Câu chuyện giáo dục:

Mất hai năm, cô giáo mới dám gửi tin nhắn: "Cô không nhận phong bì"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước mùa 20/11 năm nay, nữ giáo viên lấy hết dũng khí gửi dòng tin nhắn: "Cô sẽ không nhận hoa, quà, phong bì... " đến tất cả phụ huynh.

Cô là giáo viên tiểu học ở Củ Chi, TPHCM. Trước dịp 20/11 năm nay, từ đầu tháng 11, cô nhắn vào nhóm thông tin phụ huynh về việc "không nhận phong bì, quà cáp". 

Mất hai năm, cô giáo mới dám gửi tin nhắn: Cô không nhận phong bì - 1

Tin nhắn "không nhận phong bì dịp 20/11" cô giáo gửi cho phụ huynh (Ảnh: Hoài Nam).

Cô giáo bày tỏ, hiện nay nhiều công ty giảm việc làm, cắt giảm công nhân, kinh tế nhiều gia đình khó khăn. Bởi vậy, cô mong ngày 20/11, phụ huynh đừng lo lắng chuyện quà cáp cho thầy cô. 

"Cô sẽ không nhận hoa, quà, phong bì hay bất cứ tặng phẩm nào vào ngày 20/11, kể cả trước hay sau ngày 20/11. Cô vẫn luôn yêu thương và dạy học sinh bằng hết trách nhiệm của mình", trích tin nhắn của cô giáo. 

Dòng tin nhắn này viết chỉ trong 1-2 phút nhưng cô đã rất lấn cấn, mất nhiều thời gian trước khi gửi đi. Từ hai năm trước, sau dịch Covid-19, cô đã muốn gửi dòng tin nhắn này đến phụ huynh nhưng chưa đủ dũng khí. Có điều gì đó cứ nghèn nghẹn, cô không bấm nổi nút gửi.  

Năm nay, cô chứng kiến rõ sự khó khăn của phụ huynh, của từng gia đình học sinh trước tình trạng mất việc làm, thất nghiệp. Một hai trăm nghìn có thể không đáng bao nhiêu với nhiều gia đình nhưng đủ làm oằn lưng không ít ông bố bà mẹ đang chống chọi với khó khăn cùng đủ thứ phải lo toan.

Tuy nhiên, nữ giáo viên thừa nhận mình lên tiếng "nói không" với phong bì, quà cáp dịp này không chỉ vì phụ huynh mà trước hết vì chính bản thân, vì chính nghề nghiệp mình lựa chọn. 

Hàng năm, cô không vui nổi khi những đứa trẻ tiểu học mới lớp 1, lớp 2 cầm nhành hoa nhựa, hoa giấy mua với giá 10.000-20.000 đồng kèm chiếc phong bì 100.000-300.000 đồng tặng cô. Tên của đứa trẻ có khi còn được in sẵn to, rõ ngay giữa bì thư. 

Các em mới bé tí đã quen với hình ảnh "văn hóa phong bì" ngay chính trong mối quan hệ thầy trò, ngay chính trong trường học rất phản cảm, rất tai hại. Trong khi lẽ ra môi trường giáo dục, cả nhà trường và gia đình phải là nơi đi đầu chống lại các tệ nạn. 

Chưa kể, là giáo viên, cô cũng cảm nhận rõ việc nhiều phụ huynh quà cáp, phong bì không đơn thuần là tri ân, cảm ơn như những dòng chữ được viết trong thiệp mà phía sau đó thường đi kèm mưu cầu, đòi hỏi. 

Cô nghẹn đắng khi lên mạng thấy phụ huynh thường bán tán, đưa ra giải pháp... "đi cô" để con được quan tâm, ưu tiên, để con không bị cô "đì"... Rồi đâu đó, phụ huynh còn bêu rếu, tố cáo về việc đóng tiền quà cáp cho thầy cô. 

Cô cũng từng chứng kiến đồng nghiệp khó chịu, phàn nàn "phụ huynh giàu có mà không cho được gì" hay "cho được có nhiêu" khi mở phong bì. 

Từ bao giờ, phong bì đã trở thành giải pháp trong giáo dục, thay thế cho việc bố mẹ và giáo viên cùng trao đổi, chia sẻ, gỡ nút thắt để cùng hỗ trợ con trẻ?

Cô từ chối quà cáp, từ chối phong bì vì không muốn bản thân bị trói buộc trong giải pháp đó. Cô cần được làm chủ các phương pháp giáo dục tốt nhất cho học trò, cô cần được quyền "nói không" trước những đòi hỏi vô lý từ phụ huynh, cô không muốn vì chiếc phong bì mà mình có thể quan tâm em này hơn em kia... 

Mất hai năm, cô giáo mới dám gửi tin nhắn: Cô không nhận phong bì - 2

Những chiếc phong bì in sẵn tên học sinh to, rõ được phụ huynh dùng tặng giáo viên dịp 20/11 (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Với cô, người thầy cần được tự chủ trong công việc, trong dạy học. Sự tự chủ lâu nay của người thầy mất đi không chỉ đến từ những chính sách bên trên, từ các cấp quản lý, từ hồ sơ sổ sách mà còn có thể đến từ những món quà, những bì thư từ phụ huynh, học sinh gửi kèm bao hàm ý, kỳ vọng.

Đã không ít trường học đưa hẳn vào quy định về việc giáo viên không được nhận phong bì, quà cáp từ phụ huynh. Một lời từ chối để giữ sự tự chủ cho người thầy.

Nữ giáo viên trẻ mất thời gian dài để lấy dũng khí "nói không" với phong bì còn vì áp lực e ngại với đồng nghiệp. Sợ đồng nghiệp nói nghèo mà chảnh, thích làm lẻ. So với đồng nghiệp, cô ở diện khó khăn nhất khi ở nhà thuê, một mình nuôi con nhỏ. 

Nhưng rồi, cô lựa chọn điều mình cho là cần thiết, điều giúp mình nhẹ lòng. Năm nay, không quà, không hoa, không phong bì nhưng cô thấy mình nhận được rất nhiều, nhận về sự thanh thản, thoải mái, tự do.