Nguyễn Thúc Hào - Một đại trưởng lão trong làng Giáo sư
(Dân trí) - Khi tôi viết những dòng này, vị Giáo sư 97 tuổi, do rất ít khi xuất hiện trên báo đài, nên không mấy ai còn nhớ tới sự nghiệp của ông, trừ những sinh viên của ông ngày trước như Hoàng Tuỵ, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Văn Như Cương...
Một số học trò của ông thời trung học như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Thương... đã ra đi trước thầy. Năm 1946, ông từng giữ chức Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội. Và rồi từ đấy, cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp giáo dục đại học.
Kỳ I: Vị giáo sư từ ngày đầu cách mạng
Chinh phục hạnh phúc
Bertrand Russell, nhà triết học Anh, đã viết cuốn Chinh phục hạnh phúc. Đọc cuốn sách ấy, ta dễ dàng nhận thấy: Nếu mù quáng lao theo đồng tiền, thì con người ắt sẽ lạc bước vào... "mê cung bất hạnh"! B. Russell, tất nhiên, rất biết cách tránh khỏi cái "mê cung" ấy. Ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc, rất dài, tới 98 tuổi, từ năm 1872 đến 1970!
Ông rất gần gũi với nhân dân ta. Trong những năm 60-70 thế kỷ trước, chính ông đã sáng lập Tòa án Quốc tế Bertrand Russel xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Theo ông, phải là người có cuộc đời trong trắng mới mong "chinh phục" được "nàng tiên hạnh phúc trắng trong".
Nghĩ về cuộc đời mẫu mực của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào, tôi lại nhớ tới lời B. Russell:
"Cuộc đời hạnh phúc là cuộc đời đẹp trong. Người hạnh phúc là con người luôn nhận được sự quan tâm và yêu mến của nhiều người khác".
Kẻ bị nhiều người căm ghét, kẻ có cuộc đời ô trọc, thì dù ngồi trên núi vàng, vẫn không hạnh phúc.
Người thầy của những tên tuổi lừng danh
Xã hội truyền thống coi người thầy giáo đáng tôn kính chỉ sau hoàng đế, còn cao hơn cả người cha: quân, sư, phụ. Trong lịch sử nước ta, đã từng có những đấng minh quân: Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông... Và cũng đã có những người thầy phẩm hạnh cao khiết, trí tuệ hơn người như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Văn Siêu, Lương Văn Can...
Thời đại chúng ta, rất may mắn, có được một vị anh hùng dân tộc mẫu mực về đạo đức, kiệt xuất về tài năng: Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng Tám mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Các giáo sư góp công đầu xây dựng nền Giáo dục đại học Việt Nam ta quả là những gương mặt tiêu biểu, cả về đạo đức và tài năng. Ngành y - dược có Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đỗ Xuân Hợp... Ngành văn - sử có Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu... Nhìn sang ngành toán - lý, ta thấy Nguyễn Xiển, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thúc Hào...
Những vị giáo sư đầu tiên mà tôi vừa nhắc tới, nay hầu hết đã trở thành "người thiên cổ"! Tên tuổi nhiều vị đã trở thành tên đường phố ở Thủ đô. Chỉ còn sót lại vài ba chiếc "lá ngô đồng buổi mạt thu", như Trần Văn Giàu, Nguyễn Thúc Hào...
GS Nguyễn Thúc Hào đã từng giữ chức Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội, ngay từ những ngày đầu mở nước dân chủ cộng hòa. Về sau, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (Chủ tịch là GS Lê Văn Thiêm). Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh Giáo sư đại học.
Nhiều học trò của thầy Hào về sau đã trở thành những gương mặt khoa học quen thuộc, như: Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đình Tứ, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Văn Như Cương, v.v. Cũng có người trở thành nhà báo như Nguyễn Hữu Chỉnh, hay nhà ngoại giao như Trịnh Ngọc Thái.
Đó là chưa kể các lớp học trò của thầy Hào trong 10 năm thầy dạy tại Trường Quốc học Huế (1935-1945), nhiều người đã trở thành những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi đi vào sử sách như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Thương,..
Có lẽ thầy Hào chưa được công chúng rộng rãi biết tiếng, do thầy đã "ở ẩn" tới 15 năm, khi tình nguyện trở về quê hương xứ Nghệ, đảm đương trọng trách Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Rất đông học trò cũ của GS Nguyễn Thúc Hào đến dự Lễ mừng thọ thầy 90 tuổi, do PGS Văn Như Cương tổ chức tại Lễ đường Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002.
Đỗ thủ khoa vào Quốc học Huế
Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, Cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đỗ Phó bảng.
Nam Đàn núi cao, sông rộng, có đền thờ Mai Hắc Đế dưới chân rú Đụn, có thị trấn Sa Nam mà sự đông vui nhộn nhịp đã đi vào ca dao: Sa Nam trên chợ dưới đò/Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên.
Năm 722, Mai Thúc Loan phất cao cờ nghĩa, lật đổ ách đô hộ của Hoàng đế Huyền Tông nhà Đường.
Đến thế kỷ 20, cũng chính mảnh đất này đã sinh ra hai bậc vĩ nhân: Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.
Năm 1924, mới 12 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Thúc Hào thi đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế. Cùng dự thi có người bạn Võ Nguyên Giáp.
Về sự việc này, có lần GS Hào kể với tôi:
- Khi thi vào Trường Quốc học Huế, tôi đỗ đầu, anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Nhưng, khi vào học, thì anh Giáp đứng đầu lớp, tôi đứng thứ hai. "Học tài, thi phận" mà! Học cùng nhau trong một thời gian dài, mới bộc lộ hết cái tài của từng người. Rõ ràng anh Giáp thông minh hơn, học giỏi hơn tôi. Anh Giáp nhiều hơn tôi một tuổi...
Trong một thiên hồi ký, GS Tạ Quang Bửu kể:
"Tôi và anh Hào là người đồng hương Nam Đàn. Năm học 1923-1924, tôi lên lớp đệ tam ở Trường Quốc học Huế. Cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, thân sinh anh Hào, cho tôi ở nhờ nhà cụ để đi học gần trường hơn. Cụ là nhà khoa bảng, tính tình rất ngăn nắp, cho nên đã thu xếp cho anh Hào học rất chu đáo. Tôi cùng ở với anh Hào và anh Tùng (hiện là Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thúc Tùng, 94 tuổi). Cả hai anh đều ngăn nắp, sạch sẽ, trong khi sách vở của tôi thì rất lôi thôi, luộm thuộm (...). Năm sau, tôi lên lớp đệ tứ, thì anh Võ Nguyên Giáp và anh Nguyễn Thúc Hào thi vào lớp đệ nhất. Hai anh đỗ rất cao. Anh Giáp dạo ấy là một học sinh nhỏ nhắn, rất khôi ngô, nét mặt rất thông minh."
Năm sau, anh Hào chuyển ra Hà Nội, vào học Trường Albert Sarraut cho đến năm 1929, thì sang Pháp, thi đỗ tú tài toán tại Aix-en-Provence. Theo học dự bị đại học tại Trường Saint Louis nổi tiếng ở Paris, anh chuẩn bị thi vào các "trường lớn" của nước Pháp. Nhưng rồi, người miền nhiệt đới không quen chịu rét, anh đành giã từ Paris băng giá, xuống miền nam, theo học Trường Đại học Khoa học Marseille, bên bờ Địa Trung Hải chói chang ánh nắng mặt trời. Sau 4 năm (1931-1935) chăm chỉ học tập, anh thi lấy 6 chứng chỉ: toán học đại cương, giải tích toán học, vật lý đại cương, cơ học lý thuyết, cơ học chất lỏng, và thiên văn học (chỉ cần 3 chứng chỉ là đỗ cử nhân). Ngoài ra, anh còn viết xong luận văn cao học - nay gọi là thạc sĩ - về một đề tài liên quan đến hình học và cơ học. Vào thời ấy mà học cao đến thế là điều quá hiếm trong toàn cõi Đông Dương.
Thầy dạy Toán trẻ măng tại trường Quốc Học
23 tuổi, trở về Cố Đô, anh trở thành một thầy giáo dạy toán trẻ măng tại Trường Quốc học Huế (lúc bấy giờ gọi là Trường trung học Khải Định). Thời ấy, trong toàn cõi "Đông Dương thuộc Pháp", chỉ vẻn vẹn có 6 trường trung học chuyên khoa (như THPT hiện nay) quốc lập là: Trường Albert Sarraut và Trường Bưởi ở Hà Nội, Trường Khải Định ở Huế, Trường Chasseloup-Laubat và Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, Trường Yersin ở Đà Lạt.
Những năm 1942-1944, các nhà khoa học Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông... xuất bản báo Khoa học tại Hà Nội. Tờ báo thu hút sự chú ý của bạn đọc trong nước và cả Việt kiều ở nước ngoài. Một số trí thức ở Huế như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái... viết nhiều bài lý thú cho báo Khoa học. Các ông còn hăng hái tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ.
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Với niềm say sưa tột đỉnh của tuổi thanh xuân, Tố Hữu, nhà thơ xứ Huế, ghi lại những ngày Tháng Tám sôi động ở chốn cố đô vốn "trầm mặc như lăng tẩm". Trong những ngày bận rộn ấy, GS Nguyễn Thúc Hào làm việc với một niểm hứng khởi khác thường. Ông vừa dạy toán ở Trường Khải Định, vừa giữ chức Giám đốc Trung học vụ Trung Bộ, vừa tham gia Hội đồng Cố vấn Học chính của Bộ Quốc gia Giáo dục.
(Còn nữa)