Câu chuyện giáo dục:
Người mẹ "nói không" với việc đi phong bì thầy cô, bị cười nhạo viển vông
(Dân trí) - Khi nêu quan điểm tuyệt đối không "đi" phong bì thầy cô, chị Nhung nghe chính anh chị trong nhà cười nhạo là lý thuyết, viển vông .
Chị Trần Ngọc Nhung, ở quận 12, TPHCM, có hai con một lớp 4, một lớp 7. Từ khi con học mầm non đến nay, chị kiên định "nói không" với việc "đi" phong bì giáo viên.
Quan điểm của chị Nhung, mỗi người trong các chủ thể giáo dục đều có trách nhiệm nhất định. Con cái đi học có trách nhiệm học tập, rèn luyện; phụ huynh có trách nhiệm nuôi dạy, đồng hành cùng các con; còn giáo viên có trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ học trò.
Tất cả mọi người bình đẳng trong mối quan hệ này. Lòng biết ơn cần đến một cách tự nhiên, xuất phát từ tình cảm các bên dành cho nhau. Trò biết ơn thầy, thầy biết ơn trò. Trong mối quan hệ đó, chị không chấp nhận việc một bên "đi" phong bì cho bên kia như một luật bất thành văn như hiện nay.
Theo chị Hương, đưa phong bì cho thầy cô là thiếu tôn trọng nhà giáo dù "gắn mác" cảm ơn, tri ân. Thầy cô chọn công việc nhà giáo, cũng như mọi người chọn các công việc khác, cần tôn trọng lựa chọn đó của họ.
Chị cũng không đồng tình với lý lẽ "giáo viên lương thấp" cần được chia sẻ về mặt vật chất. Việc giáo viên lương thấp không phải là vấn đề của phụ huynh. Không thể đẩy việc lương thấp của giáo viên sang phụ huynh để lấy cớ, ủng hộ cho "văn hóa phong bì".
Điều này góp phần làm méo mó mối quan hệ học đường, cho đến cả cách nghĩ, các tư duy của mỗi người, đặc biệt là của trẻ nhỏ.
Chưa kể, chị Nhung cho hay, nhiều người đưa phong bì đeo mác cảm ơn, tri ân nhưng thật ra mang tâm lý mua chuộc, đổi chác. Chị từng chứng kiến phía sau những chiếc phong bì là lời than thở, bêu rếu giáo viên từ chính phụ huynh.
Ngay anh chị của chị Nhung, đi phong bì thầy cô của con cũng cân lên đặt xuống đi bao nhiêu, nhiều quá không, ít quá không, thế này cô hài lòng chưa. Có người cứ mùa lễ lạt là than "tốn kém", "mất 3 ngày công"...
Khi chị Nhung bày tỏ quan điểm đừng đi phong bì giáo viên thì bị chính anh chị trong nhà... cười nhạo. Họ nói chị lạc loài, lý thuyết, viển vông, không thực tế, thử không đi biết liền.
Vào các dịp lễ, các cháu của chị, từ mầm non, đến tiểu học, cấp 2, cấp 3 đều được bố mẹ chuẩn bị sẵn phong bì để trực tiếp đem đến tặng thầy cô. Tên các cháu có khi còn được in sẵn to, rõ ngoài phong bì chẳng khác nào lời nhắc "nhớ mặt đặt tên".
Nhìn những tấm thiệp chuẩn bị cho các cháu với dòng chữ "Chúc thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc với sự nghiệp trồng người" mà chị Nhung nặng trĩu lòng.
Hóa ra, điều bình thường như chị đang làm lại trở nên bất thường, còn điều bất thường lại đang được số đông biến thành bình thường.
Chị cho rằng, nếu "tri ân, cám ơn" thầy cô là đưa, là nhận phong bì thì ai cũng sẽ có lý do của mình để đưa, để nhận. Bây giờ là vài chục ngàn, vài trăm nghìn nhưng sau này là bao nhiêu? Bây giờ là những đứa trẻ mầm non, sau này là ai?
Chị Nhung bày tỏ, việc đưa chuyện tặng quà thầy cô ra bàn tán là điều là không hay. Nhưng một thực tế cần nhìn nhận, văn hóa phong bì đang được "ươm mầm" ngay trong môi trường gia đình, học đường, ngay từ những đứa trẻ... cần được nhìn thẳng, không né tránh.
"Tôi "nói không" với phong bì trước hết để giữ cho mình, cho con cái của mình. Tôi không muốn các con tôi tin rằng mọi việc được giải quyết bằng cái bì thư, bằng việc xin - cho. Ngoài ra, tôn trọng giáo viên nên tôi không đi phong bì", chị Nhung nói.
Quá trình hai con đi học, trải qua hàng chục giáo viên, cũng có trường hợp chị gặp khó khăn, ức chế... Đặc biệt trong hội phụ huynh, chị phản đối việc đi phong bì thầy cô nên bị nhiều người ghét ra mặt.
Còn giáo viên, chị cũng gặp một số thầy cô có thái độ "không vui" với con mình, ít nhiều chị cũng chuẩn bị trước cho điều này. Ngoài ra, chị cũng không khẳng định con bị phân biệt là do mẹ nghĩ khác, làm khác.
Chị Trần Ngọc Nhung cho biết, chị "nói không" với việc đi phong bì giáo viên không có nghĩa là chị né tránh chuyện hỗ trợ, chia sẻ, trao đi về mặt vật chất.
Năm nào gia đình làm ăn được, chị vẫn về tài trợ trường cũ, biếu thầy cô cũ mình yêu mến 3-5 triệu đồng. Ở đó, việc trao tặng xuất phát từ tình cảm, không ràng buộc trong quan hệ cho - nhận.
Chị nhớ đến tình huống cách đây gần 2 năm, khi mình học lớp 5 cuối cấp. Một phụ huynh trong lớp đề nghị dịp cuối năm sẽ cảm ơn thầy cô đã đồng hành cùng các con thời gian qua. Vậy nhưng, đúng tâm lý "đồng tiền đi trước", hầu hết phụ huynh trong lớp đều từ chối vì "khi đó các con ra trường rồi, tội gì!".