Phản đối "đi" phong bì giáo viên 20/11, hai vợ chồng bị đuổi khỏi nhóm
(Dân trí) - Cả chị P. và chồng bị xóa khỏi nhóm chat Zalo của phụ huynh lớp sau khi lên tiếng không đồng tình với việc đi phong bì giáo viên dịp 20/11.
Qua ngày vui của thầy cô, chị N.T.P., ở Hà Nội mới kể lại câu chuyện vợ chồng mình vừa trải qua.
Hai tuần trước, trong nhóm chat Zalo của nhóm phụ huynh lớp đứa con thứ hai đang học lớp 6 của chị thảo luận việc tặng quà cho thầy cô dịp 20/11.
Số đông phụ huynh chốt... "đi" phong bì cho tiện. Số tiền được lên kế hoạch như giáo viên chủ nhiệm 2 triệu đồng, ban giám hiệu mỗi người 1 triệu đồng, giáo viên bộ môn 500.000 đồng, bảo mẫu 300.000 đồng...
Là người phản đối văn hóa phong bì, đặc biệt là đi phong bì thầy cô dịp 20/11 nên chị P. cùng chồng không đồng tình.
Anh chị nêu quan điểm cần để các con tự bày tỏ tình cảm với thầy cô theo cách của chúng. Như con gái đầu của chị học lớp 8, cháu mê làm bánh, tự mày mò làm bánh tặng thầy cô; còn bé trai sau vẽ rất đẹp, cháu dự định vẽ tranh tặng giáo viên.
Còn phụ huynh, theo vợ chồng chị P. có thể tặng thầy cô những món quà tinh thần như cây cảnh, sách, thiệp điện tử...
Chị P. chia sẻ, từ khi con học mầm non đến nay, vợ chồng chị không bao giờ tặng phong bì thầy cô dịp lễ 20/11. Chị cảm thấy làm như vậy là không trân trọng giáo viên cũng như làm ảnh hưởng đến sự trong trẻo của mối quan hệ thầy trò.
Trong năm, chỉ dịp Tết vợ chồng chị lì xì lấy lộc đến nhiều người xung quanh người, trong đó có thầy cô. Còn tất cả những ngày lễ khác, chị "nói không" với phong bì.
Khi chị P. nêu quan điểm của mình, lập tức bị nhiều người phản đối. Họ bày tỏ việc cảm ơn thầy cô bằng phong bì là chuyện bình thường, vừa tiện lợi vừa nhanh gọn...
Có người thẳng toẹt: "Thầy cô nào chẳng thích phong bì". Ngoài đi chung với lớp, nhiều học sinh còn đi phong bì riêng, cầm đến tặng thầy cô ngay tại lớp.
Mỗi người một góc nhìn. Góc nhìn của vợ chồng chị P. khác với số đông nên chị xin phép không tham gia vào hoạt động này. Chị P. vừa nói ra đề nghị thì bất ngờ, vợ chồng chị bị trưởng nhóm là Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh xóa khỏi nhóm phụ huynh.
Sau đó, chị biết 3 phụ huynh khác trong lớp cũng đứng ngoài "cuộc vui" nói trên vì không có điều kiện để đóng góp.
Chị P. không khỏi tâm tư với những câu hỏi như: Ngày Nhà giáo tại sao lại trở thành gánh nặng về mặt tinh thần lẫn tiền bạc không đáng có? Việc tặng phong bì cho thầy cô được nhiều nơi áp dụng như một luật bất thành văn như vậy?
Ngày để nhà giáo suy ngẫm về nghề nghiệp, trách nhiệm
Lâu nay, Ngày Nhà giáo 20/11 được hiểu một cách phổ thông nhất là ngày tri ân nhà giáo. Tri ân, cám ơn được nhiều người thể hiện với cách được cho là tiện lợi nhất thông qua chiếc phong bì.
Tặng chiếc phong bì cho giáo viên như lời tri ân, cảm ơn là góc nhìn được nhiều người đồng tình và áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, ở góc độ sâu xa hơn, ngày lễ 20/11 mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Trong cuốn sách "Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và tôi", nhà giáo dục Giản Tư Trung cho hay, từ bao lâu nay, nhiều người Việt còn xem ngày 20/11 là ngày tết đặc biệt, "Tết thầy cô giáo".
Chúng ta mặc nhiên xem đó là ngày để tôn vinh giáo viên và thầy cô cũng hoan hỉ đón nhận sự tôn vinh đó mà quên mất ngày này vốn dĩ được đặt ra không phải để tôn vinh hay không chỉ tôn vinh.
Đó là ngày nhắc nhở nhà giáo về sứ mệnh thiêng liêng của mình; đó là ngày nhắc nhở nhà giáo về hành trình đấu tranh mà họ đã, đang và sẽ còn tiếp tục trải qua để giành lấy quyền dạy học, quyền tự do thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Theo ông Trung, sự tôn vinh của xã hội một mặt có thể là niềm vui với những người làm nghề dạy học nhưng mặt khác lại khiến những nhà giáo lương tri cảm thấy đầy áp lực và trách nhiệm.
Họ hiểu, sự tôn vinh đi kèm những đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là khi gần đây nghề giáo bị bộ phận xã hội nhìn nhận thiếu tôn trọng với hàng loạt trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh". Với họ nếu không làm được gì cho xã hội mà nghiễm nhiên đón nhận sự tôn vinh là điều đáng xấu hổ.
Tác giả cho rằng, ở thời đại ngày nay, ý nghĩa của ngày 20/11 không chỉ dừng lại ở chuyện xác lập và tôn vinh nghề giáo. Ngày đó sẽ mang ý nghĩa lớn hơn nếu như đó là ngày để những người làm nghề dạy học tư duy lại và nhận thức lại công việc và nghề nghiệp của mình; cũng như định nghĩa lại vai trò và sứ mệnh của nghề nghiệp mình đối với người học và xã hội trong bối cảnh mới.
Người làm nghề có trách nhiệm ngồi lại cùng nhau trả lời những câu hỏi liên quan hệ trọng đến công việc, sự nghiệp của mình và có thể mang lại những thay đổi sâu sắc cho bức tranh nghề giáo nói riêng và nền giáo dục nói chung. Nhưng câu hỏi đó như: Ai là thầy? Ai là "thợ dạy"? Thế nào là trí thức? Thế nào là giáo dục khai phóng?... Và còn nhiều câu hỏi khác từ những bức xúc trong đời sống xã hội.
Hay như chia sẻ của một nhà quản lý giáo dục khác ở TPHCM, bà vẫn thường nói với các giáo viên, 20/11 không phải là ngày mình tự ca ngợi hay "nhắc khéo" phụ huynh phải tôn vinh mình.
Mà đó là ngày để mình tự nghĩ xem mình có làm được gì xứng đáng với hai chữ "cao quý" mà xã hội dành tặng cho nghề giáo hay chưa?
Khi hiểu đúng, những áp lực, lấn cấn không đáng giữa quan hệ thầy trò, giữa quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên sẽ được gỡ bỏ. Điều này không chỉ trong một ngày lễ mà là cả quá trình...