Nguyện vọng 2 có được xét công bằng với nguyện vọng 1?
(Dân trí) - Trên các diễn đàn thời điểm này, nhiều thí sinh bày tỏ thắc mắc: "nếu trượt NV1 và phải xét NV2, thí sinh có được xét công bằng với các bạn đặt NV1 vào cùng ngành/trường đó không".
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT đảm bảo sự công bằng tối đa
Trao đổi với Dân trí về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, nếu chưa trúng tuyển những nguyện vọng cao và trúng tuyển ở nguyện vọng xếp vị trí sau, thí sinh không mất đi quyền lợi nào so với các bạn khác đăng ký vào cùng ngành đó, trường đó nhưng xếp nguyện vọng cao hơn.
"Ví dụ, em không đỗ nguyện vọng 1 (NV1), xét đến NV2. Nhưng nếu điểm em cao hơn, em vẫn trúng tuyển trước các bạn xếp NV1 vào ngành em đặt NV2, tất cả đều công bằng. Sự ưu việt trong hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT là không làm mất đi cơ hội của thí sinh, dù các em sắp xếp nguyện vọng ở vị trí thứ mấy", PGS Thủy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS Thủy cũng lưu ý, các em đã trúng nguyện vọng phía trên sẽ không được xét đến nguyện vọng dưới. Bởi vậy, thí sinh phải nghiên cứu rất kỹ, từ tổ hợp xét tuyển đến mã ngành, mã trường; việc đăng ký phải chính xác, không có sai sót. "Một khi đã xếp đúng, các em yên tâm sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất có thể", PGS Thủy nói.
Về câu hỏi "nên sắp xếp nguyện vọng xét tuyển như thế nào để có nhiều cơ hội đỗ vào ngành yêu thích?", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, dù xét tuyển theo phương thức tuyển sinh nào, quan trọng nhất là cách sắp xếp nguyện vọng ưu tiên của thí sinh.
PGS đưa ra lời khuyên, thí sinh hãy dành nguyện vọng cao hơn, nguyện vọng ưu tiên nhất của mình cho ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp muốn theo đuổi trong tương lai và chọn địa điểm đào tạo mà các em yêu thích nhất, mong muốn được vào học tập. Thí sinh không nên lo lắng điểm mình có đủ cao để vào trường đó hay không, vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận cơ hội trúng tuyển.
"Dù các em trúng tuyển theo nguyện vọng thứ 10 thì vẫn được hưởng sự công bằng như các bạn xếp NV1, NV2 vào ngành đó, trường đó. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT với nguyên tắc như vậy chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh, đảm bảo sự công bằng tối đa", PGS Thủy nhấn mạnh thêm.
Không khống chế số lượng nguyện vọng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT chia sẻ, năm nay, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lần đầu tiên quy định với tất cả phương thức xét tuyển, dù vào ngành nào, trường nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng của mình lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Những năm trước đây, chúng ta chỉ sử dụng việc xét tuyển chung với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, đến nay cơ hội đó sẽ dành cho tất cả phương thức xét tuyển. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, bất kể theo phương thức nào.
PGS Thủy hướng dẫn, tuy các phương thức xét tuyển rất đa dạng nhưng nếu thí sinh sắp xếp theo đúng logic, trật tự nhất định, mọi việc sẽ rất đơn giản. Theo đó, ở mỗi ngành học, ngôi trường thí sinh yêu thích sẽ có một số phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu cảm thấy phương thức này chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển, các em có thể chọn phương thức khác vẫn của ngành đó. Hiện các trường đã phân bổ số chỉ tiêu nhất định cho từng phương thức.
Khi đã trúng tuyển đợt xét tuyển sớm của một trường đại học (trúng tuyển có điều kiện), nếu như thực sự mong muốn vào ngành đó, trường đó, thí sinh có thể yên tâm đặt lên NV1 và chắc chắn sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu các em vẫn thích một ngành khác, trường khác thì đừng lo lắng mà hãy đặt nguyện vọng yêu thích lên làm NV1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào môi trường mong muốn. Những nguyện vọng phía sau cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nói trên.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo không khống chế số lượng nguyện vọng, như vậy cơ hội của các em rất cao. Chỉ có điều khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn, rõ ràng những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Lúc đó không thể kiện cáo ai rằng tại sao không thể trúng tuyển NV5 mà lại trúng NV3, đó là do thứ tự ưu tiên nguyện vọng các em lựa chọn", PGS Thủy nói.
PGS Thủy cũng lưu ý, khi lựa chọn nguyện vọng, thí sinh cần đăng nhập vào tài khoản mình đã được cung cấp từ khi dự thi tốt nghiệp THPT. Sau này, duy nhất một nguyện vọng trúng tuyển sẽ được công bố trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Đối với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT những năm trước), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các em cần liên hệ với điểm tiếp nhận tại các địa phương để có được tài khoản giống như thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay. Khi đăng nhập vào hệ thống, các em sẽ lập tức thấy phần hướng dẫn đăng ký nguyện vọng và phải thực hiện đầy đủ quy trình theo hướng dẫn.
PGS Thủy lưu ý thêm với nhóm thí sinh tự do, đến thời điểm này, nếu vẫn chưa có tài khoản để đăng ký nguyện vọng, các em có thể đến Sở GD-ĐT ở địa phương nơi bản thân cư trú, với các điểm tiếp nhận là Phòng GD-ĐT hoặc các trường THPT để được hỗ trợ mở tài khoản đăng ký trực tuyến.
"Năm nay, mọi đăng ký tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, do vậy các em không còn cách nào khác là phải có tài khoản này. Thí sinh yên tâm rằng các thầy cô với tinh thần hỗ trợ cao nhất vẫn liên tục trực các ngày trong tuần để chúng ta liên hệ. Nếu khó khăn vướng mắc, thí sinh có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ GD-ĐT để được giải đáp", PGS Thủy nói
.