Người thầy của học trò Khơ-mú nơi tận cùng vùng đất “Vàng vui”
(Dân trí) - 16 năm cắm bản Huồi Máy, thầy giáo Lô Văn Lan không chỉ là người truyền dạy con chữ cho các thế hệ học trò nơi đây mà còn là người giúp đồng bào Khơ-mú thay đổi nhận thức về sự học, về cách ăn ở. Bởi vậy, dù đã cận kề tuổi nghỉ hưu, nhiều lần nhà trường quyết định đưa thầy về dạy tại điểm trường chính nhưng đều “thất bại” bởi người dân nơi tận cùng của xứ “Vàng vui” này nhất quyết không cho thầy về.
Vào rừng kéo dân về lập bản
Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An), theo tiếng Thái có nghĩa là xứ “Vàng vui”. Và Huồi Máy là điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Cắm Muộn 2. Dẫn chúng tôi vào điểm trường Huồi Máy, thầy giáo Hoàng Mạnh Cường (tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Cắm Muộn 2) lý giải: “Thực tế Huồi Máy chỉ là một phần của bản Cắm tuy nhiên do tách biệt với bản chính nên có tên riêng dù tên bản không được thể hiện trên bản đồ hành chính của xã. Bản có 39 hộ dân với 177 nhân khẩu, chủ yếu là người Khơ-mú. 100% số hộ trong bản là hộ nghèo”.
Từ điểm trường chính vào Huồi Máy chỉ có khoảng 10 km chạy được xe máy trên những cung đường quanh co đất đỏ. Chúng tôi phải cuốc bộ hơn 15 cây số, vượt qua 14 quãng suối trong hơn 4 tiếng đồng hồ để vào được tới nơi. Xuất phát từ 3h chiều, tai, mũi, mồm thi nhau thở, Cường phải liên tục động viên “cố lên, còn 15 phút nữa là tới”. Không biết phải đến bao nhiều lần “15 phút”, khi chúng tôi trèo lên lưng chừng một quả đồi, Cường bắc tay làm loa “Thầy Lan ơi, chuẩn bị đón khách nhé”. Theo hướng gọi của Cường, chỉ thấy hai căn nhà tranh le lói ánh điện im lìm bên dòng suối Nậm Quyu. Thầy giáo đậm người, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu đón chúng tôi ở chân núi rồi dẫn vào căn nhà tranh thấp lè tè. “Tua bin của trường hỏng rồi, phải nhờ điện của dân bản đó. 8h phải tắt đèn cho họ xem phim”, thầy Lô Văn Lan phân trần.
Trong cái rét tê tái, chúng tôi được ăn bữa cơm cùng thầy Lan và thầy Lô Văn Thanh. Bữa cơm của hai thầy chỉ có cơm nếp và một bát cá khô kho mặn chát. Nếp là quà 20/11 của các phụ huynh, các thầy không có chõ hông nên nấu thành món cơm nếp ăn dần.
Bên bếp lửa bập bùng, câu chuyện cắm bản về thầy giáo - “bố Lan” của người Khơ-mú hiện ra. Thầy Lan sinh năm 1961, được phân công cắm bản ở đây 16 năm trước. Cái thuở mà cả bản chỉ có 2 nóc nhà vì hầu hết người dân vào rừng dựng lán sống qua ngày. Bọn trẻ con cũng theo cha mẹ vào sâu trong rừng, chả học hành gì cả. Thầy Lan cùng già làng Vi Văn Quế lặn lội vào rừng vận động dân bản về dựng nhà tập trung để con cái đi học. Nhà dựng quây quần bên dòng suối, lớp học cũng được dựng lên. Huồi Máy đã có ê a tiếng trẻ học bài. Tiếng ê a học bài chẳng thể át được tiếng chim kêu, vượn hú. Hết thời gian “nghĩa vụ”, thầy Lan được rút về trường chính. Một thầy giáo và 2 cô giáo trẻ vào thay. Suốt một tháng ròng, hai cô giáo chỉ khóc. Phần vì sợ cái cảnh hoang sơ ở đây, phần vì khổ và tách biệt quá. Cuối cùng, thầy Lan lại phải vào, ở miết đến nay.
Đồng bào Khơ-mú sống dựa vào rừng nên dựng nhà lên rồi khóa cửa để đấy. Trẻ con thì gửi chung một nhà trong bản hoặc phó mặc cho thầy giáo. “Thương lắm, cái ăn không đủ, quần áo cũng không, sách vở cũng không nốt. Lắm hôm đang học, thấy bọn trẻ cứ lả đi rồi nằm bẹp xuống bàn. Gọi dậy hỏi thì bảo 3 ngày rồi con chưa ăn cơm, chỉ ăn quả ổi qua ngày. Kéo trò vào bếp, pha tạm gói mỳ tôm, nhìn trò ăn mà nước mắt thầy cứ chảy. Giá mà bố mẹ chúng quan tâm đến con hơn tý nữa thì hay biết mấy”, thầy Lan trầm ngâm.
Cứ 2-3 tuần, thầy Lan, thầy Thanh lại về nhà một lần (nhà thầy ở bản Bố, gần điểm trường số 2 của trường - PV) mang sách bút, gạo, mắm vào. Đường xa quá, chẳng mang được nhiều. Thậm chí cái chăn bông cũng không mang được vì còn phải cõng theo nhu yếu phẩm cho 2 thầy và cho cả trò. “Trước đời sống còn khá, dân bản nuôi thầy giáo. Giờ khó khăn quá, cho con đi học đã là một cố gắng lớn, thầy lại quay sang nuôi trò. Đến cái lớp học hư hỏng, thủng mái hết rồi mà vẫn chưa thay được. Lắm khi thầy trò học mà ướt đẫm sương”, thầy Lan tâm sự.
Dân quý, quyết giữ thầy ở lại bản
Thầy Lan phụ trách 3 lớp 1 - 2 - 3 với 9 học sinh (điểm bản có 15 em học sinh). 3 lớp với 3 cái bảng quay lưng vào nhau, thầy đi như con thoi giữa 3 lớp. Vừa cúi xuống đưa từng nét phấn cho học trò lớp 1 lại quay sang nhắc nhở học trò duy nhất của lớp 2 làm bài tập toán rồi quay sang kiểm tra tập đọc của lớp 3. Cả lớp nhiều khi ồn ào như vỡ chợ nhưng thầy Lan vẫn cười hiền: “Học đi, học đi các con”. Thầy Lô Văn Thanh cười bảo: “Trẻ con trong bản này là con, cháu thầy Lan hết đấy. Cán bộ dân số đến thống kê số liệu, hỏi ngày tháng năm sinh của các cháu, dân bản đều lắc đầu: “Không nhớ đâu. Muốn biết ngày sinh con ta thì đi hỏi thầy Lan ấy”.
Anh Ngân Văn Hoa, một người dân trong bản cho biết: “4 con của mình với 2 đứa cháu đều học thầy Lan cả mà. Thầy Lan tốt lắm, bày cho con, cháu ta cái chữ, bày cho vợ chồng ta sống hợp vệ sinh, không uống nước lã mà phải đun sôi này. Không phải chỉ mình nhà ta đâu, cả bản ai cũng quý thầy Lan lắm, không muốn cho thầy về đâu”. Cụ Vi Văn Quế cũng khẳng định: “Thầy Lan quý lắm, là người của bản ta rồi. Khi nào thầy Lan nghỉ hưu thì dân bản ta cho thầy về. Còn chưa nghỉ hưu thì vẫn phải ở đây để dạy chữ cho các cháu. Cái chân của thầy giờ cũng dẻo như chân người Huồi Máy rồi mà”. Nhìn lũ trẻ ôm vai bá cổ thầy Lan và cái cách thầy trò chuyện với chúng, chúng tôi hiểu vì sao dân bản quyết giữ thầy ở lại đây đến thế. Thầy Nguyễn Bỉnh Hướng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 nói: “Thầy Lô Văn Lan có thời gian công tác ở Huồi Máy nhiều, nhiệt tình trong công việc, rất có uy tín với bà con, việc gì khó, chỉ cần thầy nói là giải quyết được hết. Không chỉ là một người thầy giáo mà đối với người dân Huồi Máy, thầy Lan còn có vai trò như một già làng. Thầy cũng có tuổi rồi, năm nào nhà trường cũng có kế hoạch đưa thầy ra ngoài điểm trường chính để thầy thuận lợi hơn trong công tác, đi lại nhưng dân bản đều không chịu. Có năm, trường quyết đưa thầy ra, dân bản Huồi Máy đi bộ mấy tiếng đồng hồ đến nhà thầy Lan “ăn vạ”, bảo không có thầy Lan là không cho con đi học. Thầy Lan thương dân, thương học trò nên viết đơn tình nguyện vào dạy ở Huồi Máy suốt từ đó đến nay”.
Cời bếp lửa đỏ rực cho nồi nước lá sôi ùng ục, thầy Lan trầm ngâm: “Người dân ở đây còn khó khăn quá, một phần do điều kiện tự nhiên, một phần do phong tục, tập quán, nếp sống, nếp suy nghĩ tồn tại cả trăm năm rồi. Cái nghèo, cái khó bó chặt lấy suy nghĩ nên không mấy ai biết quan tâm đến việc học hành của con cái. Cả bản chẳng em nào có nổi góc học tập. Bố mẹ ở tít trong rừng, bọn trẻ đi học về, kiếm cái gì đó bỏ vào bụng xong thì lăn ra ngủ. Thiếu sách vở, thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên chỉ mỗi mình thầy giáo cũng không lo xuể được. Các cháu học hết tiểu học, không có điều kiện nên lên cấp 2 được vài năm là bỏ ngang, ở nhà theo bố mẹ lên rừng. Cái nghèo, cái đói cứ quẩn lấy từng phận người…”. Dân nghèo, trường chính ở xa, lại cách trở đường đi, thành ra căn nhà của hai thầy cũng xiêu vẹo, dột nát tứ bề. Căn lán nhỏ ngăn đôi, một bên kê 2 cái giường con, một bên ngăn ra làm bếp. Hôm chúng tôi đến thăm, dân bản từ trong rừng về, mang tre, nứa đến làm lại hàng rào cho trường. Còn lớp học chưa có kinh phí để tu sửa, lán của hai thầy cũng vậy.
“Họ yêu mình, quý mình nên giữ mình lại. Đó là cái vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của người thầy giáo. Tôi sẽ ở đây cho đến khi nào đôi chân không trèo được đèo, lội được suối nữa thì thôi”, thầy Lan nói.
Hoàng Lam