Nguyện vọng 2 không phải nguyện vọng “vớt”

Sau khi bộ GD-ĐT công bố điểm sàn (đại học khối A,D là 13; khối B,C là 14, các trường cao đẳng với các khối tương ứng giảm 3 điểm) các trường đều đã công bố điểm chuẩn.

 
Nguyện vọng 2 không phải nguyện vọng “vớt” - 1

Thí sinh xem kết quả điểm thi. (Ảnh: GDTĐ)

 

 

Cao vẫn cao - thấp vẫn thấp

 

Những trường thuộc tốp trên năm nay điểm chuẩn có thấp hơn so với năm trước từ 1 - 2 điểm. Nhưng điểm chuẩn NV1 của những trường này khiến thí sinh có điểm thi trung bình khó có cơ hội. Trường ĐH Ngoại thương lấy điểm khối A năm nay cao nhất là 25 điểm (hơn 8 điểm/môn thi) đối với ngành Kinh tế đối ngoại; Tài chính quốc tế. Với mức điểm này, thí sinh khá cũng không thể đậu. Khối D1 của trường này thì điểm chuẩn có thấp hơn nhưng vẫn trung bình từ 7 điểm/môn thi.

 

Các ngành thuộc khối Y dược năm nay có giảm hơn năm trước nhưng điểm vẫn ở hạng rất cao. Ngành Bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TPHCM nếu lấy 27 điểm như năm trước thì chỉ có 75 thí sinh đỗ, trong khi, chỉ tiêu là 430. Do đó, điểm chuẩn vào Bác sĩ đa khoa của trường là 25,5. Ngành lấy điểm cao nhất của trường là Dược sĩ (đại học) với 26 điểm.

 

Trường ĐH Y Hà Nội năm nay điểm chuẩn cũng giảm đáng kể. Điểm chuẩn cao nhất vẫn thuộc về ngành Bác sĩ đa khoa với 25,5 điểm (giảm 2 điểm so với năm 2008). Bác sĩ răng hàm mặt có điểm chuẩn 25 điểm. Ngành thấp điểm nhất của trường là Y tế công cộng với 16 điểm. Theo lãnh đạo nhà trường, năm nay, trường dành 200 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách.

 

Để vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh thi khối A phải đạt trung bình 7,5 điểm/môn trở lên, còn vào được khối D1, thí sinh cũng phải đạt trung bình 7 điểm/môn. Điểm chuẩn Trường ĐH Bách khoa tương đương năm ngoái, do đó, thí sinh đạt trung bình 7 điểm/môn sẽ đậu khối A (điểm chuẩn 21); điểm chuẩn khối D là 24 (đã nhân hệ số). Đối với Trường ĐH Hà Nội, điểm chuẩn vào trường không thấp hơn năm 2008 do bảng điểm của thí sinh rất đẹp, thấp nhất 18 điểm. Trường cũng không tuyển NV2.

 

Trong khi đó, điểm chuẩn các trường tốp dưới chỉ dừng ở mức sàn trở lên. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất miền Bắc (hơn 54.000) nhưng phổ điểm chuẩn vào trường rất rộng từ 15 đến 23 điểm. Trường ĐH Mở TP. HCM lấy từ điểm sàn của Bộ. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng không ngoại lệ. Những trường này còn dành rất nhiều chỉ tiêu để lấy NV2.

 

NV2: Không phải là NV “vớt”

 

Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT, năm nay, Bộ sẽ xác định ba loại điểm: mức điểm sàn xét tuyển đại học và điểm sàn cao đẳng đối với kết quả thi theo đề đại học (thi đợt 1 và đợt 2), mức điểm tối thiểu đối với kết quả thi theo đề cao đẳng chung (đợt 3). Tuy nhiên, tâm lý chung của thí sinh thường ưu tiên và dành tâm sức cho các trường NV1. Nếu không đỗ, NV2 chỉ là bến đỗ “tạm thời” do những trường xét NV2 thường là những trường ngoài công lập và thuộc tốp dưới. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, nhiều trường công lập đã tuyển NV2 để “hứng” những thí sinh có điểm cao nhưng trượt NV1.

 

Năm nay, trong tổng chỉ tiêu tuyển mới vào ĐHQG Hà Nội là 5.710, ĐHQG dành từ 15 - 20% chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào các ngành thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm ngoái các trường thành viên đều có tỉ lệ NV2 lớn hơn con số trên. Trường ĐH KHTN đã phải dành tới 543 chỉ tiêu NV2 (chủ yếu xét tuyển khối A) trong số 1.380 chỉ tiêu, số lượng lớn nhất là ngành Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học với  87 chỉ tiêu, tiếp đến là các ngành Địa kỹ thuật - Địa môi trường 59, Địa lý 56… Mặc dù điểm sàn năm nay có thấp hơn, song số chỉ tiêu NV2 của trường này vẫn lên tới 348.

 

Với điểm vào trường dao động từ 15 đến 28, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển thêm 220 chỉ tiêu NV2 vào 8 ngành học. Với Trường ĐH Thăng Long, căn cứ vào phổ điểm đã chấm, năm nay điểm chuẩn vào trường với hai khối A, D là 15 điểm, tương đương năm ngoái. Đối với NV2, các trường khu vực phía Nam và các trường thuộc top dưới thường rộng cửa hơn các trường khu vực phía Bắc. Dù vậy, do quy định điểm NV2 thường cao hơn hoặc bằng điểm NV1 nên các trường thường thiếu nguồn tuyển.

 

Theo quy định của Bộ GD - ĐT, các trường ĐH có dự kiến điểm trúng tuyển đợt 1 thấp dưới 15 điểm (khối A, D), 16 điểm (khối B và C), cần dành khoảng 15 - 20% chỉ tiêu để xét tuyển đợt 2, đợt 3. Như vậy, cửa vào NV2, NV3 năm nay vẫn rất rộng đối với những thí sinh có điểm trên mức sàn.

 

 

Theo ông Ngô Kim Khôi, những thí sinh không trúng tuyển NV1 sẽ được trường tổ chức thi cấp 2 phiếu chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2, cả đại học và cao đẳng. Hồ sơ xét tuyển NV thí sinh phải nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, khi nộp hồ sơ thí sinh lệ phí đăng ký dự tuyển 15.000 đồng. Lưu ý: không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tuyển tại trường.

 

Thí sinh không nộp bản photo giấy chứng nhận kết quả thi mà phải nộp giấy kết quả chính có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi để xét tuyển. Các trường chỉ thống kê và xây dựng bản đồ trúng tuyển sau khi kết thúc thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, tức là hết lịch làm việc của tuyến bưu điện huyện ngày 10/9. Để đảm bảo công bằng cho thí sinh, các trường sẽ không xét tuyển qua mạng Internet. 

 

 

Theo Sinh Viên Việt Nam