Người mẹ mù bán sách dạo nuôi con
(Dân trí) - Hàng ngày với chồng sách nặng trên tay, chị Trần Thị Nương dò dẫm đến các quán đông khách. Mỗi khi có người mua sách, chị mừng lắm. Tuy không nhìn thấy gì nhưng chị như đang mường tượng ra niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống của hai đứa con nơi quê nhà.
Hàng ngày, bất kể mưa nắng, từ 6 giờ, người phụ nữ mù lần đến các quán bún bò trước bưu điện Lý Thường Kiệt (TP.Huế) bán đến tận trưa. Đầu giờ chiều, chị lại ra đứng quán cơm Niêu bán sách đến 9 - 10 giờ đêm. Ngày nào “đắt hàng” thì bán được 4 - 5 cuốn, ngày ít thì 2 - 3 cuốn, trung bình được 25 - 30 ngàn.
Chị Nương (quê ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị mù sau khi chào đời được một thời gian, không biết là do di chứng bệnh sởi hay do bố chị bị chất độc da cam. Nhà nghèo lại đông anh em, bố chị là thương binh không làm được gì, mẹ chị sớm phải vào Nha Trang bán dạo nuôi đàn con.
Tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười với chị khi chị lập gia đình và sinh được hai đứa con bụ bẫm, đứa lớn 5 tuổi và đứa nhỏ được 15 tháng. Nhưng rồi anh chê chị mù và theo người khác. Chị không trách anh mà chỉ buồn cho số phận mình hẩm hiu.
Rồi người mẹ tội nghiệp ấy lại không thể ở bên con. Khi con vừa cứng cáp, chị Nương đành phải gửi lại cho em gái trông nom hộ để xa nhà bán dạo. Đêm về thương con, chị chỉ biết khóc thầm, lúc không chịu nổi thì kiếm năm ba ngàn điện về để được nghe chúng nói, chúng khóc cho đỡ nhớ.
Con lên 5 tuổi cũng là từng ấy thời gian chị Nương bôn ba kiếm sống khắp Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM rồi Huế. Ban đầu bán vé số không được là bao, chị Nương chuyển sang bán báo. Nhưng cũng chỉ bán được lúc buổi sáng. Mà chị Nương chỉ đứng một chỗ nên có rất ít khách. Báo nhận về bán không trả lại được, nhiều hôm chị ôm cả chồng nặng trên tay về nhà trọ mà chỉ biết khóc.
Chị Nương dò dẫm mưu sinh. (Ảnh: Văn Đình)
Hiện chị Nương trọ tại một căn phòng vừa nhỏ vừa thấp với giá 250 ngàn cả điện nước/tháng. Sáng, tối chị ăn dĩa cơm “đặc biệt” năm ngàn đồng, trưa thì nhịn đói. Chị phải tằn tiện thì mới có tiền gửi về cho con. Chị Nương chịu vất vả như thế cũng chỉ vì “tội” thương con. Bởi lẽ chị có thể gửi các con vào nhà thờ cho các xơ nuôi rồi vào bản thân vào hội người mù sống.
Thường vài ba tháng, chị Nương mới dồn được món tiền gửi về nhà. Đi bán dạo ôm cả chồng sách trên tay nhưng chị Nương không đọc được chữ gì. Nhưng mỗi cuốn sách trở thành ước vọng lớn đối với chị bởi nó mang lại cho chị chút tiền để hai con chị được học hành mong có tương lai tươi sáng.
“Giờ các con là nguồn động viên lớn nhất của mình. Có ước thì chỉ mong ba mẹ con được gần nhau, chăm sóc cho nhau, thế thôi”, chị Nương tâm sự. Ước vọng ấy tuy nhỏ nhoi nhưng là gánh nặng cả đời của người mẹ mù 30 tuổi.
Vân Đình - Lê Thắm