1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nguy cơ rủi ro cao nhất nằm trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Chuẩn bị lực lượng lớn như thế nhưng coi thi trong 2 ngày, đây là quãng thời gian tính rủi ro cao nhất, vì vậy đặc biệt chú ý ở khâu này".

Trên đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tổ chức sáng nay (20/6) tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng, chuẩn bị lực lượng lớn nhưng chỉ coi thi trong 2 ngày nên có thể nói đây là quãng thời gian tính rủi ro cao nhất và phải đặc biệt chú ý. Những tiểu tiết trong công tác tổ chức phải được xử lý tuân thủ đúng quy chế.

Về việc chấm thi, theo Thứ trưởng, có những hội đồng như Bắc Kạn có 3.000 thí sinh, Hà Nội có trăm ngàn thí sinh nhưng cùng phải hoàn thành công tác chấm thi đúng tiến độ thời gian, đúng quy trình, quy định, chấm độc lập. Xác định rõ tính chất như vậy để Ban Chỉ đạo các địa phương phân công rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng chung chung, chồng chéo.

Nguy cơ rủi ro cao nhất nằm trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Ảnh: Mỹ Hà).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa, quan trọng nhất phải lựa chọn con người. Vì vậy, cần tổ chức tập huấn để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm.

"Đối với cán bộ cần tự trọng, tự giác, hết sức nghiêm túc trong thực thi công vụ. Đối với học sinh, đây là kết quả của 12 năm rèn luyện của các em từ mầm non cho đến phổ thông, ở một nền giáo dục thực học, thi thực, kết quả thực.

Các em vào phòng thi chỉ được mang vật dụng cho phép, khi thí sinh đã có kiến thức thật sẽ vào phòng thi đàng hoàng. Tuy nhiên, với hàng triệu thí sinh tham gia ở các vùng miền khác nhau, năng lực, trình độ khác nhau, thậm chí đối tượng khác nhau, điều này đòi hỏi cả một quá trình thầy cô phải kiên trì", Thứ trưởng nói.

Kỳ thi THPT năm nay diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/6. Nhiều địa phương có số lượng học sinh lớn như Sở GD&ĐT Hà Nội khoảng 15.000 người tham gia vào tổ chức kỳ thi, riêng công tác chấm thi khoảng 600 người.

Nguy cơ rủi ro cao nhất nằm trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Hải Long).

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay công tác chuẩn bị của các tỉnh, thành, của các Ban Chỉ đạo đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt hiệu quả.

Trong 5 nhóm vấn đề quan trọng, Thứ trưởng nhấn mạnh 4 từ khóa: "Tuyệt đối an toàn" bao gồm an toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông...

Từ các lực lượng công an, các thầy cô giáo, bằng các khả năng quan sát đã được tập huấn, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi.

"Ban chỉ đạo thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần "4 Đúng - 3 Không" trong quá trình tổ chức kỳ thi, gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Quan trọng hơn, tất cả các khâu cần phải chu đáo và thân thiện, giữa cán bộ làm công tác phục vụ kỳ thi với nhau, giữa thầy cô giáo, cán bộ với học sinh để các em có tinh thần, tâm thế thoải mái nhất trước khi bước vào phòng thi", Thứ trưởng nói.