô hình: Đất đai, chi phí xây trường lớp, một phần chi phí khác nhà nước lo. Các thành phần trên trong xã hội lo cấp tiền chi thường xuyên cho trường, trong đó chủ yếu là chi trả lương cho giáo viên ở mức thu hút được người dạy học tốt. Quản lý do một hội đồng có cả thành phần nhà nước và đại diện các nhà đầu tư khác của trường thực hiện. Nguồn thu từ học phí sẽ để lại nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ các chi phí do các nhà đầu tư bỏ ra.
Như vậy số trường nhà nước phải nuôi hàng ngày bằng ngân sách giảm xuống còn 6.
- Trong 6 trường A còn lại, thí điểm hình thức giao 1 trường nhà nước đầu tư, sở hữu, nhưng giao cho tư nhân vận hành (Trường E). Việc này không dẫn đến giảm được ngân sách công đầu tư công cho giáo dục nhưng là đối chứng về quản lý để thúc đẩy nâng cao chất lượng vận hành.
4- Làm được như thế, hy vọng là có tác động tích cực:
- Đầu tư công cho giáo dục sẽ thoả đáng hơn kể cả về cơ sở vật chất, cả về lương bổng giáo viên. Thoát tình trạng lực bất tòng tâm không đủ sức để đầu tư như nhu cầu đòi hỏi.
- Tạo ra sức ép cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu. Sẽ dễ hơn để cải biến cách vận hành của trường công.
- Vấn đề "biên chế" hay hợp đồng đối với giáo viên tự nó nhạt dần đi và rồi sẽ đến lúc không còn là cái phải đau đầu nữa. Xoá biên chế mà chưa xây dựng được các cơ sở cho sự tự chủ thực chất của các trường học là sự khiên cưỡng và khó có thể có thành công trên diện rộng được.
Đây là suy nghĩ cá nhân, nếu không hữu dụng xin thông cảm.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn