Người sáng tạo bộ phông chữ tiếng Thái trên máy tính

(Dân trí) - Bộ chữ Thái là một công cụ giao tiếp và để ghi nhận giá trị văn hóa trong cộng đồng người dân tộc Thái. Lần đầu tiên dân tộc Thái có bộ Font chữ trên máy vi tính. Đó là sản phẩm của người con gái vùng Tây Bắc - chị Lò Mai Cương.

Chị Lò Mai Cương.
Chị Lò Mai Cương.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Thạc sĩ Lò Mai Cương, hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, là người phụ nữ dân tộc Thái đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học.

Đầu năm 2005, chị nghiên cứu đề tài bộ Font chữ Thái Sơn La trên máy vi tính. Trong quá trình làm việc, chị được nhiều chuyên gia của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT hỗ trợ.

Tuy đã nỗ lực rất nhiều, song chị vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất bộ chữ Thái, vì trong chữ Thái có tới 8 phương ngữ khác nhau của nhiều địa phương. Sau đó, qua tham khảo chị đã quyết định dùng kiểu nét chữ truyền thống và đặt tên là ''Bộ Font chữ Thái Sơn La”.

Đến năm 2006 đề tài được nghiệm thu, bộ Font đã được nhóm kỹ thuật Unicode chấp nhận, đưa vào mã quốc tế (Unicode) và cấp 72 ký tự.

Bộ Font chữ tiếng Thái.
Bộ Font chữ tiếng Thái.

Nay bộ font chữ Thái của chị đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi như: Kênh truyền hình tiếng dân tộc thiểu số VTV5, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc...

Sản phẩm của Đề tài đã được nhóm cộng đồng dân tộc Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và cộng đồng người dân tộc Thái đang sống ở nước ngoài như ở Mỹ, Canađa, Pháp, Úc, Lào, Thái Lan... sử dụng để sáng tác, biên soạn, biên tập, khôi phục, lưu giữ... nền văn hoá của dân tộc Thái, biên soạn, thiết kế lịch Thái từ năm 2005 đến nay.

Sản phẩm cũng được dùng để biên soạn sách, tài liệu bằng tiếng, chữ dân tộc Thái đưa vào giảng dạy cán bộ, bộ đội, công an, giáo viên đang công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vùng có người Thái sống trên đất nước Việt Nam.

Viện Khoa học Công nghệ thông tin AIST Tsukuba Nhật Bản đã sử dụng sản phẩm trên để nghiên cứu, phát triển trên phần mềm Fedora (phần mềm mã nguồn mở); Trung tâm Tin học Huế đã thiết kế phần mềm trang web hỗ trợ chữ Thái Việt Nam, rất tiện ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hoá Thái, tra từ điển Thái - Việt hoặc tải bộ gõ, Font chữ Thái miễn phí.

Nối tiếp những thành công, chị tiếp tục nghiên cứu, biên soạn xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng, chữ Thái cho sinh viên chuẩn bị ra trường công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

Bộ Font chữ tiếng Thái.

Và giờ đây, với vai trò là lãnh đạo phòng Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn tiếng dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh Sơn La, chị lại tham mưu với Ban Giám đốc Trung tâm, với tỉnh mở được nhiều lớp sử dụng font chữ này trên máy tính đáp ứng nhu cầu thực tế.

Công việc rất bận rộn nhưng chị Mai rất vui vì được góp phần nhỏ bé của mình vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Chị tâm sự: ''Vui hơn là tôi đã có thể báo công với người cha kính yêu của mình là đã thổi được hồn vào những con chữ Thái cổ để bây giờ nó có thể sống mãi với thời gian, với cuộc sống, con người, quê hương Sơn La, với dân tộc Việt Nam''.
 

Với những cống hiến đối với sự nghiệp khoa học, công nghệ, chị Lò Mai Cương đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Bằng khen Phụ nữ sáng tạo năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 2 Bằng khen Lao động sáng tạo, đạt giải Nhì VIFOTEC - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009.

 
Phạm Phượng