Thi công chức:
"Người sát hạch có đầu óc bình thường không ai đòi hỏi SV ra trường thành thạo công việc"
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề thi tuyển công chức ở Hà Nội vừa qua, Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Không một người sát hạch có đầu óc bình thường nào lại đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải thành thạo công việc sẽ làm nếu được tuyển dụng”.
Thí sinh xếp hàng chờ đợi dự thi vào công chức Thuế ở Hà Nội.
Là giảng viên đại học, ông nghĩ gì khi trong 63 thí sinh là thủ khoa đại học, thủ khoa xuất sắc trong nước, thạc sĩ, cử nhân bằng giỏi ở nước ngoài thì có đến 30 người bị trượt trong kỳ thi sát hạch vào công chức Hà Nội vừa qua?
Mỗi cuộc sát hạch đều có mục đích, tiêu chí và ban giám khảo riêng. Kết quả sát hạch thể hiện tất cả những điều đó. Nếu ban giám khảo hài lòng với kết quả, thì có thể nói là cuộc sát hạch đáp ứng được mục đích họ đặt ra,và như vậy là cuộc sát hạch thành công. Ví dụ, trong trường hợp chị nói, nếu tiêu chí đơn thuần là “thủ khoa đại học trong nước hoặc bằng giỏi nước ngoài” thì chắc chắn các ứng viên đó sẽ trúng cử.
Việc họ trượt chắc chắn chỉ có hai lý do, một là họ không đáp ứng những tiêu chí khác, hai là số lượng tuyển hạn chế nên ban giám khảo phải lấy từ điểm cao xuống. Các tiêu chí khác là gì thì tôi không biết, vì không phải là thành viên ban giám khảo.
Những người thuộc diện miễn thi nêu trên không phải thi công chức nhưng phải trải qua kỳ sát hạch 4 với nội dung như Kiến thức về công vụ, công chức; Kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; Vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; Kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản. Nhiều ý kiến cho rằng cách kiểm tra này quá hình thức, không thực tế hoặc với nhiều lý do khác … chính vì vậy các thủ khoa mới trượt?
Tôi cho rằng 4 nội dung trên khá thiết thực đấy chứ. Vấn đề là câu hỏi và cách đánh giá thế nào thôi.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Hội đồng kiểm tra sát hạch của thành phố đã thực hiện các quy trình kiểm tra sát hạch đảm bảo đúng quy định hiện hành. Các ứng viên bằng giỏi mà trượt công chức là do chưa tâm huyết. Ông nghĩ sao?
Về nguyên tắc, đúng quy định là cần nhưng chưa đủ. Bởi vì nhiều khi quy định đã lạc hậu so với cuộc sống, và bản thân nó cần được sửa chữa. Nhưng đây là vấn đề chung của hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ không có thời gian để đi sâu. Chúng ta cứ giả định là các quy định đều hợp lý. Khi đó, lý do duy nhất chỉ có thể là điều tôi nói ở trên: thí sinh không đáp ứng được các tiêu chí của ban giám khảo.
Đây có phải là một hình thức để chảy máu chất xám không thưa ông?
Tôi không nghĩ vậy. Công chức có vai trò quan trọng trong xã hội, những có những việc khác, những nghề khác cũng quan trọng không kém. Nếu một người có năng lực nghiên cứu hoặc kinh doanh trúng tuyển công chức và suốt đời không phát huy được sở trường khi làm việc trong bộ máy nhà nước thì có phải là chảy máu chất xám hay không?
Nhân vấn đề tuyển dụng này, nhiều ý kiến cho rằng, chuyện này quá bình thường, nó phản ánh thực trạng đào tạo hiện nay quá xa rời thực tế. Theo ông bên nào đúng, do đào tạo hay do chấm tuyển ?
Chúng ta lấy gì để nói là gần hay xa? Dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, giữa đào tạo và cuộc sống cũng có khoảng cách. Khi tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, ai cũng biết rõ điều ấy. Không một người sát hạch có đầu óc bình thường nào lại đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải thành thạo công việc sẽ làm nếu được tuyển dụng.
Tôi đã nói nhiều lần là đại học khác với trường nghề, và người đi học đại học cũng có những mục đích khác nhau, không phải lúc nào cũng cần làm việc đúng ngành nghề đào tạo. Trong trường hợp này có nhiều khả năng: do người tuyển, do người dạy, do ứng viên, và cũng có thể do những yêu cầu cụ thể của xã hội trong những bối cảnh cụ thể.
Nếu phải thay đổi, theo ông thay đổi như thế nào?
Chỉ có những người tuyển mới biết họ muốn gì, và chỉ có họ mới biết phải thay đổi như thế nào.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh