Người mẹ nghèo Cơtu nuôi 3 con học ĐH

(Dân trí)- Chồng mất vì di chứng chiến tranh, gia đình thuộc hộ nghèo, amế (mẹ) Alăng Thị Níu (sinh năm 1960) sống tằn tiện bám vào nương rẫy để chăm lo cho 3 đứa con ăn học. Câu chuyện amế nuôi 3 con học ĐH đã trở thành kỳ tích ở một xã vùng cao xứ Quảng.

Lội qua 2 con suối, trèo lên một ngọn đồi dốc đứng, tôi mới đến được nhà của amế Alăng Thị Níu  (thôn Arớt, xã ATing, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Ngôi nhà trống huơ nhưng thật ấn tượng với vô số giấy khen ken dày trên vách. Amế đi lên rẫy chưa về, trông nhà là bà cụ trên 70 tuổi không biết nói tiếng Kinh.

 

Nói về gia đình amế ,bà con bản làng Arớt ai cũng thương và cảm phục. “Nhà bà Níu trên ngọn đồi kia kìa, nghèo và khổ lắm, ngày ăn bữa với hai thôi, mà nuôi 6 đứa con đi học nên người, bà Níu giỏi lắm!”  - chị Arất Bơn, một người hàng xóm khen ngợi.

 

Trời chập choạng tối, amế Alăng Thị Níu từ trên rẫy mới về. Ngồi trên thềm nhà, amế kể chuyện đời mình và chuyện amế một mình nuôi các con ăn học. Năm 1997, chồng amế - ông Pơloong Nooi bị di chứng chiến tranh phải nằm liệt giường hơn một năm rồi cũng bỏ amế và các con mà về với Giàng (trời). Thế là bao nhiêu khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai gầy yếu của amế. Một mình nuôi mẹ già và 6 đứa con ăn học nên nhìn amế gầy nhom, đen đúa, đặc biệt đôi bàn chân chai sần vì hiếm khi amế mang dép. Nhưng giương mặt amế luôn rạng ngời khi kể về việc học của các con. Amế kể: “Mình có 6 thằng con trai, tất cả đều khỏe mạnh, đẹp trai và chăm học lắm! Thằng mô cũng thương mình hết! Vừa học vừa tranh thủ làm thêm giúp amế. Khổ mấy mình cũng phải ráng thôi, cho nó đi học cái chữ “hiện đại” để về xây dựng bản làng Cơtu và học để bọn hắn sướng được cái thân, không còn cực khổ như đời mình”.

 

Người mẹ nghèo Cơtu nuôi 3 con học ĐH - 1
Amế Alăng Thị Níu và con trai Pơloong Nươn (hiện học đại học tại TPHCM) trong căn nhà ọp ẹp của mình.

 

Dù cái nghèo cái đói cứ bám víu quanh năm suốt tháng nhưng chưa bao giờ amế có ý định cho con nghỉ học. Em PơLoong Nương, đứa con thứ 3 của amế, tâm sự: “Năm em học lớp 6 dù là học sinh giỏi 5 năm liền nhưng vẫn không được xét để đi học ở Trường Dân tộc nội trú huyện nên em buồn không chịu đi học nữa. Hôm sau amế không đi lên rẫy mà ở nhà dắt em lên Trường THCS Lê Văn Tám ở xã Jơ Ngây để xin tiếp tục đi học. Amế bảo: Nếu mày không đi học thì amế không ăn không uống để chết theo bố cho rồi. Sợ quá em phải đi học lại”.

 

Anh Pơloong Chiến - chủ tịch xã Ating cho biết: “Đối với gia đình người dân Cơtu mà có đến 3 con đang học đại học là rất hiếm. Tấm gương hiếu học của bà Alăng Niu là niềm tự hào của người dân xã Ating và cũng là tấm gương cho các gia đình Cơtu nơi đây vốn xem nhẹ việc cho con em đi học”.

Thương amế vất vả và sợ amế buồn, cả 6 đứa con trai đều cố gắng vượt khó học hành. Tất cả đều học  giỏi và đã có bằng tú tài, anh con trai đầu của amế hiện là chủ tịch Hội Nông dân xã Jơ Ngây; anh thứ hai làm cán bộ thôn; em PơLoong Nươn hiện là sinh viên lớp 101 Khoa luật Trường ĐH KT TPHCM; em PơLoong Nươh là sinh viên năm 3 lớp K42b khoa Kinh tế Nông nghiệp Trường ĐH KT Huế; em Pơloong Karướt là sinh viên năm 2, lớp DT15 Trường ĐH An ninh nhân dân TPHCM; đứa con trai út là em PơLong Niêu đang học lớp 12 Trường DTNT tỉnh Quảng Nam. Các con amế biết nhà nghèo, amế vất vả nên tất cả đều buổi học, buổi đi làm thêm kiếm tiền trang trải để đỡ bớt gánh nặng cho amế ở làng.

 

Các con đều siêng năng chăm học nên amế mừng và tự hào lắm nhưng nỗi lo thì vẫn canh cánh bên lòng. Nhà nghèo, 2 đứa con trai đầu đều có gia đình ở xa, 4 đứa nhỏ đều học xa nhà, mình amế quần quật quanh năm suốt tháng nhưng vẫn không sao chu cấp cho các con đi học được. Nhà có vài đám ruộng bậc thang không đủ ăn trong mùa giáp hạt, nên amế phải lên rừng mãi thôi, mùa đót bứt đot (Chít), mùa măng bẻ măng, bắt ốc hái rau, nuôi heo nuôi gà để bán kiếm tiền gửi cho con. Thiếu đâu thì amế lại vay tiền từ tiêu chuẩn vay dành cho hộ nghèo, rồi vay mượn bà con hàng xóm. Amế Alăng Thị Níu tâm sự: “Các con đi học đại học amế mừng vui lắm, nhưng lo quá đến không ngủ được vì sợ không đủ tiền chu cấp cho các con học Đại học cho đến lúc ra trường”.

 

Theo lời amế, nhà có mấy cái chum, cái ché cổ xưa gia truyền cũng bán để cho con vào đại học rồi, hiện nay trong nhà không còn gì cả, nợ nần chồng chất, nay thằng Pơloong Nươn từ TPHCM về xin tiền không biết chừ vay mượn ở đâu, amế thở dài: “Đành bán mấy chuổi mã nảo và vòng bạc đeo cổ, kỉ vật khi có chồng của amế để thằng Nươn đi học lại thôi! Không biết rồi thời gian tiếp theo của những năm đại học, không còn chi để bán, amế làm răng đây?”.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Cường