Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... "Trò chơi con mực"

Hoài Nam

(Dân trí) - Thấy cậu con trai lớp 2 bị ảnh hưởng bộ phim "Trò chơi con mực" một cách trầm trọng, chị Diệu quyết định rủ con cùng xem.

Quyết định "liều lĩnh" cho con 7 tuổi xem bộ phim "Trò chơi con mực" (Squid game) tại Việt Nam gắn mác 18+, chị Nguyễn Thị Diệu, ở Gò Vấp, TPHCM nói: Tôi đã cân nhắc một cách thật sự nghiêm túc!

Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... Trò chơi con mực - 1
Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... Trò chơi con mực - 2

Trẻ nhỏ vẽ mô phỏng hình ảnh trong phim "Trò chơi con mực" (Ảnh: H.N).

Người mẹ chia sẻ, mấy tuần nay con trai chị - dù chưa chính thức xem bộ phim - nhưng gần như đã nắm hết nội dung. Con hiểu đây là bộ phim sinh tồn của Hàn Quốc, nắm rõ tình tiết, các trò chơi, nhân vật, cảnh chết chóc, người lính... Riêng đoạn nhạc trong bộ phim "mèo ma cô xi ít sừn mì ta", cháu hát ngày cả trăm lần. 

Chị Nguyễn Thị Diệu đưa ra một số nguyên tắc cho con khi xem bộ phim:

-Mỗi tuần chỉ xem 1 - 3 tập sau khi con đã hoàn thành bài vở, việc nhà...

-Chỉ xem cùng với mẹ;

-Chấp nhận phải bỏ qua những phân cảnh quá bạo lực, bắn giết.

-Xem xong, sẽ lắng nghe mẹ phân tích, lý giải. 

Vào lớp học online, các bạn cùng nhao nhao tám chuyện về "Trò chơi con mực", gửi hình ảnh cho nhau. Cháu chơi, kể chuyện, bình luận với bạn trong lớp online, bạn bè hàng xóm một cách chi tiết về bộ phim. Tranh luận rôm rả người này hên, người kia xui... chứ không "tèo" sớm, kể về bộ phim một cách chi tiết.  

Chị quan sát, các cháu chỉ cần vào mạng là thấy ngay các nội dung liên quan đến bộ phim trên Youtube, Facebook, Tik Tok... Hình ảnh, nhạc phim được lồng vào khắp các quảng cáo. Chưa kể, trang phục, mặt nạ, đồ chơi, đồ dùng, game... từ bộ phim xuất hiện nhan nhản.  

Chị Nguyễn Thị Diệu kể, chị cũng chỉ biết đây là một bộ phim sinh tồn bạo lực 18+. Mới đầu, nghe con nói về bộ phim chị quát mắng, thuyết giáo dạy dỗ đủ điều... 

Bị mắng, cháu tránh mẹ, đi tìm "sự đồng cảm" từ vợ chồng cô chú hàng xóm trẻ tuổi, rồi các anh chị lớn hơn trong chung cư... say sưa nói chuyện về bộ phim. Sự quan tâm của con về bộ phim không vì mẹ cấm mà "hạ nhiệt".

Người mẹ cũng cảnh báo, các con có thể chưa xem bộ phim nhưng trên mạng có rất nhiều bản nhái định dạng hoạt hình, Minecraft những bài review.. của bộ phim. Trẻ có thể xem mà có bố mẹ không hề hay biết. 

"Việc kiểm soát con một cách tuyệt đối khỏi bộ phim là điều gia đình tôi không thể làm. Với bộ phim ảnh hưởng như vậy, các cháu biết hết. Tôi cấm cản thì con còn càng khó chịu và tạo khoảng cách với mẹ, rất khó để phân tích nên hay không nên với con", chị Diệu cho hay. 

Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... Trò chơi con mực - 3

Hoạt hình, game "Trò chơi con mực" xuất hiện nhan nhản trên internet, trẻ nhỏ rất dễ tiếp cận (Ảnh chụp lại màn hình).

Theo chị Diệu, nếu các con tự mày mò thì trẻ chỉ biết hời hợt đây là bộ phim sinh tồn, bạo lực. Nhưng chị tin, ngoài cảnh bạo lực, bộ phim có nhiều điều, nhiều giá trị, bài học... nếu trẻ được chia sẻ. Trẻ sẽ có cái nhìn đa chiều, đúng bản chất hơn chỉ là cảnh chém giết. 

Bố mẹ chơi "trò chơi con mực" cùng trẻ 

Có nên cho con xem bộ phim "Trò chơi con mực" đang là hot trên mọi mặt trận thông tin, kéo theo nhiều tranh cãi nảy lửa từ phụ huynh. 

Bộ phim sinh tồn bạo lực, tại Việt Nam được gắn mác 18+, những nỗ lực từ người lớn ngăn trẻ tiếp cận với bộ phim là điều cần thiết không phải bàn cãi.

Nhiều phụ huynh thừa nhận, dù họ làm nhiều cách nhưng không thể ngăn con xem bộ phim, cũng như những ảnh hưởng của nó. 

Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... Trò chơi con mực - 4

Trước ảnh hưởng quá lớn từ bộ phim, nhiều phụ huynh chấp nhận... xem cùng con (Ảnh: New York Post)

Anh Nguyễn Đức Mạnh, nhà ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết, hai con lớp 3 và 6 đã xem bộ phim này. Lúc đầu anh cũng cấm nhưng chịu thua, nhất là khi các cháu học online, tiếp xúc công nghệ hàng ngày, khó có thể ngăn các cháu quan tâm đến nội dung đang là "trend". 

Con gái anh kể, các bạn ai chưa xem "Trò chơi con mực" sẽ bị chê là... hai lúa. Từ bộ phim, anh cũng trao đổi với con về những bài học đắt giá như giá trị của sinh mạng, bi kịch nợ nần, rồi mở rộng hơn về sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn... 

"Chỉ mong các con không quá tò mò, không được tiếp cận đúng mà hiểu sai, hiểu lệch lạc về vấn đề", anh Mạnh bày tỏ. 

Chị Vũ Ngọc Liên, có con học lớp 1 ở TPHCM kể, đợt vừa rồi chị gửi con lên ông bà ngoại, thời gian học online và giải trí, cháu cũng nghiền bộ phim, tối ngày chơi trò "con mực". 

Lúc đó, chị Liên hoảng hồn nhưng cố giữ bình tâm và nghĩ cách chuyển sang cách thức chơi bình thường. Như trò "đèn xanh đèn đỏ" em bé tập đi, thật ra hồi bé chị cũng hay chơi đếm 1, 2, 3... rồi quay đầu lại, ai còn động đậy người đó "out", ai tới đích thì thắng. Bây giờ thay vì đếm, trẻ hát đoạn nhạc "mèo ma cô xi ít sừn mì ta".

"Vợ chồng tôi chơi trò này cùng con và dần dần cháu không quá tập trung đến vấn đề bạo lực. Ngoài ra, mình cũng cho con xem, chơi những trò chơi khác để con bớt quan tâm đến yếu tố bạo lực, chết chóc của bộ phim", chị Liên nói. 

Trên thế giới, bộ phim Squid Game - "Trò chơi con mực" được gắn mác 15+ hoặc 18+ tùy nước. Nhưng hàng loạt nước cũng phải lên tiếng cảnh báo ảnh hưởng của bộ phim đã "vượt qua khuôn khổ lứa tuổi". Tại nhiều trường, trẻ nhỏ 6 - 7 tuổi đã xem bộ phim hoặc chịu ảnh hưởng rất lớn từ bộ phim bình luận, tham gia chơi say sưa. 

Người mẹ gây tranh cãi khi rủ con lớp 2 xem... Trò chơi con mực - 5

Theo bác sĩ tâm lý người anh, bà Sandra Wheatley, bộ phim gây sốt này có thể khiến trẻ nhỏ trở nên thờ ơ hoặc thậm chí tham gia vào việc bắt nạt trong học đường (Ảnh: New York Post).

Việc tiếp cận, bảo vệ con trước những tác động từ mạng xã hội hiện nay là bài toán thách thức không chỉ riêng với từng gia đình mà với cả trường học và các cơ quan quản lý. 

Theo các chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát cũng như chế tài "làm sạch" môi trường mạng, nhất là các chương trình với trẻ nhỏ. Vậy nhưng trong bối cảnh tràn lan ảnh hưởng bạo lực, độc hại trên môi trường mạng như hiện nay thì chính gia đình phải là "màng lọc" đầu tiên và quan trọng nhất. 

Giữ không chỉ có nghĩa là cấm!

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, chuyên viên tư vấn tâm lý một trường học quận 5, TPHCM chia sẻ quan điểm rất khó để nói "cấm" hay "thả" trẻ trước ảnh hưởng của một bộ phim hay các trào lưu, xu hướng thì cái nào hay cái nào dở. 

Với bộ phim "Trò chơi con mực" đã có khuyến cáo không dành cho trẻ dưới 18, việc giữ trẻ là điều phải làm. Tuy nhiên, theo cô Thúy, ở góc độ gia đình và thời đại thông tin bủa vây, "giữ" không chỉ mang hàm ý là cấm. Nhiều phụ huynh họ chọn "giữ" bằng cách tìm hiểu, đồng hành cùng con, chọn lọc cho con những thông tin tích cực từ những vấn đề, bộ phim tưởng nhìn ngoài tưởng chỉ là tiêu cực, bạo lực... 

Để làm được điều này, cô Ngọc Thúy cho rằng phụ huynh phải thật sự có kiến thức, hiểu biết và cả sự đồng cảm, khéo léo để hướng con đến những điều tốt đẹp, tích cực.