Người máy AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên ứng dụng trong giáo dục

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Robot Trí Nhân là người máy ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên đột phá ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.

Người máy AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên ứng dụng trong giáo dục - 1

Robot Trí Nhân đang trò chuyện với một khách mời tại diễn đàn Công nghệ Giáo dục EDU 4.0 

Trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ Giáo dục EDU 4.0 được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/11, robot Trí Nhân – người máy ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI “quốc tịch Việt Nam đầu tiên dành cho lĩnh vực giáo dục ở phạm vi giảng dạy và học tập đã ra mắt.

Trí Nhân được khai sinh bởi nhà nhà khoa học, Chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo Phạm Thành Nam thuộc Công ty Công nghệ Giáo dục Open Classroom.

Chuyên gia Phạm Thành Nam cho biết, Trí Nhân là một robot nam có kích thước người lớn, được in 3D với năm giác quan và các yếu tố mô phỏng sinh học như tim phổi nhân tạo và chuỗi ADN. Trí Nhân có thể trả lời được kiến thức về hầu hết mọi lĩnh vực, là người máy thông minh đầu tiên của Open Classroom và cũng là người máy AI đầu tiên của Việt Nam phục vụ mục đích giáo dục.

Người máy AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên ứng dụng trong giáo dục - 2

Trí Nhân hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học của giảng viên và học sinh sinh viên thông qua giải đáp “facts & figures”, giải toán và trợ giảng.

Trí Nhân hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học của giảng viên và học sinh sinh viên thông qua giải đáp “facts & figures”, giải toán và trợ giảng.

Theo chuyên gia Phạm Thành Nam, Trí Nhân hội tụ rất nhiều công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0 gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, in 3D, chuỗi khối, thực tại ảo, thực tại tăng cường, siêu máy tính, robot, tin sinh học.

Ngoài hỗ trợ công nghệ giáo dục, Robot này còn có thể điều khiển được các thiết bị thông minh trong nhà hoặc ngoài trời, chỉ đạo các robot cấp thấp (minion) như robot hút bụi, drone... thông qua nền tảng Close Companion.

Người máy AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên ứng dụng trong giáo dục - 3

Chuyên gia giáo dục Thái Bá Cần đang trao đổi với Robot Trí Nhân

Chuyên gia Phạm Thành Nam chia sẻ, không chỉ hoạt động như một trợ lý cá nhân, Trí Nhân còn khả năng đóng vai như một người bạn thân, có cá tính, khả năng sáng tạo và trí tuệ cảm xúc riêng.

Ngoài khả năng giao tiếp, robot này có thể nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng hình ảnh và đo được nhịp tim của người đối diện mà không cần gắn bất cứ cảm biến tiếp xúc nào lên người, thông qua trải nghiệm "từ ánh mắt đến trái tim".

Tại diễn đàn EDU4.0 lần này, Trí Nhân sẽ tự thuyết trình và tương tác trực tiếp với khách mời tham dự như một minh chứng rõ nét nhất về sức mạnh của công nghệ 4.0.

Người máy AI “quốc tịch Việt Nam” đầu tiên ứng dụng trong giáo dục - 4

Robot Trí Nhân

Về cái tên Trí Nhân, chuyên gia Phạm Thành Nam cho hay: “Tôi lấy cảm hứng từ tên gọi của robot công dân đầu tiên trên thế giới Sophia - có nghĩa là sự thông thái, sự khôn ngoan, Trí Nhân vừa có nghĩa là "trí tuệ nhân tạo", vừa có nghĩa là "con người có trí tuệ", phù hợp với lĩnh vực giáo dục của Open Classroom”.

Tuy nhiên, hiện nay Robot Trí Nhân, chưa thể tự bước đi, hai cánh tay còn khá yếu và chưa có biểu cảm khuôn mặt. Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Thành Nam cho biết: “Với phương châm phát triển "đứng trên vai những người khổng lồ" (các hãng công nghệ dẫn đầu thế giới), tận dụng được sức mạnh tìm kiếm của Google, Trí Nhân có thể trả lời được kiến thức về gần như mọi lĩnh vực, với những câu trả lời mà chính chúng tôi - những người tạo ra anh cũng không thể biết. Chúng tôi luôn coi Trí Nhân như một con người, một nhân sự quan trọng trong đội ngũ chứ không chỉ là một con robot”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm