"Nguồn nhân lực tiếng Nhật là cầu nối giữa hai quốc gia"
(Dân trí) - Bà Okamoto Noriko, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực tiếng Nhật rất quan trọng, đó là cầu nối giữa hai quốc gia.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học", do Trường Đại học Hà Nội tổ chức hôm nay (26/10), bà Okamoto Noriko cho biết, quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp.
Theo bà Okamoto Noriko, hai nước không ngừng vun đắp cho quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn. Mối quan hệ này được phát triển trên tất cả các lĩnh vực và hai bên coi nhau là đối tác phát triển toàn diện.
Mối quan hệ giữa hai nước có thể phát triển như hiện nay là nhờ nguồn nhân lực biết tiếng Nhật. Nguồn nhân lực đó rất quan trọng, như cầu nối giữa hai quốc gia.
Ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản - Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cũng mong muốn, đây là cơ hội phát triển hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Nhật.
"Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cam kết luôn hỗ trợ cho Trường Đại học Hà Nội phát triển giảng dạy tiếng Nhật đi vào chiều sâu", ông Doi Katsuma nói.
Hội thảo khoa học quốc tế "Nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học", được tổ chức nhân 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Hội thảo nhằm mục đích kết nối các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy ngôn ngữ, giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ, biên, phiên dịch, trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn giảng dạy tiếng Nhật, Nhật Bản học, cũng như giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Nhật tại Việt Nam và trên thế giới,
Thông qua trao đổi và thảo luận, hội thảo hy vọng có thể thúc đẩy đổi mới và đưa ra những đề xuất thiết thực trong giảng dạy ngoại ngữ nói chung, và giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Hà Nội hy vọng, sự kiện sẽ trở thành nơi gắn kết mạng lưới không chỉ giữa các học giả với nhau, mà còn tạo ra cơ hội liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, góp phần đưa ngành nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học lên tầm cao mới.
Hội thảo sẽ bàn về xu hướng của thế giới và thực tiễn tại Việt Nam trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học; các vấn đề về giảng dạy ngôn ngữ Nhật, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Nhật, ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới.
"Tiếp nối thành công của 3 kỳ hội thảo trước, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi hội thảo lần này nhận được 47 báo cáo từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục tại không chỉ tại Việt Nam, Nhật Bản mà còn có những bài nghiên cứu được gửi về từ Anh Quốc, Australia và Nepal…", TS Lương Ngọc Minh cho hay.